Không vì bất cứ lý do gì đánh đổi kinh tế với môi trường - Thời sự 11g 20/2/2018

(VOH) - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM trong cuộc trao đổi với VOH

Nghị quyết Đại hội đảng bộ TPHCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định việc giảm ô nhiễm môi trường, đột phá trong chỉnh trang đô thị là hai trong bảy chương trình đột phá của Thành phố. Thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực để giảm ô nhiễm môi trường, phát triển đô thị nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Năm 2017, Thành phố đã xây dựng được nhiều chương trình góp phần cải thiện môi trường thành phố từ việc nâng cao ý thức người dân đến quản lý đầu tư kinh doanh. Tìm hiểu thêm định hướng chiến lược trong công tác bảo vệ môi trường trong năm 2018, Phóng viên Huệ Như có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố.

VOH: Thưa ông, năm 2017 trôi qua với nhiều dấu ấn để lại rõ nét trong công tác quản lý môi trường, ông phân tích rõ hơn những nét nổi bật này?

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Dưới sự lãnh chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và việc tổ chức thực hiện của UBND TP, năm 2017 để lại dấu ấn rất tốt đẹp đối với người dân thành phố trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Chúng ta gần như ban hành được các chính sách để năm 2018 bắt tay vào triển khai thực hiện. Tôi ví dụ như là lần đầu tiên chúng ta có kỳ họp HĐND để ban hành nghị quyết 03 về bảo vệ môi trường trong khu đô thị, khu dân cư và những chỉ tiêu để phấn đấu từ nay đến năm 2020. Ví dụ như là giảm tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt chôn lấp xuống còn dưới 50% và theo lộ trình đến năm 2025 là dưới 20%. Ngoài ra, chúng ta đã có sự phân cấp mạnh mẽ về cho các quận, huyện để thực hiện công tác thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Đây là việc làm phù hợp với quá trình phát triển đô thị của thành phố, phù hợp với đặc điểm của từng quận huyện với nhau. Đó là nội dung rất lớn liên quan đến các pháp lý quan trọng để các đơn vị chức năng bắt tay chặt chẽ, tham mưu công tác bảo vệ môi trường.

Riêng lĩnh vực đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt thì lần đầu tiên thành phố tổ chức mời gọi đầu tư để đốt rác phát điện và rất thành công. Có khoảng 40 nhà đầu tư nước ngoài đến từ 8 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng với các nhà đầu tư trong nước tham dự. Tôi nghĩ rằng đây là những ấn tượng rất tốt để lại trong lòng người dân thành phố và chúng ta sẽ  quyết tâm triển khai có hiệu quả trong năm 2018.

VOH: Trên cơ sở đó, năm 2018, ngành Tài nguyên và Môi trường thành phố có những định hướng chiến lược như thế nào để tiếp tục phát, thưa ông?

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Phải nói rằng tui cũng rất là vui mừng xin được thông tin cho toàn thể người dân thành phố, với những chính sách như thế thì chúng ta sẽ bắt tay vào tổ chức thực hiện 17 chỉ tiêu của chương trình giảm ô nhiễm môi trường. Đây là những nội dung, những công cụ mà từ năm 2015 đến năm 2017 chúng ta đã hoàn thành được 7 chỉ tiêu, còn lại 13 chỉ tiêu thì chúng ta phải tập trung vào thực hiện cho đạt kết quả. Tôi nghĩ rằng, bước vào những tháng đầu năm 2018, đặc biệt là Quý I, Quý II là chúng ta sẽ đấu thầu ngay để lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố mà có tỷ lệ gia tăng khoảng 10% mỗi năm. Chúng ta làm ngay công việc đó. Đồng thời, triển khai rộng rãi trên địa bàn thành phố việc phân loại chất thải rắn tại nguồn, từ cải tiến phương tiện thu gom đến tổ chức lại mô hình của các đơn vị thu gom tại các khi dân cư, chuyển đổi cho phù hợp, giải quyết vấn đề nhả ở ven và trên kênh rạch…rồi hàng loạt các chính sách trong vấn đề này. Năm 2018 chúng ta đã có nhiều khởi động thực hiện công tác chỉnh trang đô thị.

VOH: Thưa ông, trước nhịp sống không ngừng phát triển của thành phố đã kéo theo nhiều vấn đề môi trường. Chủ trương của Chính phủ vẫn là không đánh đổi môi trường vì kinh tế. Ông nhận định những thách thức cũng như có giải pháp nào để dung hòa môi trường trước sự phát triển kinh tế ngày một đa dạng trên địa bàn thành phố?

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Tp HCM cũng như các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong quá trình phát triển thì quá trình gia tăng dân số là đương nhiên. Trong đó, có các nguyên nhân cơ học và các nguyên nhân khác. Việc dân số gia tăng nhanh là một thách thức đối với vấn đề môi trường. Chẳng hạn như lượng rác thải, nước thải sẽ nhiều hơn, khí thải từ các phương tiên giao thông cũng nhiều…đó là những thách thức. Nhưng bản thân người dân thành phố và chính quyền thành phố cũng quyết tâm không vì bất cứ lý do gì mà chúng ta đánh đổi môi trường với kinh tế.

Do đó, những chủ trương hiện nay được Thành ủy, HĐND, UBND ban hành đều có lộ trình trong tổ chức thực hiện bảo vệ môi trường, từ sự phối hợp cộng đồng đến sự tham gia trực tiếp của các cơ quan, đơn vị…thì chúng ta sẽ có những chuyển biến rất tốt. Tôi nghĩ, đó là những câu chuyện mà TP HCM không chỉ nhìn ở trước mắt mà còn ở thời gian dài trong quá trình phát triển đô thị dân số đông nhưng đảm bảo nhu cầu cho người dân thành phố.

VOH: Xin cảm ơn ông!

VOH.

Bình luận

Đọc Báo