Giá trị của tổ chức liên kết chuỗi (p2)- Thời sự 5 giờ 30 ngày 10/1/2018

(VOH) - Muốn phát triển trung tâm giống cây trồng vật nuôi thì liên kết giữa các doanh nghiệp với nhà nước, rồi viện trường có chức năng nghiên cứu đến bà con nông dân phải chặt chẽ.

Vậy sự liên kết đặt ra ở đây như thế nào để tập trung liên kết, chuyển giao, trong đó vai trò của các nhà khoa học được phát huy ra sao để phát triển nông nghiệp đô thị, nhất là khi Thành phố thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ngành nông nghiệp phải thực hiện những giải pháp cụ thể gì để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững? Mời quý vị nghe phần 2 nhan đề Giá trị của tổ chức liên kết chuỗi vô cùng quan trọng!”, cũng là phần cuối của tọa đàm “Phát triển nông nghiệp đô thị khi Thành phố thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM” do Phóng viên Nhất Hương và Trúc Mai thực hiện.

Tọa đàm với sự tham gia của các khách mời: Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP; Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới TP và Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú.

VOH: Trong định hướng TPHCM phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao thì đặt ra những giải pháp như thế nào?

Tiến sĩ Dương Hoa Xô: Ở đây chúng ta nói TPHCM làm được gì cho khu vực, vấn đề giống TPHCM đã có rất nhiều bộ giống cho cây trồng, vật nuôi như vậy nhưng chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng. Tôi muốn đề cập đến nội dung là hiện nay một số viện trường có khả năng tham gia nghiên cứu phát triển giống chưa có tập trung. Ví dụ hiện nay chúng ta có Đại học Nông Lâm lâu nay họ cũng nghiên về đào tạo hơn cho nên Thành phố gặp khó khăn, một mình TP không thể bươn chải được. Doanh nghiệp thì cũng tập trung kinh doanh hơn là tạo ra giống. Do vậy, để TPHCM trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi thì vấn đề đặt ra ở đây là liên kết viện trường, liên kết giữa nhà nước và viện trường có chức năng nghiên cứu.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa: Giải pháp nào để chúng ta chuyển giao có hiệu quả cái này phải là sự liên kết. Chúng ta liên kết còn yếu. Có vẻ như cho rằng TPHCM tự phát triển không phải như vậy, cần có sự liên kết trong đó rất cần vai trò các cơ quan nghiên cứu các nhà khoa học để nông nghiệp đô thị xứng đáng.

Ở đây nông nghiệp đô thị chúng ta không chỉ dừng lại ở sản xuất hàng hóa, xuất khẩu hay chế biến mà còn làm sao cho cảnh quan đô thị phát triển nữa, ví dụ cảnh quan từ cây kiểng cũng là dịch vụ thu tiền được, chứ không chỉ là giao cho công viên cây xanh, tại sao chúng ta không liên kết lại kể cả tư nhân kể cả nhà nước để chúng ta đưa mảnh xanh vừa cải thiện khí hậu vừa làm cho cảnh quan Thành phố đẹp hơn. Đó là tồn tại cần khắc phục.

VOH: Vậy trong thời gian tới, khi Thành phố thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM thì ngành nông nghiệp sẽ có giải pháp gì để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững?

Tiến sĩ Dương Hoa Xô: Tôi cho rằng cái khó lớn nhất hiện nay là làm sao tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Ngành nông nghiệp phải có dự báo, tìm thị trường đặc biệt phải có cách nào đó để tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân tất nhiên cơ chế thị trường là phải tự bơi, nhưng tự bơi trong khuôn khổ chúng ta hỗ trợ. Muốn như vậy thì bà con nông dân phải tổ chức sản xuất lại, có nghĩa là hình thức nhỏ lẻ, cá thể không đáp ứng theo kiểu sản xuất hàng hóa quy mô lớn tính cạnh tranh thị trường cao, nhưng ngược lại nhà nước phải tăng cường.

Vừa qua chúng ta xuất khẩu rau quả không đạt hơn 3 tỉ đô la vượt qua sản phẩm lúa gạo, rõ ràng rau quả có tỷ lệ phát triển rất lớn thì TPHCM phải tập trung, đó là cơ hội về rau hoa. Do vậy chúng ta phải tổ chức sản xuất lại đặc biệt ngành nông nghiệp phải làm thế nào đó để bà con sản xuất có chất lượng và tìm  lối ra cho nông sản, đó là những thách thức mà ngành nông nghiệp chúng tôi phải đáp ứng và giải quyết được những yêu cầu đó!

VOH: Với chủ đề “phát triển nông nghiệp đô thị khi Thành phố thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM”, Nghị quyết đã được thông qua rõ ràng nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn với việc vận dụng vào để kích thích tạo sức bật trên địa bàn huyện Củ Chi thưa tiến sĩ Phú?

TS Nguyễn Hữu Hoài Phú: Đây là điều trăn trở, cả trước khi TP có cơ chế đặc thù đó là áp lực đô thị hóa của huyện ven cực kỳ lớn và công nghiệp hóa. Điều này cho thấy rõ nếu 1 hec ta chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tròm trèm chưa được 400 triệu một năm nhưng chuyển sang xây dựng hạ tầng, chuyển sang công nghiệp thì giá trị cao hơn. Như vậy rào cản rất lớn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp.

Thứ hai là nguồn lực thu hút vào nông nghiệp ngày càng khó, như vậy tạo ra áp lực rất lớn trong việc thiếu lao động sản xuất nông nghiệp trong khi đó tỷ lệ hiện đại hóa, cơ giới hóa, số hóa của các mô hình sản xuất nông nghiệp chưa theo kịp với quá trình chuyển đổi.

Chính vì rào cản đó chúng tôi đưa ra ba giải pháp thứ nhất là quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thứ hai là phối hợp với các sở ngành đặc biệt là ngành nông nghiệp phát triển nông thôn các giải pháp kĩ thuật đặc biệt là công tác giống và thứ ba là xây dựng mô hình liên kết giữa người nông dân với hợp tác xã, nông dân với doanh nghiệp, nông dân tham gia cùng với các chuỗi của Ban ngành thành phố để tạo ra sản phẩm an toàn, sạch, có đầu ra.

VOH:  Như vậy dưới góc độ nhà khoa học, thì công tác nghiên cứu khoa học cũng như chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân sẽ được thực hiện như thế nào trong tình hình mới thưa TS Nguyễn Đăng Nghĩa?

TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Công tác khoa học ở giai đoạn mới này tôi nghĩ các nhà khoa học về công nghệ chế biến rất quan trọng bởi vì khi chúng ta liên kết chuỗi thị trường tiêu thụ cao, vận chuyển gần, chúng ta có cả hệ thống siêu thị vấn đề là sao người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm của mình, đừng để chúng ta thua trên sân nhà.

Do vậy tổ chức liên kết chuỗi quan trọng lắm, chúng ta liên kết nông dân lại, sản xuất thành hệ chuỗi, liên kết các sở và cơ quan khoa học lại nữa. Chúng ta không dừng tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu nữa. Một tin vui trong năm 2017 là giá trị gia tăng xuất khẩu rau trái của ngành nông nghiệp đang vươn lên rất cao, thị trường còn mở nhiều lắm! 

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo