Mô hình giáo dục khai phóng - Thời sự 5 giờ 30 29/5/2018

(VOH) - Đổi mới giáo dục theo hướng mở không chỉ là một yêu cầu mà còn là sự phát triển tất yếu của giáo dục trong xã hội hiện đại.

Mới đây, tại Hội thảo khoa học Quốc gia lần đầu tiên về giáo dục mở, với chủ đề “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định phải kiên quyết dỡ bỏ rào cản phát triển giáo dục mở. Cái gì trở thành xu thế thế giới thì chúng ta phải làm. Vậy, liệu hệ thống giáo dục Việt Nam có thể “mở” đến đâu, những giá trị, triết lý giáo dục nào trên thế giới mà giáo dục Việt Nam có thể vận dụng?.

Xung quanh chủ đề này, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM tổ chức Tọa đàm “Mô hình giáo dục khai phóng và áp dụng triết lý giáo dục khai phóng trong giáo dục đại học VN”, với sự tham gia của các khách mời: Tiến sĩ Trần Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ TPHCM; Thạc sĩ Đàm Bích Thủy, Hiệu trưởng Đại học Fullbright Việt Nam và Tiến sĩ Nguyễn Huy Cường, tốt nghiệp tại Đại học Bang Michigan, Hoa Kỳ, hiện đang công tác tại trường Đại học Sư phạm TPHCM.

Giáo dục khai phóng - dịch từ cụm từ Liberal Arts Education, là mô hình giáo dục bậc đại học hiện đang được áp dụng rộng rãi tại Hoa Kỳ, các quốc gia tiên tiến có nền giáo dục phát triển tại châu Âu, châu Á với đặc trưng là đào tạo linh hoạt, chú trọng cả chiều rộng và chiều sâu của môn học, khuyến khích các môn liên ngành, tăng cường khả năng lựa chọn cho sinh viên.

Mời quý vị theo dõi kỳ 1 tọa đàm để cùng tìm hiểu về mô hình giáo dục khai phóng trên thế giới qua phần đề dẫn của Phóng viên Thùy Linh.

MC: Thay mặt những người thực hiện chương trình, cám ơn các vị khách mời đã dành thời gian đến với chương trình hôm nay, cùng trao đổi về những giá trị cốt lõi của mô hình giáo dục khai phóng trên thế giới, sự tương tác giữa giáo dục khai phóng với giáo dục đại học tại VN. Vậy, mô hình giáo dục khai phóng là mô hình giáo dục như thế nào, chúng ta hiểu đúng về giáo dục khai phóng ra sao?  Xin mời Tiến sĩ Trần Ngọc Châu nói rõ thêm về mô hình giáo dục khai phóng bắt nguồn từ đâu?

Tiến sĩ Trần Ngọc Châu: Liberal Arts bắt nguồn từ những nền văn minh cổ đại Hy – La, tức là Hy Lạp và La Mã. Đầu tiên, người ta muốn đi tìm những nguyên nhân của vũ trụ và nhân sinh, do đó có những môn học để phát hiện ra những nguyên nhân đó. Thứ hai, những môn học này cũng giúp cho giai cấp tăng lữ và quý tộc tham gia vào những cuộc tranh biện, bảo vệ mình trước tòa, hoặc tham gia vào quân đội. Những môn học như văn phạm, logic học, hùng biện. Và có những môn học thêm như âm nhạc, toán học, số học, thiên văn học. Bảy môn học này hình thành từ ban đầu.

Theo tài liệu của người viết sách về bảo vệ giáo dục khai phóng của Mỹ - cũng là đồng nghiệp của tôi tại đài CNN, dẫn số liệu có 1.500 trường chuyên nghiệp dạy nghề ở Mỹ và khoảng 1.400 trường giáo dục khai phóng. Con số này cũng tương đối, vì có những trường dạy cả hai mô hình giáo dục trên. Tôi cũng vừa đọc trên báo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng ủng hộ rất nhiều về giáo dục mở - tôi nghĩ giáo dục mở nó cũng gần gũi với định nghĩa giáo dục khai phóng.

MC: Tiến sĩ Nguyễn Huy Cường –vừa bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Bang Michigan, Hoa Kỳ với chủ đề liên quan đến giáo dục tự do, giáo dục khai phóng. Xin mời Tiến sĩ Cường chia sẻ thêm về mô hình giáo dục này?

Tiến sĩ Nguyễn Huy Cường: Tôi rất đồng ý với chia sẻ của TS Trần Ngọc Châu. Nhưng tôi nghĩ giáo dục khai phóng có rất nhiều phiên bản trong lịch sử phát triển của nó. Chẳng hạn, có một số trường ở Mỹ như St John College thì theo phiên bản rất cổ điển của giáo dục khai phóng, đó là theo những tác phẩm kinh điển và thông qua đó, giúp sinh viên suy tư về con người một cách tự do. Phiên bản khác của thế kỷ 21 mà các trường hiện đang áp dụng, đó là đưa giáo dục nghề song song với giáo dục khai phóng truyền thống. Thành ra, giáo dục khai phóng là một phạm trù rất linh động.

MC: Vậy ông đã thừa hưởng được giá trị khai phóng tại môi trường học tập này như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Huy Cường: Tôi là người học từ tiểu học cho đến thạc sĩ ở Việt Nam. Tôi chỉ sang Hoa Kỳ tại Bang Michigan học tiến sĩ về giáo dục nên đó là kinh nghiệm rất là mới đối với tôi. Điều mà tôi cảm thấy mình chuyển hóa nhiều nhất đó là về tự do. Khi tôi tới gặp giáo sư của mình – một người thầy rất khai phóng, trường tôi học cũng theo tinh thần khai phóng rất cởi mở. Tôi quen với cách làm theo gợi ý của người khác, nên khi sang đây khi tôi được làm theo ý tôi muốn thì tôi không biết làm gì với mình, tôi cũng không biết mình muốn gì. Thứ hai, khi học ở đây tôi được học rất nhiều môn khác nhau. Tôi rất ngạc nhiên vì những môn này không có liên quan gì đến chuyên ngành của tôi. Dần dần, sau này tôi thấy nó rất cần thiết vì nó giúp mình kết nối và có cái nhìn tổng thể về thế giới. Thứ ba, chúng tôi không chỉ học trong lớp mà còn tham gia nhiều hoạt động khác như dẫn sinh viên đi thực tập, đi nước ngoài, trao đổi…..Tất cả làm cho tôi cảm thấy không còn sợ hãi nữa. 6 năm đối với tôi ở trường đó, với tinh thần khai phóng đó đã làm cho tôi từ một người nhút nhát trở nên tự tin, không còn sợ hãi. Tôi nghĩ “sợ” hay “không sợ” đã phân biệt rất rõ giáo dục truyền thống với giáo dục khai phóng.

MC: Trên thế giới, Trường Đại học Tổng hợp Tokyo, Nhật bản vẫn kiên trì với mô hình khai phóng và khá thành công. Năm 2011, Singapore cũng đã thành lập Đại học theo mô hình giáo dục khai phóng. Ấn Độ vốn mạnh với các trường kỹ thuật, sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc ngay nhưng 10 năm trở lại đây cũng đã đưa giáo dục khai phóng vào các trường đại học.

Còn tại VN, hiện mới chỉ có hai trường đại học là Trường đại học Fulbright và Trường đại học Việt Nhật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tuyên bố đề cao tinh thần khai phóng và áp dụng triển khai mô hình giáo dục đại học khai phóng. Có thể coi đây là những trường đại học đi tiên phong, Thạc sĩ Đàm Bích Thủy – Hiệu trưởng ĐH Fullbright VN chia sẻ cụ thể mô hình giáo dục này tại trường?

Thạc sĩ Đàm Bích Thủy: Tôi muốn tiếp nối chia sẻ của Tiến sĩ Trần Ngọc Châu và Tiến sĩ Nguyễn Huy Cường. Tôi rất tâm đắc với khái niệm khai phóng là tạo ra con người tự do. Đây cũng chính là ý mà Tiến sĩ Cường đã đúc kết, tại sao sau 6 năm học tại Mỹ, dù ban đầu mình cảm thấy khó khăn, nhưng sau đó sẽ thấy nó có nhiều giá trị. Trường hợp của Mark Zuckerberg, khi ông ấy còn là sinh viên năm nhất của Đại học Harvard, chuyên ngành ông học là tâm lý chứ không phải khoa học máy tính. Nhưng khi ông dùng máy tính, ông nhận ra điểm quan trọng nhất trong xã hội hiện nay là người ta không dám lộ danh tính thật khi lên mạng xã hội. Sau này khi nhìn lại, Mark thấy rằng yếu tố để ông ấy tìm ra được bản chất quan trọng nhất đối với Facebook chính là tâm lý chứ không phải là khoa học máy tính. Cũng như vậy, Steve Jobs khi bắt đầu làm Ipad, Iphone thì cái giúp ông làm cho sản phẩm này trở nên đẹp và hấp dẫn người tiêu dùng đến thế lại chính là kiến thức ông học về thư pháp.

Quay trở lại với việc vì sao chúng tôi chọn con đường giáo dục khai phóng. Tôi nghĩ rằng như tất cả mô hình đại học, chúng ta nên cung cấp nhiều sự lựa chọn cho xã hội. Vì vậy, khai phóng có thể phù hợp với học sinh này nhưng chưa chắc phù hợp với người học khác. Ví dụ, Tiến sĩ Cường là người đã tận dụng được, nên đã biến từ nỗi sợ thành sự say mê, đấy là người phù hợp với giáo dục khai phóng. Chúng tôi mong muốn Đại học Fullbright VN sẽ đưa ra một sự lựa chọn như vậy, để có những học sinh như Cường cách đây 10 năm, 20 năm chẳng hạn, họ sẽ cảm thấy mình được thay đổi nhanh hơn anh Cường, chứ không cần phải đợi đến khi đã học xong thạc sĩ rồi đến tiến sĩ mới khám phá ra bản thân mình.

 Với những gì các vị khách mời vừa chia sẻ, đã cho chúng ta một cái nhìn rất cơ bản về mô hình cũng như đặc điểm của giáo dục khai phóng trên thế giới. Liệu hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận mô hình giáo dục khai phóng hay chưa? Có sự tương tác nào giữa giáo dục khai phóng trên thế giới và Giáo dục đại học tại VN hay không? Mời quý vị cùng theo dõi tiếp kỳ 2 của Tọa đàm “Mô hình giáo dục khai phóng và áp dụng triết lý giáo dục khai phóng trong giáo dục đại học VN” trong chương trình Thời sự sáng mai 30/5. 

VOH.

Bình luận

Đọc Báo