Giám sát chất lượng bữa ăn con em mình, hãy gọi vào đường dây nóng - Thời sự 11g00 19/03/2019

(VOH) - Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin phản ánh hàng loạt trẻ trên địa bàn huyện Thuận Thành, Bắc Ninh nhiễm sán heo.

Vụ việc chưa có kết luận chính thức từ ngành chức năng tuy nhiên, nỗi lo là có thật khi liên tiếp trong mấy ngày qua, hàng ngàn phụ huynh tại đây đã đưa con đi xét nghiệm sán heo. Tính đến ngày 17/3, đã có hơn 200 mẫu dương tính với sán heo được phát hiện tại Bắc Ninh. Phóng viên Nhất Hương phỏng vấn Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố.

VOH: Thưa bà, mấy ngày vừa qua, chắc hẳn bà cũng biết thông tin liên quan đến việc trẻ nhiễm sán heo. Dưới góc nhìn của mình, bà đánh giá như thế nào về vấn đề kiểm soát chất lượng thực phẩm trong trường học?

Bà Phạm Khánh Phong Lan:Tôi thấy qua vụ việc này có nhiều vấn đề, đặc biệt là sức khỏe của trẻ em. Hiện giờ cũng đang chờ kết luận của cơ quan chức năng nguồn gốc bệnh do đâu nhưng rõ ràng là để dẫn đến bệnh này phải là quá trình nhiễm lâu dài, ủ bệnh và nhiễm bệnh và giờ là thể hiện trên kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên cái làm cho chúng tôi băn khoăn đó là có lẽ chúng ta không nên chỉ tập trung vào xét nghiệm mà cần thiết nhất là giải quyết càng sớm càng tốt là cho sử dụng thuốc điều trị giun sán với các cháu và người nhà các cháu.

 Đây là quá trình ô nhiễm lâu dài nhưng không vì thế mà hoảng loạn vì chúng tôi khẳng định bệnh sán heo này chỉ nguy hiểm trong một số trường hợp sán lên não và ảnh hưởng sức khỏe trẻ em, tuy nhiên với tiến bộ khoa học hiện nay, các thuốc có thể giải quyết dứt điểm căn bệnh này. Ở đây vì chưa có có kết luận cơ quan chức năng nên chưa thể quy tội cho ai nhưng rõ ràng nguồn thịt heo cho các cháu ăn có vấn đề. Chuyện lợn gạo heo gạo đáng lẽ phải giải quyết từ lâu rồi nhưng đến giờ vẫn tái xuất đây có lẽ là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ!

VOH: Tính đến hết ngày 17/3, đã có hơn 200 trẻ có mẫu dương tính với sán heo ở Bắc Ninh. Vụ việc đang chờ kết luận từ cơ quan chức năng vậy thì tại TPHCM, ở góc độ Ban Quản lý an toàn thực phẩm thì Ban đã kiểm tra chất lượng thực phẩm khi cung cấp vào các trường đặc biệt là các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn như thế nào?

Bà Phạm Khánh Phong Lan:Tôi khẳng định một điều không phải đợi tới khi “mất bò mới lo làm chuồng”, không riêng gì Ban mà toàn bộ hệ thống đảm bảo an toàn thực phẩm cả nước luôn luôn đặt mục tiêu đảm bảo an toàn chất lượng thực phẩm , là nhiệm vụ quan trọng nhất. Với Ban, ngay từ khi thành lập đã phối hợp với Sở Giáo dục đào tạo Thành phố để ban hành kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học.

Từ năm 2017 chúng tôi đã rất tập trung việc này. Thứ nhất chúng tôi tăng cường thanh kiểm tra, hậu kiểm. Thứ 2 chúng tôi tập huấn cho hiệu trưởng và người phụ trách căng tin các trường. Thứ ba cũng là điểm hết sức đặc biệt chỉ TPHCM mới có là thực phẩm muốn vào được trường học tại TPHCM thì phải đạt các chuẩn cao hơn mức độ tối thiểu theo quy định pháp luật, nghĩa là thực phẩm phải đạt chuẩn chuỗi thực phẩm an toàn hoặc các chuẩn của nông nghiệp như VietGap, GlobalGap… Hiện nay đã có 6 quận của Thành phố thí điểm bắt buộc, và chúng tôi dự kiến tháng 5 này sẽ sơ kết toàn bộ hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học để đánh giá những mặt đã làm được cùng hạn chế, khó khăn cần giải quyết dứt điểm

VOH: Qua vụ việc này chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm như thế nào để không xảy ra vụ việc tương tự?

Bà Phạm Khánh Phong Lan:Chúng ta phải hết sức cảnh giác, có kế hoạch, chương trình làm việc cụ thể, rõ ràng để đi đến mục tiêu. Chúng tôi nhận thấy để thực hiện công việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học cũng lắm khó khăn, có nhiều thử thách, rào cản. Quản lý ngành phải có tầm nhìn trong vấn đề này đặc biệt trong môi trường trường học ẩn chứa nhiều nguy cơ, không chỉ nguy cơ đến từ bếp ăn trong trường mà còn từ hàng quán quanh cổng trường. Đây cũng nằm trong kế hoạch chung chấn chỉnh thức ăn đường phố đặc biệt là thức ăn xung quanh trường học nó sẽ gây nhiều hệ lụy cho học sinh. Ở đây phải thấy cần sự vào cuộc quyết liệt của xã hội đặc biệt đến từ phụ huynh phải giáo dục, dặn dò con em mình hạn chế sử dụng hàng rong, quà vặt không bảo đảm an toàn. Thứ hai là với tổ chức hội phụ huynh học sinh, cũng như với phản ánh của con em mình hãy cùng giám sát chất lượng bữa ăn của con em mình tại trường học, nếu có gì hãy gọi vào đường dây nóng của Ban Quản lý an toàn thực phẩm số 39301714 để như vậy chúng tôi có xử lý kịp thời!

VOH: Xin cảm ơn bà!

VOH

Bình luận

Đọc Báo