Cơ hội của người trẻ và khát vọng làm nghề: Dấn thân để tìm cơ hội - Thời sự 5 giờ 30 26/05/2018

(VOH) - Sân khấu kịch Thành phố không thiếu những biên kịch và đạo diễn trẻ, họ đã và đang lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, bằng tất cả khát vọng và đam mê.

Tuy nhiên, không có nhiều cơ hội để họ thỏa sức sáng tạo và thăng hoa. Chật vật, vất vả, có người chuyển hẳn công việc khác hoặc làm trái nghề để tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ. Đó là chuyện làm nghề chứ chưa nói đến việc đặt chân đến những cuộc thi lớn. Liệu có phải tài năng của họ chưa đủ tạo niềm tin hay các sân khấu, các ông bà bầu còn quá e dè “khắt khe” với người trẻ nên chọn những tên tuổi lớn để đảm bảo doanh thu, thương hiệu, hay còn bởi những lí do gì khác.

Có dịp làm việc với nhiều sân khấu và các nhóm kịch trẻ nên chúng tôi không mấy ngạc nhiên khi thấy có nhiều biên kịch, đạo diễn 8x, 9x giỏi và tài năng. Chọn công việc của 1 biên kịch hay đạo diễn là đã chọn cho mình con đường khó, mỗi người sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần, sáng tạo liên tục để tạo ra dấu ấn và sự khác biệt.

Thay vì ngồi chờ cơ hội, chờ các sân khấu tìm đến, thì mỗi người phải chủ động dấn thân để tạo thương hiệu và cá tính riêng trong nghệ thuật. Đạo diễn trẻ Khắc Duy là 1 minh chứng. Năm 2013, khi vừa tốt nghiệp xuất sắc khóa đạo diễn tại trường Sân khấu Điện ảnh TP, đồng thời cũng đạt huy chương vàng với bản dựng kịch Broadway vở “Chicago” tại cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu. Thế nhưng, hầu như không có 1 sân khấu nào hay chương trình lớn nào tìm đến sau đó. Không để thời gian trôi qua vô ích, sau khi bày tỏ ý tưởng và tìm được những người cùng chí hướng - nhóm kịch Buffalo ra đời vào giữa năm 2013. Gần 6 năm trôi qua, Buffalo giờ đây đã là 1 sân khấu sở hữu 1 lượng khán giả nhất định, các vở nhạc kịch của sân khấu này đều được trông đợi và nhận được lời khen có cánh của giới chuyên môn mỗi lần ra mắt. Để có được trái ngọt như hôm nay là cả 1 hành trình của nỗ lực, cố gắng, sáng tạo và không từ bỏ.

Đạo diễn trẻ Khắc Duy bày tỏ suy nghĩ: “Có thể ngành sân khấu là 1 ngành khá khốc liệt, tại vì những người dàn dựng trên các sân khấu đều là những người kì cựu, những thầy cô, và phải nói rằng không phải đây là 1 công việc mà người trẻ có thể dễ dàng dấn thân. Tất nhiên là mỗi người phải tự lựa chọn cho mình 1 phong cách và 1 con đường riêng, không ai đi con đường giống ai được, ít nhất là ở ngành này. Chẳn hạn như Duy đây cũng phải mất 5 năm thì Buffalo mới được như hôm nay, mình làm rồi lỗ, rồi lại làm rồi lỗ, rồi khắc phục. Có niềm tin vào nghề thì nghề mới không phụ mình”.

Trở về từ Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2018 với giải thưởng “Đạo diễn trẻ xuất sắc nhất” trong vở “hiu hiu gió bấc”, Minh Nhật khá phấn khởi nhưng buồn vui lẫn lộn vì khó khăn và rào cản vẫn còn rất nhiều. Từ ngày tốt nghiệp đến nay, Minh Nhật hầu như đi làm nhiều công việc khác hơn là dựng kịch. Làm phim, làm ca nhạc, làm even cho các công ty hay thỉnh thoảng thì viết kịch bản, tiểu phẩm. Cái khái niệm “đạo diễn trẻ” còn non kinh nghiệm đã lấy đi của Minh Nhật rất nhiều cơ hội. Không vì thế mà từ bỏ đam mê, dù bài toán mưu sinh có đôi khi làm cho đôi chân mỏi mệt, cảm xúc chán chường thỉnh thoảng có len lỏi vào suy nghĩ nhưng thay vì dừng thì Minh Nhật đã chọn con đường đối mặt để xem nghề của mình đang ở đâu và vì sao chưa tìm được nhiều cơ hội, Đạo diễn Minh Nhật, chia sẻ: "Thật ra thì những bạn đạo diễn trẻ khi ra trường sẽ gặp rất nhiều khó khăn,thứ nhất là mình còn rất non kinh nghiệm, các sân khấu họ sẽ ngại mời 1 đạo diễn trẻ mới ra trường để về dựng cho sân khấu của người ta. Vì thế chúng tôi phải làm thêm những công việc ở ngoài, như tôi thì tôi làm event, 1 số bạn khác thì làm kịch cafe để ấp ủ những giấc mơ lớn hơn. Tôi rất muốn có những cuộc thi để cho các bạn trẻ về biên kịch, về thiết kế sân khấu, âm nhạc… thì nên có những giải thưởng để tạo cơ hội, tạo niềm tin, cũng như động lực lớn cho các bạn trẻ tiếp tục trên con đường nghệ thuật”.

Đạo diễn Thái Kim Tùng, dù chỉ mới tốt nghiệp gần 3 năm và chưa bước qua ngưỡng tuổi 30 nhưng lại gặt hái được không ít thành công trong sự nghiệp dàn dựng của mình. Kim Tùng chuộng lối dựng hiện đại và tương tác. Đã từng hợp tác với nhiều sân khấu như: Hoàng Thái Thanh, Hội sân khấu TP, Sân khấu kịch TP, Sân khấu nhỏ 5B nên cái tên và thương hiệu của anh ngày càng được bảo chứng. Nhiều sân khấu tìm đến Thái Kim Tùng và người ta không thấy anh lập lại phong cách ở bất kỳ bản dựng nào, lúc nào cũng thanh xuân, mới mẻ. Để có được thành công như ngày hôm nay là do sự kiên trì dám nghĩ dám làm và làm quen với thất bại. Đạo diễn Thái Kim Tùng bày tỏ quan điểm: “Theo mình thì mình phải theo đuổi cái mà mình thích, vẫn phải thị trường nếu không thì người ta sẽ không xem. Mình phải bỏ qua cái yếu tố áp lực về tiền bạc. Chính vì mình chú tâm vào cái này, nên mình phải mày mò, phải biên tập, phải tự làm mới mình. Cái đa sắc màu tạo ra cái phong cách mình. Nó cũng xuất phát từ tình yêu của mình với sân khấu, mình nghe nhiều, đọc nhiều, thể nghiệm nhiều thì cứ như vậy, mỗi vở sẽ tạo ra một màu sắc khác nhau chứ mình không chết ở một thể loại nào hết”.

Nhưng sẽ có được bao nhiêu đạo diễn, biên kịch trẻ may mắn như Thái Kim Tùng, vì trên thực tế, hầu hết các sân khấu tại TPHCM đều là xã hội hóa, gánh nặng doanh thu buộc họ phải chọn những đạo diễn, biên kịch tên tuổi. Chưa kể sự đào thải của sân khấu thị trường. Còn nếu đi thi thì tất nhiên những cái tên đã là thương hiệu sẽ đảm bảo tác phẩm đạt được 1 huy chương nào đó. Và khi cái bóng của những cây đại thụ quá lớn thì những cây non sẽ khó có cơ hội vươn lên. Biên kịch, Đạo diễn Bùi Quốc Bảo đã có 10 năm chật vật để khẳng định mình, hiện tại anh là cái tên được nhiều sân khấu và khán giả yêu mến, thẳng thắn, cho biết: “Khi chúng tôi mới ra nghề, làm nghề thì chúng tôi cháy bỏng với ngọn lửa đam mê đó, nhưng khi tiếp cận với thị trường thì có thể là chúng tôi phải thỏa hiệp với thị trường. Phải viết theo đơn đặt hàng của các sân khấu về những đề tài, những thể loại mà mình không thích lắm, không mặn lắm, làm những vở mang tính giải trí. Nhưng mà tôi nghĩ là những nhà hát cũng nên có những đầu tư, 1 năm một vài vở để những người làm nghệ thuật họ có thêm ngọn lửa để cùng bùng cháy trong giai đoạn này”.

Dù cuộc sống có vất vả, con đường làm nghề có lắm gian truân nhưng những người trẻ đã không từ nan mà quyết chọn công việc này để trở thành lớp kế thừa hội đủ đức, tài. Khát khao, say mê là thế, nhưng hiện tại cái “khoảng trống” này vẫn chưa được lấp đầy.

Ngọc Thu

Bình luận

Đọc Báo