Chủ động từ hiệp hội ngành nghề - Thời sự 5 giờ 30 08/08/2018

(VOH) - Trước áp lực căng thẳng thương mại, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình.

Đặc biệt là thông báo, cập nhật danh mục hàng hóa bị áp thuế của cả Mỹ và Trung Quốc, cũng như động thái tỷ giá của cả đồng đô la Mỹ và nhân dân tệ để doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.

Các doanh nghiệp Việt Nam cần khẩn trương tìm hiểu thị trường Mỹ, đặc biệt là với các loại hàng hóa trong danh mục bị áp thuế, để tìm cơ hội đa dạng hóa danh mục xuất khẩu vào Mỹ. Ngoài ra, cần nghiên cứu sâu hơn danh mục một số hàng hóa của Trung Quốc có thể nhập vào Việt Nam trong trường hợp xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị hạn chế để có cách thức đối phó và kiểm soát phù hợp. Song song đó, chuẩn bị tốt các thông tin liên quan đến phòng vệ thương mại với Mỹ trong trường hợp chiến tranh thương mại lan rộng. 

Định hướng nâng cao chiến lược xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, trong đó tăng trưởng xuất khẩu cả về chiều rộng và chiều sâu là một giải pháp lâu dài. Tiếp cận nhanh với các nhà đầu tư lớn trên thế giới, tranh thủ thời cơ thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng để xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có những chương trình hỗ trợ cụ thể từ ngắn hạn đến dài hạn. Tiến sĩ Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết: "Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam sẽ tổ chức chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu với rất nhiều các hoạt động, sự kiện cụ thể trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, cụ thể như: tổ chức các hội thảo hỗ trợ xuất khẩu gặp gỡ, kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa các chuyên gia để có thể đưa ra các giải pháp hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xây dựng các cổng thông tin hỗ trợ xuất nhập khẩu trực tuyến giúp các doanh nghiệp tiện lợi trong trao đổi trực tuyến và những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu tốt hơn trong thời gian tới".

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn và các dịch vụ tài chính, tín dụng cho xuất khẩu đang là mối quan tâm hàng đầu của ngân hàng. Ngân hàng Phương Đông là một trong những ngân hàng đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam triển khai hiệu quả chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam và đang nghiên cứu đưa ra nhiều gói sản phẩm với hạn mức cao, lãi suất hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Bà Trần Thị Mai An, Giám đốc Trung tâm Tài trợ thương mại, Ngân hàng Phương Đông, cho rằng: "Bên cạnh đó, công cụ chúng tôi đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp đó là kiểm soát rủi ro tỷ giá, dành cho cả khách hàng xuất và nhập khẩu, cho tất cả các loại ngoại tệ. Giống như bên hải quan khi xem xét các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chúng tôi cũng có chế độ dành cho doanh nghiệp có làn xanh, nếu gói tài trợ sau giao hàng thì chỉ cần sau 2 giờ khách hàng sẽ nhận được tiền ngay, chúng tôi sẽ tiếp tục vẫn là ngân hàng đồng hành cùng với doanh nghiệp".

Vai trò quản lý Nhà nước, đặc biệt đối với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các hiệp hội ngành nghề nhằm xây dựng hàng rào kỹ thuật, kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam, nhất là hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc cần đặc biệt quan tâm. Chủ động đưa ra các biện pháp để bảo vệ hàng hóa trong nước cũng như ngăn chặn hàng hóa nhập lậu từ nước ngoài. Để hỗ trợ các nhà nhập khẩu nước ngoài tìm kiếm dễ dàng các thông tin tổng thể về thị trường và các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp cận trực tiếp tới các khách hàng nước ngoài, Bộ Ngoại giao, các tham tán thương mại cũng đóng vai trò cầu nối tích cực hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, khẳng định: "Bộ ngoại giao nói chung và các cơ quan nước ngoài có nhiệm vụ rất quan trọng, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị đối ngoại để kết nối quan hệ giữa nước ta với các nước bạn, thúc đẩy kinh tế thương mại ở tầm vĩ mô, chúng tôi còn có một hoạt động nữa là ngoại giao làm kinh tế, hộ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu và ngược lại hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Ví dụ như chúng tôi tìm kiếm giữa cung và cầu, kết nối các nhà doanh nghiệp với nhau, tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư vào trong nước, tìm kiếm các liên doanh và một nhiệm vụ nữa là thẩm định các đối tác của chúng ta".

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, quản trị, tiềm lực tài chính, kỹ thuật để có thể cung cấp cho thị trường những sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Đặc biệt, cần tập trung vào những mặt hàng đang có lợi thế, những mặt hàng không nằm trong danh sách cấm vận của cả hai bên.

Huệ Như

Bình luận

Đọc Báo