Chung sức ứng phó hữu hiệu và khắc phục hậu quả thiên tai - Thời sự 5h30 23/07/2018

(VOH) - Nước ta là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai bão lũ thường gây thiệt hại rất nặng nề.

Nhà cửa, ruộng vườn, hoa màu, tài sản và thậm chí tính mạng của người dân cũng bị đe dọa. Như cơn bão số 3 mới đây, đã và đang gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung bộ. Người dân vùng bão lũ đang phải gồng mình chống chọi lại sự khắc nghiệt của thời tiết, khi mà làng quê, ngôi nhà yên bình của họ đang bị tàn phá, đổ nát.

Đây cũng là lúc cần sự nồng ấm của tinh thần tương thân tương ái từ đồng bào cả nước, chung tay hỗ trợ người dân vùng bão lũ khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống. 

Chung sức ứng phó hữu hiệu và khắc phục hậu quả thiên tai

Ảnh minh họa.  

Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đến ngày 22/7, mưa lũ do ảnh hưởng cơn bão số 3 đã làm 19 người chết, 13 người mất tích và 17 người bị thương, tập trung ở Yên Bái, Thanh Hóa, Sơn La... Mưa lũ cũng làm hơn 100 nhà sập, trôi; hơn 1.100 nhà hư hỏng; ngập trên 4.000 nhà. Trên 82.000 ha lúa và hoa màu; gần 17.000 gia súc, gia cầm chết; nhiều tuyến giao thông sạt lở, hư hại... Quân đội đã huy động 6.500 lượt người và gần 100 lượt phương tiện khắc phục hậu quả.

Thiệt hại vật chất khó có thể tính hết, khi sau bão là mưa lớn, nước lũ và lở đất tiếp tục tàn phá. Các ban ngành ở địa phương đã và đang khẩn trương xử lý hậu quả, khắc phục sự cố, tổ chức cứu trợ, thăm hỏi, bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân...

Cũng chính trong thiên tai, hoạn nạn, giữa bộn bề khó khăn, mới người thấy được rõ nét nhất sự chung sức, chung lòng, tình người nồng ấm của đồng bào cả nước. Tinh thần tương thân tương ái bao đời nay vẫn là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam. Để chia sẻ với người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt và những khó khăn mà người dân sẽ phải đối mặt sau mưa lũ về bệnh tật, vấn đề về nước sạch, vệ sinh môi trường… các cơ quan ban ngành, nhiều tổ chức, cá nhân ở khắp mọi miền Tổ quốc, kiều bào ở nước ngoài đã cùng vận động, đóng góp giúp bà con khắc phục hậu quả thiên tai. Sự động viên, chia sẻ của người dân cả nước đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần giúp bà con vùng rốn lũ nguôi đau thương, kiên cường gượng dậy, vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống.

Theo đánh giá, chưa năm nào thời tiết có mưa lớn trên diện rộng, dồn dập và tập trung tại khu vực miền núi phía Bắc như thời gian qua. Điều này cho thấy sự bất bình thường trong diễn biến thiên tai hiện nay. Từ đầu năm đến nay, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trên cả nước, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại... gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Chưa tính cơn bão số 3 vừa qua, trước đó, cả nước xảy ra 14 loại hình thiên tai khiến 75 người chết và mất tích. Riêng đợt mưa lũ cuối tháng 6 xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến 33 người chết và mất tích, hơn 500 nhà dân bị sập, đổ; hơn 14.500 nhà dân bị hư hỏng, ngập nước. Khoảng 16.000ha cây trồng bị ngập, hư hỏng, cùng 26.000 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính hơn 868 tỷ đồng.

Có nhiều nỗ lực trong thực hiện song thực tế công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện rõ ở việc nhận thức của chính quyền, ý thức của người dân. Nơi này nơi khác còn lúng túng trong triển khai công tác cũng như kéo dài thời gian khắc phục hậu quả. Đặc biệt, công tác dự báo, cảnh báo chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai ngày càng cao của xã hội, nhất là cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất. Một số nơi, cũng như một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý chủ quan trước thiên tai. Sau khi bão lũ quét qua, có những địa phương cho biết hàng chục năm nay chưa khi nào phải chịu thiệt hại nặng đến vậy, thậm chí chưa gặp đợt thiên tai hay lũ quét nào khắc nghiệt đến vậy.

Theo dự báo, từ nay tới cuối năm 2018, sẽ có khoảng 8 - 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới biển Đông. Trong đó, có 4 - 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Diễn biến thời tiết, thiên tai thời gian tới còn nhiều phức tạp. Để chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, với quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là công tác dự báo, cảnh báo, phối hợp. Cần tăng cường nhận thức của chính quyền các cấp và người dân trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, tránh tâm lý chủ quan. Các ngành chức năng chủ động đánh giá trước rủi ro thiên tai, nhất là việc đánh giá nơi ở an toàn; xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, tổ chức diễn tập, huấn luyện thuần thục để sẵn sàng triển khai.

Biến đổi khí hậu đã và đang gõ cửa từng nhà, từng gia đình, chứ không còn là câu chuyện cấp vĩ mô. Bên cạnh tinh thần tương thân tương ái, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai của người dân cả nước, cần cả sự đồng lòng, chung tay ứng phó, ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Chung sức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống, ngăn chặn tàn phá môi trường… hành động nhỏ nhưng thiết thực của cộng đồng sẽ làm nên hiệu quả lớn. Cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, sự chung sức của triệu triệu hành động ý nghĩa từ cộng đồng sẽ góp phần ứng phó hữu hiệu với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa bão lũ.

Đan Anh

              

VOH

Bình luận

Đọc Báo