Lũ Tây Bắc: Thiên tai và nhân họa - Thời sự 17 giờ 17/08/2018

(VOH) - Do ảnh hưởng bão số 4, nhiều tỉnh ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ những ngày qua có mưa rất to.

Các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Mưa lũ dồn dập ở Tây Bắc một lần nữa cho chúng ta thấy sự bất thường và dữ dội của tự nhiên, đồng thời, không khỏi gióng lên hồi chuông cảnh báo về cái giá mà con người phải trả cho việc tự tay tàn phá môi trường sống của chính mình.

Vụ lở đất do mưa lớn tại huyện Phong Thổ (Lai Châu) chiều 3/8 đã vùi lấp 7 ngôi nhà, làm nhiều người chết và mất tích. Dự báo mưa to sẽ có khả năng gây lũ quét và sạt lở đất đá ở khu vực vùng núi phía Bắc, bởi khu vực này được dự báo là trọng tâm mưa của đợt mưa tới. Có thể nói, những năm gần đây, Tây Bắc đã và đang gánh chịu liên tiếp những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra. Những lúc ấy, chúng ta lại càng thấm thía sự khắc nghiệt của bà mẹ thiên nhiên. “Biến đổi khí hậu” tưởng chừng như một cụm từ xa xôi, giờ đây đã là hiểm họa ngay trước mắt, với khung cảnh tang hoang, đổ nát của những bản làng chìm trong nước lũ, hiển hiện lên trong đó là ánh mắt thất thần của những người ở lại khi chứng kiến sự cuồng nộ của dòng nước dữ. Rõ ràng, thiên nhiên chưa bao giờ nằm trong sự kiểm soát của con người. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không phải chịu trách nhiệm trước những đau thương, mất mát, thiệt hại đó.

Hiện tượng lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc đã được cảnh báo nhiều lần, nhưng dường như càng về sau càng nguy hiểm và phức tạp hơn. Một phần là do điều kiện sinh hoạt, tập quán sản xuất của người dân ở vùng cao, vốn ở gần các sông, suối, dưới chân các núi, đồi, khi mưa lớn và kéo dài thì đất núi dễ bị sạt lở, nước sông, suối nhanh chóng dâng lên cao, nếu người dân không kịp thời sơ tán thì rất dễ xảy ra tai nạn thương tâm. Nhưng nguyên nhân sâu xa chính là tình trạng chặt phá rừng tràn lan, khi đất không thể giữ được nước, mưa bao nhiêu sẽ chảy hết về vùng trũng thấp.

Rừng Tây Bắc ngoài vai trò là “mái nhà” che chở, đảm bảo an toàn sinh thái cho 3,7 triệu hecta nội vùng Tây Bắc và cho cả vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, còn có vai trò phòng hộ vô cùng quan trọng cho các nhà máy thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà… Thế nhưng rừng Tây Bắc đã và đang bị tàn phá ở mức báo động. Tổng hợp riêng tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Lào Cai trong năm 2015, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 2.000 vụ, diện tích rừng bị mất hàng ngàn hecta. Đến thời điểm hiện tại, điểm nóng nhất về phá rừng Tây Bắc vẫn là huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Vụ việc nghiêm trọng đến mức Thủ tướng đã có chỉ đạo, yêu cầu UBND tỉnh Điện Biên kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và tập thể.

Rừng đã “không cánh mà bay” mỗi ngày từ nhiều nguyên nhân, do cháy rừng, phá rừng làm nương rẫy, do khai thác gỗ trái phép… hoặc vì những lý do hết sức phi lý. Tháng 7/2017, UBND tỉnh Điện Biên có văn bản cho phép Công ty Cổ phần hoa anh đào Trần Lệ phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thực hiện rà soát quỹ đất, mở rộng diện tích trồng hoa anh đào trên địa bàn xã Mường Phăng, huyện Điện Biên. Tuy nhiên, lợi dụng điều này, công ty đã phá hơn 8.000 m2 rừng đặc dụng Mường Phăng với lý do lấy đất để trồng hoa! Khi sự việc bị phát hiện, công ty này chỉ chịu hình thức xử phạt hành chính với số tiền… 100 triệu đồng. 100 triệu đổi lấy 8.000 hecta rừng, còn gì đau xót hơn?

Ấy vậy mà, đó chỉ là một trong số rất nhiều những vụ chặt phá rừng đã và đang diễn ra tại khu vực này. Hệ lụy tất yếu là sự cuồng nộ ngày càng tăng của thiên nhiên, với lũ ống, lũ quét, bão, lốc, hạn hán, sạt lở đất. Tây Bắc trung tuần tháng 6, những cơn mưa rừng ào ạt đổ về. Nước lũ từ đỉnh núi lao xuống khiến dòng sông trở nên hung dữ. Rừng xanh nay đã thành đồi trọc, nên cũng dễ dàng hình dung được sự hung hãn của dòng nước khi không còn thứ gì cản đường nó. Đợt mưa lũ này đã khiến 33 người chết, mất tích, thiệt hại hơn 450 tỷ đồng. Nhưng không dừng lại ở đó, các chuyên gia khí tượng dự báo, Tây Bắc sẽ còn tiếp tục là “rốn lũ” của Bắc Bộ.

Chỉ tính từ đầu mùa mưa lũ năm 2017 đến nay, tại các tỉnh Tây Bắc đã có gần 100 người chết và mất tích, ước thiệt hại về kinh tế hơn 5.000 tỷ đồng. Đây thực sự là những con số “biết nói”, là thông điệp không thể làm ngơ đối với tất cả chúng ta. Đương nhiên thiên tai đã rõ, mưa từ trên trời đổ xuống, nhưng không thể chối bỏ có sự góp sức của con người. Thiên nhiên càng khắc nghiệt, càng bất thường, chúng ta càng nhận ra cái giá của việc “bức tử” rừng ngày một đắt.

Hình ảnh tan hoang của các tỉnh Tây Bắc sau mỗi đợt mưa lũ rồi sẽ còn tiếp diễn và sẽ còn khốc liệt hơn, nếu ngay từ bây giờ chúng ta không có hành động gì để ngăn chặn rừng “chảy máu”. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên hoàn toàn ở Tây Nguyên và một số nơi khác. Thế nhưng, cũng không ai dám chắc rằng rừng ở nơi đã đóng cửa sẽ không bị tàn phá, không bị âm thầm khai thác trái phép, khi còn các dự án thủy điện xây tràn lan, khi tình trạng khai thác khoáng sản vô tội vạ, hay khi người dân vẫn còn du danh du cư, không kế hoạch thâm canh hay sản xuất lớn. Ngay ở các tỉnh phía Bắc, báo chí đã nêu tên nhiều cá nhân sở hữu những biệt phủ trên những ngọn đồi, nhưng rồi cũng rơi vào im lặng.

Chắc chắn rằng, trận tuyến giữ rừng sẽ còn lắm gian nan. Và từ giờ đến lúc phủ xanh đồi trọc, chúng ta sẽ còn phải chuẩn bị rất nhiều để ứng phó với những cơn cuồng nộ, thất thường của mẹ thiên nhiên…

Quỳnh Anh

Bình luận

Đọc Báo