Đồng Tháp mở rộng kết nối cung cầu hàng hóa với TPHCM - Thời sự 11 giờ 17/05/2018

(VOH) - Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức nhiều đợt kết nối cung cầu hàng hóa cho các đơn vị sản xuất kinh doanh của tỉnh với các đơn vị, doanh nghiệp tại TPHCM.

Sự kết nối này được kỳ vọng tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất kinh doanh tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết là nơi đất lành, được thiên nhiên ưu đãi, cùng với những con người dám nghĩ, dám làm, Đồng Tháp vừa mang những đặc trưng của vùng sông nước, vừa có những nét chấm phá riêng. Đó là nơi có những đồng sen bạt ngàn, những cánh đồng lúa mênh mông, những vườn xoài trĩu quả, một thành phố Sa Đéc bạt ngàn hoa… Từ đó đã có nhiều đặc sản gắn liền với các địa danh được nhiều người biết đến như Sen Tháp Mười, xoài Cao Lãnh, nhãn Châu Thành, bưởi Phong Hòa và quýt hồng Lai Vung… Tại hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa tỉnh Đồng Tháp và TPHCM mới đây, ông Nguyễn Hữu Dũng, nhấn mạnh: "Đồng Tháp có rất nhiều nghề truyền thống độc đáo, toàn tỉnh có 44 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được công nhận. Để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, người dân, doanh nghiệp và chính quyền Đồng Tháp đã cùng nhau nỗ lực sáng tạo, tạo thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm, kết hợp với các hoạt động trải nghiệm hết sức thú vị. Với những nỗ lực đó, các sản phẩm từ nguồn tài nguyên bản địa, mang nét đặc trưng riêng của Đồng Tháp đã từng bước tạo được những dấu ấn trong lòng khách hàng, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước. Tại thị trường TPHCM, được sự quan tâm hỗ trợ của Sở Công Thương thành phố, qua nhiều năm thực hiện chương trình kết nối cung cầu giữa hai địa phương đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Nhờ kết nối cung cầu, một lượng lớn sản phẩm Đồng Tháp đã được tiêu thụ ở thị trường TPHCM và thị trường cả nước"

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp có sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận rộng rãi tại một số địa phương. Tuy nhiên, với thị trường lớn như TPHCM để người tiêu dùng dần quen với sản phẩm của các địa phương, việc thông qua hệ thống kênh bán lẻ là việc cần thiết phải làm. Bà Nguyễn Thị Lài, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Hương Sen Việt, tỉnh Đồng Tháp cho biết, sản phẩm công ty là những đặc trưng của Đồng Tháp, như trà lá sen, trà tim sen, gừng sấy dẻo và một số nông sản sạch: "Mục đích của chúng tôi rất là mong muốn đưa các dòng sản phẩm sạch đến người tiêu dùng, đặc biệt là người dân TPHCM và các siêu thị. Hiện nay, công ty đang trong bước đường sắp hoàn tất các thủ tục để đưa sản phẩm vào Saigon Co.op và Satra".

Bà Nguyễn Thị Các Thủy, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tây Cát thì cho biết, các sản phẩm chính của công ty là các loại trái cây cuộn đã có trong hệ thống cửa hàng ở siêu thị và sân bay: "Ở TPHCM, sản phẩm đã vào siêu thị Big C, được người tiêu dùng đánh giá cao vì bánh ăn không quá ngọt và lạ, dễ biếu tặng trong các dịp. hiện nay ở siêu thị bán chưa nhiều chỉ bán ở các kênh đặc sản địa phương, còn nơi khác tiêu thụ trung bình khoảng 2 tấn/tháng. Sắp tới mong muốn mở rộng thêm các hệ thống siêu thị khác như Co.opmart, Aeon, Auchan… dự kiến trung bình khoảng 2 tấn /tháng để bổ sung thêm công suất của xưởng. Mục tiêu mong muốn mang hàng hóa từ Đồng Tháp giới thiệu đến người dân TPHCM".

         Với vai trò là đơn vị nhà bán lẻ, Lotte Mart luôn tạo cơ hội hợp tác đồng hành cùng các doanh nghiệp địa phương, cam kết mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đưa những sản phẩm vào tiêu thụ tại Lotte Mart. Ông Đoàn Diệp Bình - Trưởng Phòng Truyền thông Lotte Mart Việt Nam, cho biết: "Thời gian qua, hệ thống siêu thị Lotte Mart chúng tôi cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, cũng như là các Sở Công Thương của các địa phương. Qua đó, chúng tôi cũng đã có cơ hội kết nối cũng như tiếp cận các hợp tác xã, các đơn vị sản xuất tại địa phương, cụ thể là tại Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Đà Lạt và các tỉnh thành phía Bắc. Chúng tôi cũng rất mong muốn thời gian tới, việc kết nối sẽ được xúc tiến mạnh mẽ hơn để mà doanh nghiệp phân phối như Lotte Mart có cơ hội tiếp cận với thị trường, với nông sản sạch của địa phương, qua đó đưa những sản phẩm vùng miền hay sản phẩm địa phương vào tiêu thụ tại Lotte Mart để người tiêu dùng có cơ hội mua sắm được những sản phẩm an toàn, chất lượng và đảm bảo giá cả phải chăng".

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, qua nhiều năm thực hiện chương trình kết nối cung cầu giữa 2 địa phương, một lượng lớn sản phẩm của Đồng Tháp được tiêu thụ ở thị trường Thành phố và thị trường cả nước: "Mong rằng các doanh nghiệp, các thương nhân của TPHCM sẽ đồng hành với chương trình kết nối cung cầu giữa thành phố với các tỉnh, các doanh nghiệp sẽ xem xét, hỗ trợ cũng như ký hợp đồng thu mua sản phẩm của các nhà vườn, các doanh nghiệp, các hợp tác xã của Đồng Tháp mang lên. Chúng ta mong rằng mối quan hệ sẽ thắt chặt hơn qua sự hiệu quả trong việc hợp tác thương mại này".

Để có thể tiêu thụ tại thị trường TPHCM, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nên hướng đến mục tiêu đáp ứng chất lượng, phù hợp nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước. Để thực hiện vấn đề này, doanh nghiệp cần phải thực hiện sản xuất sản phẩm theo quy trình VietGap, GlobalGap nhằm đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Bá Nam

Bình luận

Đọc Báo