Hiệu quả từ chương trình kết nối cung cầu hàng hóa - Thời sự 5g30 08/01/2018

(VOH) - Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành trong cả nước thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực.

Giờ đây, muốn ăn cam sành Hà Giang, măng muối chua Hòa Bình, mắm Huế, tiêu sọ Phú Quốc và nhiều đặc sản vùng miền khác… người tiêu dùng tại TPHCM rất dễ dàng tìm mua ở hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi mà không cần phải đi đến tận nơi xuất xứ. Hàng hóa của các tỉnh thành đã được phân phối rộng khắp trên địa bàn TP qua các kênh phân phối hiện đại cũng như truyền thống và ngược lại. Đây là kết quả từ chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành được triển khai thực hiện trong suốt 6 năm qua. Bà Lê Thị Thu Hằng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến công thương Hà Giang, cho biết: "Tất cả các siêu thị và các nhà phân phối, các chuỗi phân phối sản phẩm sạch ở trong TP cũng rất là quan tâm đến sản phẩm của Hà Giang. Và có đánh giá là tất cả những sản phẩm của Hà Giang mang vào giới thiệu đều đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để đưa được vào các nơi, các địa điểm, các chuỗi để cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng tại TPHCM".

Thông qua chương trình, nhiều doanh nghiệp ở các địa phương và TPHCM đã cùng ký kết hợp tác cung ứng, phân phối hàng hóa. Không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa mà còn hợp tác đầu tư đẩy mạnh xuất khẩu. Nếu như năm đầu tiên triển khai thực hiện chỉ có 43 hợp đồng được các doanh nghiệp ký kết hợp tác thì càng về sau, số lượng kết nối tăng dần. Chỉ tính riêng năm 2016, có gần 1.000 doanh nghiệp tham gia, số lượng, chủng loại hàng hóa dồi dào, phong phú hơn. Không dừng lại ở đặc sản, nông sản vùng miền mà còn rất nhiều sản phẩm chế biến từ thủy hải sản,  gia súc gia cầm, rau củ quả, trái cây, cà phê, hạt điều, tiêu, sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... cũng được kết nối cung ứng qua các kênh phân phối. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Đối ngoại Big C, khẳng định: "Những chương trình kết nối cung cầu như thế này thì hệ thống siêu thị Big C tìm thấy được rất nhiều lợi ích, tiếp cận làm việc được rất nhiều nhà cung cấp đến từ các tỉnh, thành. Chúng tôi có thể đa dạng hóa sản phẩm. Việc kết nối cung cầu  giúp chúng tôi rút ngắn quy trình hợp tác đối với các nhà sản xuất  trong nước. Chúng tôi có thể làm việc trực tiếp với các  nhà sản xuất, các doanh nghiệp Việt Nam để có thể loại bỏ được những khâu trung gian ảnh hưởng đến giá sản phẩm. Từ đó giá bán ra sẽ tốt hơn cho người tiêu dùng".

Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa được Sở Công Thương TP thực hiện từ năm 2012 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm đối tác, hợp tác đầu tư mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đây cũng là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng thu hút sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh thành và doanh nghiệp vì thúc đẩy một mối liên kết đầu tư, mở rộng thị trường. Nhiều doanh nghiệp tại TPHCM đầu tư, liên kết phát triển nhà máy, mở rộng hệ thống nuôi trồng, phát triển hệ thống phân phối với các tỉnh, thành. Tính đến nay đã có trên 27.000 tỷ đồng được các doanh nghiệp TP đầu tư về các địa phương, trong đó liên kết cung ứng vốn cho nông dân chăn nuôi, trang trại hơn 2.500 tỷ đồng.

Kết quả lớn hơn mà chương trình mang lại là tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt chất lượng, giá cả hợp lý qua đó góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nhận định: "Không dừng lại ở vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm nữa mà đã trở thành một liên kết đầu tư. Các doanh nghiệp của TPHCM đã được các tỉnh thành ủng hộ mở rộng quy mô sản xuất ở các tỉnh. Với sự hỗ trợ của TP thì nguồn hàng cung ứng cho thị trường sẽ nhiều hơn, đa dạng hơn và chất lượng hơn, đồng thời đảm bảo giá cả ổn định hơn. Cũng góp phần cho chương trình bình ổn thị trường của TPHCM đạt yêu cầu cao".

Năm 2017, năm thứ 6 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành được thực hiện đánh dấu một bước ngoặt mới khi kết hợp xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, chất lượng, hướng tới tạo dựng thương hiệu cho từng ngành hàng, đặc sản của địa phương. Từ đó phục vụ tốt hơn nhu cầu tiêu dùng,  gia tăng giá trị hàng hóa trên cơ sở ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến, phân phối, thúc đẩy hoạt động sản xuất hàng hóa ngày càng lớn mạnh.  Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhấn mạnh: "TP mong muốn sẽ có những kết nối thành một chuỗi liên kết , tạo ra những quy trình sản xuất  cũng như đặt hàng với các tỉnh để kết nối từ khâu đầu tiên của sản xuất đến khâu phân phối. Như vậy sẽ tạo ra giá trị hàng hóa cao. Và TPHCM có trách nhiệm suy nghĩ những sản phẩm công nghệ để đưa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bằng việc TP cung ứng cho các tỉnh những sản phẩm công nghệ để nâng cao chất lượng sản xuất cũng như chăn nuôi".

Với sự tham gia của gần 3.000 doanh nghiệp đến từ 40 tỉnh, thành, chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành năm 2017 hứa hẹn mở ra một giai đoạn mới trên cơ sở phát huy lợi thế, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Mỹ Trang

Bình luận

Đọc Báo