Hiệp định CPTPP ký kết: Ngành hưởng lợi, ngành chịu sức ép - Thời sự 5 giờ 15/03/2018

(VOH) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP vừa được 11 quốc gia thành viên ký kết.

Theo nhận định của các chuyên gia, từ Hiệp định này, các ngành may mặc, thủy hải sản, da giày, lắp ráp đồ điện tử, bất động sản, logistic của Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Trong khi đó, một số ngành khác như nông nghiệp, mía đường, thức ăn chăn nuôi, đồ gia dụng, ngũ cốc, dược phẩm, sữa sẽ gặp nhiều thách thức.

Đây được coi là hiệp định thương mại tự do lớn nhất của Việt Nam được ký gần đây khi quy mô hiệp định này chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu và 15% khối lượng thương mại thế giới, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích khi tiếp tục làm đa dạng động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam. Nếu tính một cách thấp nhất, Hiệp định dự kiến sẽ mang lại cho GDP Việt Nam thêm 1,1% đến năm 2030 và đóng góp vào GDP ít nhất cũng thêm 3,5% từ việc tăng năng suất. 

Đánh giá tác động của Hiệp định này, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, hiệp định mới sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường, thúc đẩy quá trình cải cách trong nước, tăng cường minh bạch hóa và xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam. Ngoài ra, hiệp định này sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ và năng suất lao động, khích lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển: "Với CPTPP, thì tiêu chuẩn tương đối cao, chính vì thế tạo ra sức ép để cho Việt Nam tiếp tục cải cách, đổi mới, đặc biệt là khuôn khổ thể chế. Và cũng tạo ra sức ép để doanh nghiệp Việt Nam tạo đột phá và đổi mới, đặc biệt là liên quan đến quản trị điều hành, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực…".

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, hầu hết các ngành công nghiệp nhẹ và sử dụng nhiều lao động sẽ được hưởng lợi: "Về các điều kiện kỹ thuật cũng như các chính sách mà gây áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả về lao động, môi trường, sở hữu và một số vấn đề khác nữa ít nhiều cũng sẽ nới lỏng hơn và dễ thở hơn cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tham gia".

Tiến sĩ Trần Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu, quản lý kinh tế Trung ương lạc quan cho rằng, Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế giao thương với các nước thành viên trong hiệp định, nhất là các thị trường lớn như Canada, Mexico, Úc, Nhật Bản… dự kiến nâng lợi ích các bên tham gia lên 3 lần, tương đương 500 tỷ đô la Mỹ/năm: "Chúng ta cũng có thể gia nhập vào thị trường, ví dụ như Nhật Bản - là đối tác thứ 5, 6 về thương mại, và đối tác thứ 3, 4 về đầu tư. Rõ ràng là lớn. Một thị trường như Úc, chúng ta vẫn có thể xâm nhập, đặc biệt là mặt hàng nông sản… thì tôi nghĩ vẫn có lợi ích ngoài lợi ích nâng vị thế của nền kinh tế chúng ta lên. Và chúng ta sẽ gia nhập các hội nhập từ đó có đà thêm, và theo tôi hội nhập và thương mại rất quan trọng tại Việt Nam".

Từ hiệp định này, nhiều lĩnh vực của Việt Nam sẽ được hưởng lợi, như ngành dệt may, da giày. Riêng dệt may được dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt từ 8,3% đến 10,8%. Trong số 11 nước, Nhật Bản đã nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam trị giá hơn 4 tỷ đô la Mỹ, tương đương 8,8%. Dù vậy, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia thành viên mới chỉ chiếm 13% tổng giá trị sản phẩm dệt may được xuất khẩu: "Vấn đề phối hợp liên kết giữa các doanh nghiệp chúng ta với nhau, bởi vì chúng ta đã biết là ngành dệt may hiện nay, khâu đang rất yếu đó là khâu đầu tư, khâu dệt, nhuộm, sợi. Chúng ta mạnh về khâu gia công xuất khẩu, tuy nhiên, nếu không đáp ứng được thì có thể nói lợi ích chúng ta được cũng không phải là nhiều".

Đối với ngành da giày, túi xách, đây cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam tăng tỷ trọng xuất khẩu sang Australia, New Zealand, Mexico, Canada, Chile... Ngành thủy sản cũng được coi là khả quan khi các nước thành viên CPTPP nhập khẩu gần 2 tỷ đô la Mỹ hàng hóa mỗi năm, tương đương 23% tổng kim ngạch. Bất động sản cũng là ngành thu hút nhà đầu tư nước ngoài, với nhu cầu lớn về khu công nghiệp để sản xuất, văn phòng cho thuê, căn hộ cao cấp, biệt thự, nhà phố, khu lưu trú... Cùng với đó, logistic cũng được kỳ vọng tích cực. Theo dự báo, hàng hóa thông qua các cảng biển của Việt Nam có thể duy trì tốc độ tăng trưởng từ 8-9% và nhu cầu có thể vượt cung vào năm 2018 tại các cảng ở khu vực phía bắc.

Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam sẽ phải mở cửa chào đón hàng hóa, dịch vụ của các đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ cạnh tranh gay gắt tại sân nhà. Độ chênh về năng lực cạnh tranh, tay nghề lao động và pháp luật của Việt Nam so với các nước đang là một trong những thách thức. Phân tích về điều này, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động TPHCM cho biết: "Lao động Việt Nam chúng ta đang có những nguy cơ tương tự như chúng ta gia nhập WTO, đó là vấn đề tay nghề, kỹ năng, tác phong, sự nghiêm túc, kỷ luật trong làm việc, sự tương tác. Đặc biệt là giao tiếp về ngoại ngữ, vấn đề này chúng ta có đào tạo nhưng không đồng bộ, và chúng ta đang gặp những khó khăn đó. Chính những điều này làm cho năng suất lao động Việt Nam thấp và tính cạnh tranh không cao”.

Đối với ngành nông nghiệp, sữa, mía đường, thức ăn chăn nuôi… ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi được nhận định sẽ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt khi nguồn cung từ Australia và New Zealand tham gia thị trường, trong khi Việt Nam hiện chưa có nhiều sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu, thiếu kinh nghiệm tổ chức thị trường xuất khẩu, giá thành lại cao hơn một số nước tham gia hiệp định: "Thách thức đầu tiên đó là các sản phẩm của các nước lớn như Úc, New Zealand, Canada… những nước có sản xuất chăn nuôi rất phát triển sẽ thâm nhập vào thị trường của chúng ta. Thứ hai, những sản phẩm chưa thông qua chế biến sẽ vào thị trường chúng ta, tìm kiếm những sản phẩm chất lượng tốt. Đặc biệt là sản phẩm ngoại nhập và giá rẻ. Đây cũng là thách thức rất lớn và căn bản. Thứ ba, khi các công ty, tập đoàn lớn của các nước vào Việt Nam, mở ra hệ thống sản xuất, thương mại dịch vụ tại Việt Nam thì những doanh nghiệp, người sản xuất ở Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp đối với các tập đoàn, công ty lớn này có kinh nghiệm ở các nước sản xuất ngay tại Việt Nam".

Đứng trước cơ hội và thách thức từ việc ký kết hiệp định này, doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn, Chính phủ cũng cần có những thay đổi kịp thời, lấy cải cách gắn với việc thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế, coi đó như cốt lõi để cải cách thể chế, thuế, môi trường đầu tư. Có như vậy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam mới đạt như kỳ vọng.

Lệ Loan

Bình luận

Đọc Báo