Hạnh phúc người đi gieo con chữ - Chương trình Thời sự 11g ngày 2/7/2018

(VOH) - Hạnh phúc của một người thầy đứng lớp, là học sinh chờ đợi đến tiết học của mình, là sự tiến bộ của trò, là sự trưởng thành của các em sau khi ra đời.

Hạnh phúc đơn giản chỉ có vậy, mà mỗi người giáo viên phải cần mẫn theo đuổi nó suốt quá trình làm nghề của mình.

Những người thầy mà chúng tôi kể ở phóng sự này, họ không chỉ là người thầy đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho học sinh, mà họ còn là những chuyên gia giáo dục mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy để giúp học sinh phát triển toàn diện.

Cho dù những người thầy tình nguyện đến với học sinh vùng ngoại thành xa xôi, hay chính trong khu vực nội thành, thì với học sinh, họ đã trở thành những người cha, người mẹ đỡ đầu, người bạn thân đã nắm chắc tay học trò của mình viết tiếp trang giáo án của chính cuộc đời các em.

VOH giới thiệu phần 1: Khi thầy là bạn ! phóng sự “Hạnh phúc người đi gieo con chữ ” của Thùy Linh.

Phần 1:  Khi thầy là bạn!

 “Lúc em có ý định buông bỏ việc học, chính cô Dung luôn tận tâm khuyên bảo và chia sẻ với em trong khoảng thời gian đó. Em cảm thấy đó là thời gian em khó khăn nhất và người bên cạnh lại là cô Dung. Cô nói tương lai của mình, mình nên nắm bắt chứ không được nản chí rồi bỏ, tương lai sẽ ra sao. Em chỉ muốn gửi đến cô rằng trước giờ người mà em tôn trọng yêu thương nhất luôn luôn là má Dung”

Khi nghe những chia sẻ tận đáy lòng của một người học trò nhỏ như thế này, chắc hẳn người nhận sẽ an ủi biết bao với công việc trồng người thầm lặng mà mình nghĩ rằng chỉ có “cho đi” mà không cần “nhận lại”. Thế nhưng, với “Má Dung” – hai tiếng thân thương mà nhiều thế hệ học trò của trường Trung học phổ thông Tân Túc, huyện Bình Chánh, trong đó có em Huệ Mẫn đã dành cho cô giáo trẻ Đoàn Thị Dung, đã hồi đáp tất cả những gì cô làm cho học sinh.

Đoàn Thị Dung, quê ở Hà Tĩnh, về trường Trung học phổ thông Tân Túc giảng dạy từ năm 2013 – thời điểm ngôi trường ngoại thành này vừa thành lập. Với điều kiện khó khăn của khu vực ngoại thành, điểm tuyển sinh vào lớp 10 của trường khá thấp, đặt ra cho nhà trường và giáo viên một bài toán khó. Đó là làm sao để cho các em duy trì được số lượng học sinh ổn định sau 3 năm học tập, vừa đảm bảo được kiến thức giúp các em tốt nghiệp trung học phổ thông để có những kiến thức cơ bản bước vào đời. Kể về mình, Dung cho biết chồng cũng là giáo viên, con nhỏ gửi trường tư, mọi sinh hoạt chỉ gói gọn trong đồng lương giáo viên của hai vợ chồng, vậy điều gì đã gắn cô với nghề này mà chưa một lần so bì hơn thiệt:

 “Mình cảm thấy mình rất hợp với nghề. Mình yêu và đam mê với nghề giáo. Ngày nào mà không lên trường là cảm thấy rất thiếu, coi trường giống như nhà của mình. Thắp lên ngọn lửa tình yêu với nghề đã khó, nhưng để cho ngọn lửa đó cháy mãi khó hơn vạn lần. Mình đang cố gắng để làm sao để ngọn lửa yêu nghề không bị vụt tắt đi”. Cô Dung nói

Là giáo viên bộ môn Sử, để học sinh không bị khô khan với những sự kiện, cột mốc thời gian, đồng thời trách nhiệm lớn hơn là làm sao truyền được lòng yêu truyền thống lịch sử của dân tộc đến với học sinh đã thôi thúc Đoàn Thị Dung nghĩ ra nhiều sáng kiến làm hấp dẫn môn học. Sáng kiến sử dụng các di sản văn hóa trên địa bàn TPHCM nhằm tạo hứng thú và nâng cao hiệu quả học tập môn Sử cho học sinh của trường của cô đã phát huy ngay trong thời gian đầu áp dụng. Trong các tiết học Sử, học sinh được đi trải nghiệm nhiều di sản văn hóa và làm bài tập theo nhóm, làm mô hình…. gần gũi nhất trên địa bàn là Di tích Đình Tân Túc, Láng Le Bàu Cò….. Những tiết học đó luôn làm học sinh thích thú, dễ ghi nhớ các sự kiện lịch sử. Để có một tiết học hấp dẫn, bản thân cô phải tự tìm tòi, học ở đồng nghiệp, học trên mạng, tranh thủ đọc thêm sách, tài liệu….để nhanh chóng đưa vào bài giảng của mình.

Còn đối với giáo viên trẻ Lâm Vũ Công Chính, đang công tác tại một trường cấp ba khu vực nội thành cũng vậy, từ sự đam mê đối với nghề đã thôi thúc người thầy luôn tìm tòi đổi mới các phương pháp giảng dạy hiện đại cho học sinh. Theo Công Chính, chính công nghệ thông tin sẽ giúp cho việc dạy học ngày nay hiệu quả hơn, đòi hỏi mỗi người giáo viên phải tự đào sâu, học hỏi và khám phá những điều mới mẻ:

“Với học sinh mình thấy các em đang gặp vấn đề gì, mình sẽ giải quyết cái khó khăn đó. Ví dụ, các em không thể tư duy trực quan được hình học thì mình sẽ giúp xây dựng những mô hình trên máy tính mà có thể xoay được những khối mà phấn bảng không làm được. Công nghệ sẽ giúp mình giải quyết những vấn đề mà truyền thống không làm được. Thầy cô phải là người đi tìm kiếm giải pháp để gỡ những khúc mắc cho học sinh” Thầy Công Chính cho biết.

Để ngọn lửa nghề cháy âm ỉ trong mỗi trái tim người thầy, không dễ dàng tắt ngấm trước khó khăn của vật chất, trước những cú sốc khiến người ta dễ chùn bước là một thách thức rất lớn đối với nghề giáo. Một cô giáo trẻ mới ra trường, tưởng chừng như phải bỏ cuộc trước những sự chống đối của học sinh bướng bỉnh - đỉnh điểm là hứng trọn trận trứng sống được chọi lên từ dưới lớp. Đôi mắt ậng nước tức tưởi, sự hụt hẫng đối với nghề khi trước đó đang dạy ở môi trường giáo dục, cô giáo Nguyễn Ngọc Lan nhắc lại cú sốc khi mới về trường Trung học phổ thông Cần Thạnh, Cần Giờ như vậy. Ấy vậy mà, 5 năm sau, cũng chính cô giáo Ngọc Lan, đã tình nguyện hàng ngày lênh đênh chuyến đò sang xã đảo Thạnh An, khi phân hiệu của trường được thành lập tại đây, để dạy học. Ngọc Lan kể, học sinh xã đảo nhà ai cũng nghèo. Học sinh của cô buổi đi học, buổi đi làm phụ hồ, đi biển phụ gia đình. Có nhiều em đi làm và không muốn đi học nữa. Năm ngoái, đã có 4 em nghỉ học. Cô giáo đi đến từng nhà động viên, năn nỉ gia đình từng em. Tại lớp mình chủ nhiệm, Ngọc Lan hỗ trợ 50% học phí cho những em khó khăn để tiếp tục học. Cô giáo Ngọc Lan chia sẻ, chính học trò nghèo, học trò hư lại là động lực để cô gắn bó với mảnh đất ngoại thành này.Đối với học sinh ở đây, sau khoảng 5 năm mình nhận ra, đa số ba mẹ các em lao động vất vả không có thời gian quan tâm đến con mình nên các em rất cần sự quan tâm của giáo viên. Khi mình quan tâm các em, các em cảm thấy mình giống như người thân trong gia đình và chia sẻ lại. Bây giờ, mình cảm thấy gắn bó hơn với các em đặc biệt là các em khó khăn, lại là động lực để mình làm mọi thứ giúp cho các em có tương lai tốt hơn”C6 Lan chia sẻ.

Nếu không xuất phát từ tình cảm dành cho các em, cô giáo Ngọc Lan khó có thể cảm hóa được những em chưa ngoan. Cô Lan chia sẻ thêm, với mỗi đối tượng học sinh khác nhau, người thầy phải có những cách tiếp cận và phương pháp giáo dục riêng. Có như vậy, các em mới tiếp thu được kiến thức đã học, dù là trình độ năng lực trung bình hay yếu đi chăng nữa. Có thể thấy, mỗi học sinh là một giáo án riêng. Mà nếu như không có tình yêu đối với các em, người thầy khó có thể chạm đến trái tim của học trò mình./.

 

VOH Online

Bình luận

Đọc Báo