Bám trụ với nghề giữa muôn nẻo mưu sinh - Thời sự 5h30 3/12/2017

(VOH) - 12h giờ đêm nhưng công việc vẫn còn bộn bề, nét mệt nhọc hằng rõ trên đôi mắt nhưng nụ cười vẫn rất tươi.

Các anh hậu đài nói vui với nhau mà nghe nao lòng: “Ngày nào cũng được cực như vầy thì đỡ quá”. Có thể nhiều người không hiểu nhưng chúng tôi thì hoàn toàn hiểu câu nói nửa vui, nửa đùa ấy. Vì khi theo chân các anh thực hiện phóng sự này, nhiều câu chuyện phía sau ánh đèn sân khấu của những con người thầm lặng này làm cho lòng người nghe như thắt lại.

Ảnh minh họa: NLĐ

Khi sân khấu sáng đèn liên tục thì dù đồng lương từ công việc hậu đài, phụ trợ cho đêm diễn có ít nhưng cũng nuôi sống được gia đình. Nay tình hình sân khấu ngày một khó khăn, thù lao “bèo bọt” và không được hỗ trợ thêm bất kì khoản nào, chưa kể một số người chỉ làm “thuê” cho từng vở chứ không phải là nhân viên chính thức thì cuộc sống càng khó khăn hơn. 20 năm qua, chị Ngọc Bích gắn bó với công việc nhắc tuồng tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Diễn viên thuộc tuồng nhưng luôn cần có 1 người nhắc để đảm bảo khớp miệng từ nhân vật này sang nhân vật khác. Công việc này bào mòn sức khỏe vì đọc nhiều và đọc với tấn số âm thanh lớn. Cứ trái gió trở trời là lại viêm họng nhưng ít khi chị nghỉ bệnh vì nếu không có người nhắc tuồng diễn viên sẽ không an tâm. Thế nhưng thù lao chị nhận được từ công việc này như “muối bỏ bể”.

Để cải thiện cuộc sống chị phải tìm thêm các show nhắc tuồng từ phim, kịch, game show đến các nhóm hài. Chúng tôi hỏi, sao không tìm công việc khác để cuộc sống đỡ cực hơn, chị nói “trót thương cái nghề, bỏ đâu có dễ”: “So với đồng lương của các anh chị em nghệ sĩ hay những bộ phận khác thì đồng lương của người nhắc tuồng là hơi thấp, nếu như mình tính ra tiền xe, tiền ăn cơm,  tiền xăng thì từ khi tập vở đến lúc vở diễn nhận được tiền thì chưa chữa nó đã còn. Nhưng mà như người ta hay nói, ăn cơm Tổ rồi không có dứt ra được. Cũng phải có thêm nghề tay trái, nếu không thì cũng không trụ nổi với nghề đâu. Thì chúng tôi cũng mong là ekip mà tham gia chương trình thì sẽ có lương bồi dưỡng thêm, ngoài lương của đêm diễn, nếu được như vậy thì có lẽ cuộc sống sẽ đỡ khó khăn vất vả hơn”.

Cũng trên dưới 30 năm làm kỹ thuật âm thanh cho các sân khấu, anh Nguyễn Anh Kiệt hiện được xem là 1 kỹ thuật giỏi nghề của các sân khấu nhưng anh cũng đôi lần muốn bỏ nghề vì ít suất diễn và luôn trong tình trạng nay có mai không thì khó mà yên tâm làm nghề được: “Thực tế bây giờ mỗi suất diễn chỉ được trả có 110 ngàn thôi, còn lương thì theo lương nhà nước 1 tháng có mấy triệu thôi, anh em làm thì vẫn phải làm nhưng cuộc sống rất khó khăn. Chúng tôi luôn mong làm sao có được sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, để làm sao những người phía sau sân khấu nhuq chúng tôi có 1 cuộc sống tốt hơn. Anh em hậu đài, âm thanh, ánh sáng như chúng tôi toàn là ở nhà mướn không,  vì thật ra đồng lương không đủ nuôi vợ con”

Hay như trường hợp của nghệ sĩ Tuấn Tú trước đây chuyên đóng vai quần chúng, phụ dọn dẹp cảnh trí, nhưng khi đời sống sân khấu ngày một khó khăn, đồng lương không đủ sống, anh chuyển sang làm đạo cụ và binh khí cho các sân khấu. Công việc này vất vả và công phu nhưng cũng không kiếm thêm được bao nhiêu, còn chuyện khán giả nhớ đến người làm đạo cụ thì thôi đừng nghĩ đến, nhung dù sao cũng được ở gần sân khấu hơn là phải bỏ nghề: “Làm đạo cụ rất cực chứ không phải đơn giản, nhưng âm thầm lắm, đâu có ai biết người đã góp phần nâng kịch bản cho hay như chúng tôi đây. Nhưng mình vẫn làm vì càng làm càng đam mê, tuy là có vất vả nhưng mê thì vẫn mê. Nhiều khi có những đạo cụ làm, nghĩ không ra cũng nhức đầu lắm, nhưng khi làm được rồi thì thấy rất mừng. Quay được 1 vở thành công, đạo diễn nói anh làm đạo cụ cho vở đó tố lắm, đúng lắm, vậy thôi là mình vui lắm”.

Những cuộc đời, những câu chuyện sau bức màn nhung vẫn còn rất nhiều điều để ta suy ngẫm. Dù biết khó khăn nhưng cuộc sống đâu cho phép ai dừng lại. Chúng tôi không hỏi thêm nhiều nhưng họ luôn tự an ủi nhau rằng “tin nghề thì nghề sẽ không phụ”. Chúng tôi cũng mong là như vậy để nụ cười của họ được trọn vẹn hơn. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề làm sao để anh em hậu đài, và những anh em khác sau bức màn nhung có cuộc sống khá hơn - NSND Trần Ngọc Giàu - Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, đề xuất: “Trong thời gian tới, tôi nghĩ rằng nhà nước cũng cần có những chính sách, bảo trợ và phải có chế độ cụ thể cho những người theo nghề. Tất nhiên không biết bao nhiêu là đủ cho đời sống. Ví dụ như ngoài lương ra thì nhà nước có thể trả thêm 1 phần lương nữa hoặc là phụ trợ thêm gì đó, để người ta thấy là cái nghề của người ta được quý, cái nghề của người ta được trân trọng”.

Nếu trong một “bản phổ” của âm nhạc thì những con người này là những nốt trầm nhất, nhưng cho dù vậy thì không có nốt trầm ấy sẽ không cho ra 1 bản nhạc hoàn chỉnh được. Cũng như sân khấu sẽ không thể sáng đèn, không thể có 1 đêm thăng hoa thật sự nếu như thiếu sự cần mẫn và phối hợp nhịp nhàng của những con người kia. Ấy vậy mà họ đang có cuộc sống ra sao, đang vật lộn với cuộc mưu sinh như thế nào? Chuyện để khán giả nhớ đến họ thì khó nhưng để cho họ có được sự quan tâm hỗ trợ từ phía các nhà hát, các cấp quản lý thì có lẽ không quá tầm tay. Hãy cho họ biết họ được trân trọng dù ở phía sau sân khấu, hãy để họ an tâm làm nghề. Đừng để đến lúc, rồi 10 năm hay hơn thế, có ai còn đủ niềm tin và đủ kiên nhẫn để làm những công việc này khi mà cái nghề họ đam mê lại quay lưng với họ. Không biết đến khi nào các anh em hậu đài mới thật sự được trọn vẹn với nghề trong nụ cười viên mãn, nhưng chúng tôi luôn mong “nghề” và “đời” sẽ thương họ.

Chúng tôi xin được khép lại phóng sự với những trăn trở và mong muốn của Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ: “Đời sống của văn nghệ sĩ đã khó khăn, thì tấc nhiên những người đứng đằng sau bức màn nhung sẽ càng khó khăn hơn. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng được biết những chế độ chính sách của văn nghệ sĩ cũng có nhiều chuyển biến, có nhiều sự đầu tư, có nhiều chế độ, để làm sao nâng cao đời sồn cho anh em, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được. Chúng ta phải phấn đấu làm sao để văn nghệ sĩ, những người trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật này sống được bằng nghề, đó là điều mà chúng ta phải cố gắng phấn đấu để những nghệ sĩ, những người tham gia sau cánh màn nhung để cùng với nghệ sĩ mang những giá trị truyền thống,  mang những giá trị của tác phẩm, mang những tinh thần của tác phẩm, đến với nhân dân ở mọi miền tổ quốc là những điều mà các cơ quan quản lý, các hội chuyên ngành, hội chính trị xã hội nghề nghiệp luôn trăn trở”.

Ngọc Thu

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo