Kỳ vọng này được đặt lên vai những nhà khoa học, đặc biệt là những tài năng khoa học trẻ. Họ đã và đang chứng minh tài năng của mình ở những công trình nghiên cứu khoa học với những giá trị ngang tầm khu vực và thế giới.
Những nghiên cứu có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Bên cạnh sự đam mê trong nghiên cứu, cùng với môi trường thuận lợi, các nhà khoa học trẻ sẽ phát huy được tài năng và sức trẻ của mình, đưa thành tựu khoa học công nghệ bay cao bay xa hơn.
Nếu ai đặt câu hỏi, nghiên cứu khoa học mang lại cho ta những gì? Chính cái sự nghiên cứu khoa học đã đổi thay một người từ tính tình nhút nhát, ngại giao tiếp, không giỏi ngoại ngữ trở thành một nhà khoa học trẻ và có đóng góp với các công trình liên quan đến vấn đề nước như hiện nay.
Có lẽ điều này đúng với Tiến sĩ Nguyễn Thị Thủy, Giảng viên Khoa Công nghệ sinh học và Kỹ thuật môi trường, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM.
Học ngành điện tử Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tự động bỏ ngang để học chuyên ngành về môi trường để rồi sau đó tốt nghiệp thủ khoa, cô gái với vóc dáng nhỏ nhắn Nguyễn Thị Thủy, quê Sóc Sơn – Hà Nội luôn mơ ước được đi du học để khám phá thế giới. Dù rằng khi ấy, một sinh viên mới ra trường vốn tiếng anh lõm bõm, đặc biệt là không có kinh nghiệm để hoàn thành hồ sơ giới thiệu bản thân.
Tự nhận là người rất nhút nhát, chỉ chuyên tâm học hành, càng không giỏi kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, với quyết tâm nhận học bổng thạc sĩ ở Thái Lan, Thủy quyết tâm cải thiện năng lực ngoại ngữ, đăng ký thi đến 4 lần, thật không dễ dàng chỉ trong vòng vài tháng. Điểm thi IELTS từ 5.0; hai lần thi kế tiếp lên 5.5; 5.5 và lần cuối là 6.0.
Nhìn lại sự lựa chọn của mình, Tiến sĩ Thủy chưa bao giờ tiếc nuối: “Công việc mình làm thường gắn liền với phòng thí nghiệm. Chuyện làm việc đến 12 giờ đêm mới về cũng thường xuyên xảy ra chứ không phải hiếm. Thế nhưng môi trường cũng cởi mở, ai cũng như vậy nên mình không cảm thấy khác biệt. Vì những trường mình học đều là trường kỹ thuật. Thật sự, bố mẹ mình thấy mình suốt ngày cặm cụi công việc không hài lòng đâu, họ thấy con vất vả quá”.
Chính công việc nghiên cứu khoa học đã giúp Tiến sĩ Thủy thoát khỏi cái vỏ ốc của mình, trở thành một con người khác. Hiện Tiến sĩ Thủy có 3 bài báo tác giả chính trên tạp chí ISI và 07 bài đăng tại hội thảo quốc tế; đồng tác giả trong chương sách quốc tế về hệ thống xử lý nước, sử dụng màng ứng dụng trong các tình huống khẩn cấp. Đây là đề tài mang tính ứng dụng cao, vì đã đưa ra một hệ thống xử lý nước sử dụng màng lọc với nguồn nước cấp từ ao, hồ và vận hành bằng cách bơm tay; có thể áp dụng khi bị thiên tai lũ lụt.
Lấy bằng tiến sĩ và được giữ lại làm việc tại Hàn Quốc với một mức lương hấp dẫn đã không thể giữ chân được Tiến sĩ trẻ Võ Thanh Sang trở về theo “tiếng gọi của quê hương”, chấp nhận khởi đầu với muôn vàn khó khăn. Tiến sĩ Võ Thanh Sang, mới ngoài ba mươi, hiện là Trưởng Phòng Công nghệ sinh học dược, Viện Kỹ thuật công nghệ cao Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, sở hữu gần 30 bài báo khoa học, trong đó 14 bài tác giả chính đã đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI – những thành công đó không đến với Thanh Sang một cách dễ dàng. Công việc hiện tại là nghiên cứu các hoạt chất tự nhiên: nghiên cứu về dược tính của hợp chất tự nhiên, các tín hiệu tế bào, sàng lọc những hoạt chất có tác dụng tốt có khả năng trị bệnh các loại bệnh như viêm dị ứng, ung thư, cao huyết áp, tiểu đường…
Hơn 5 năm miệt mài nghiên cứu, đã qua rồi những ngày đầu hụt hẫng, bơ vơ khi trở về Việt Nam với hai bàn tay trắng, Thanh Sang chiêm nghiệm, chính những khó khăn mới là động lực khiến nhà khoa học trẻ vận động và tự thay đổi mình: “Ban đầu khi mình về rất khó khăn. Nhưng mình nghĩ việc thích ứng mới là điều quan trọng. Nếu mình làm việc ở nước ngoài, có đầy đủ mọi thứ cho mình làm, nhiều khi tính năng động hoạt bát mình không có vì mọi thứ có sẵn. Còn ở đây, bắt buộc mình phải vận động bằng cách quan hệ, hợp tác với nhiều chỗ, có những đề xuất. Nói chung, sau thời gian đầu hơi sốc, Sang lấy lại cân bằng. Khoảng một năm đầu chật vật, sau đó nhà trường cũng có hướng đầu tư rất nhiều trang thiết bị, tạo mọi điều kiện để những nhà nghiên cứu trẻ có môi trường làm việc tốt hơn. Hiện tại Viện được đầu tư khá đầy đủ, nhiều thiết bị chuyên sâu để phục vụ nghiên cứu”.
Cách đây 10 năm, lĩnh vực tế bào gốc còn khá mới tại Việt Nam. Với Tiến sĩ trẻ Vũ Bích Ngọc, cựu sinh viên Khoa Sinh, Trường Đại học Khoa học tự nhiên khi ấy lại càng xa lạ. Thừa nhận nghiên cứu không phải là đam mê của bản thân, thế nhưng sự kỳ diệu của tế bào gốc đã có hấp lực đặc biệt, khiến Bích Ngọc từ một đề tài tốt nghiệp theo kiểu hoàn thành nghĩa vụ, cho đến việc theo đuổi, mày mò nghiên cứu, tìm hiểu những ứng dụng và gắn bó với lĩnh vực này tới tận bây giờ. Sự gắn bó mà theo Bích Ngọc gọi là cái duyên, là “định mệnh”. Hiện tại, Bích Ngọc đang làm việc tại Phòng Thí nghiệm nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM. Bích Ngọc chia sẻ, chính những người thầy đi trước đã tạo niềm tin để tiếp tục công việc: một người có thể bán cả nhà để có tiền cho học trò làm đề tài; một người thầy khác dày dặn kinh nghiệm và mong muốn truyền tâm huyết và bồi dưỡng thế hệ những người trẻ gắn bó với lĩnh vực tế bào gốc. Chính những điều này đã khiến Bích Ngọc có niềm tin vào công việc mình làm. Kết quả nghiên cứu của cô khá ấn tượng: đồng tác giả 04 bài báo khoa học đã đăng trên các tạp chí thuộc danh mục SCI, 10 bài báo khoa học, trong đó 02 bài tác giả chính đã đăng trên các tạp chí thuộc danh mục SCI –Expanded, 15 bài báo khoa học - 04 bài tác giả chính đã đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI. Bích Ngọc cho biết, mỗi công trình nghiên cứu đều là một dấu ấn tâm huyết của mình, sản phẩm trước là bước đệm cho sản phẩm sau. Điển hình như từ khi tốt nghiệp đại học cho tới tốt nghiệp tiến sĩ, các công trình nghiên cứu của cô đều xoay quanh hướng điều trị tắc nghẽn mạch máu, nên các đề tài đều có sự liên kết nối tiếp nhau mà nếu thiếu một trong số đó thì không thể trở thành công trình nghiên cứu hoàn hảo được.
Tiến sĩ trẻ Vũ Bích Ngọc tâm tư: “Theo quan điểm của mình, nhà khoa học trẻ là một trong những nguồn nhân lực sẽ đẩy nền khoa học công nghệ trong nước phát triển cực kỳ mạnh. Tại vì, ở độ tuổi ấy người ta dám nghĩ, dám làm, có nhiều thời gian. Chỉ cần có được cơ sở vật chất, nguồn kinh phí, đặc biệt là niềm tin thì họ có thể làm được bất cứ điều gì. Người Việt Nam hầu như đi đâu cũng được đánh giá làm việc rất tốt. Nếu Nhà nước tạo ra được các cơ chế làm cho các nhà khoa học trẻ thấy được rằng họ có thể sống được bằng nghiên cứu thì sự đóng góp của các nhà khoa học trẻ đối với đất nước sẽ phát triển”.
Có thể thấy, nền khoa học công nghệ Việt Nam đang trong bối cảnh toàn cầu hóa, có những cơ hội lớn bên cạnh những thách thức không nhỏ. Trong đó, nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, có nhiệt huyết sẽ là một trong những nhân tố quyết định đến sự phát triển bền vững của nền khoa học công nghệ trong tương lai. Nếu được tạo môi trường thuận lợi, cùng với những chính sách tốt hơn để nhà khoa học trẻ toàn tâm cho hoạt động nghiên cứu của mình. Khi được trao niềm tin, chắc chắn các nhà khoa học trẻ sẽ làm tốt sứ mệnh của mình, là góp phần đưa nền khoa học công nghệ của nước nhà bay cao bay xa hơn.