63 tỉnh, thành phố triển khai phổ cập bơi học đường - Thời sự 5 giờ 30 20/5/2018

(VOH) - Mỗi năm có hàng ngàn trẻ em tử vong do đuối nước, đặc biệt vào thời gian hè và mùa mưa bão, mùa nước nổi. Việc phổ cập bơi và các kỹ năng phòng, chống đuối nước là hết sức cấp thiết.

Ngành thể dục thể thao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan vừa công bố Chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em 2018, sẽ được triển khai đồng bộ trên khắp 63 tỉnh, thành phố từ nay đến tháng 8/2018, với nhiều hoạt động thiết thực. Phóng viên Hoàng Lĩnh có cuộc phỏng vấn ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao về thực trạng, cũng như việc triển khai phổ cập bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em hiện nay.

VOH: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về phong trào bơi học đường, cũng như bơi an toàn trẻ em hiện nay, khi mà tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn còn diễn biến phức tạp?

Ông Phạm Văn Tuấn:  Phải nói rằng công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em thời gian rất được quan tâm, nhưng việc ngăn chặn chưa được phối hợp thực hiện một cách tốt nhất. Một năm theo báo cáo có khoảng 2.000 trẻ em đuối nước. Tỷ lệ rất cao, nhưng trách nhiệm của Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Giáo dục và Đào tạo hay Tổng cục TDTT chưa phân biệt rõ. Dưới sự chỉ đạo của Bộ VH-TT và Du lịch, Tổng cục TDTT xây dựng đề án phổ cập bơi, phòng chống đuối nước trẻ em. Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT, Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB-XH và Đoàn Thanh niên để phát động phong trào  phòng chống đuối nước trẻ em, để nhân dịp hè sắp đến này, làm sao đào tạo được đội ngũ hướng dẫn viên và phát động phong trào trên cả nước.

VOH: Ngành TDTT trong thời gian qua đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan như ngành giáo dục, các tổ chức khác, tích cực xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Những nội dung cụ thể của chương trình Bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2018 là gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Tuấn: Tổng cục TDTT những năm qua phối hợp với các tỉnh thành đào tạo nhiều HLV. Mỗi địa phương có những sáng tạo để phổ cập bơi, cứu đuối, như Đồng Tháp, như Bến Tre, Ninh Bình... Có rất nhiều mô hình hay. Từ những kinh nghiệm thực tiễn đó, chúng tôi xây dựng đề án, trong đó tập trung vào tuyên truyền, để các gia đình, xã hội nhận thức rõ, thường xuyên nhắc nhở con em không đến bơi, tắm ở những vùng nguy hiểm. Không chỉ những người không biết bơi, bơi giỏi vẫn có thể đuối nước nếu không biết cách phòng, chống. Ngoài in sách, tờ rơi, chúng tôi cũng phối hợp với ngành giáo dục để các trường nhắc nhở các em học sinh hàng ngày. Thứ ba là chúng tôi đào tạo các HLV, hướng dẫn viên trong các trường, các xã phường.  Thứ tư nữa là hướng dẫn xây dựng các hồ bơi đơn giản, kiên cố, tận dụng các sông suối sẵn có để ngăn lại làm nơi tập bơi cho các em. Tiếp nữa là chương trình hướng dẫn sơ cấp cứu nếu chẳng may đuối nước xảy ra.

VOH: Vậy trong các nhiệm vụ trên thì đâu là điểm nhấn trong chương trình Bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em năm 2018. Sự kiện này có ý nghĩa và tác động như thế nào đối với phong trào tập luyện môn Bơi trong lứa tuổi học đường?

Điểm nhấn lớn nhất là chúng tôi tổ chức như bên thể thao quần chúng có ngày chạy Olympic. Chúng tôi phát động nhiều tỉnh thành, và sắp tới, ngày 1/6 có ngày hội xuống nước của toàn dân. Và chúng tôi hy vọng ngày năm sẽ thành ngày truyền thống, qua đó thu hút ngày càng nhiều người đến với môn bơi, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa hạn chế tình trạng đuối nước, phổ cập môn bơi, hướng tới xóa mù Bơi.

VOH: Việc triển khai thực hiện chương trình Bơi phòng, chống đuối nước gặp những khó khăn  như cơ sở vật chất, kinh phí, nguồn lực giáo viên dạy Bơi… ông có thể cho biết ngành TDTT đã có những giải pháp như thế nào để cùng với các Bộ, ngành chung tay thực hiện xóa mù Bơi?

Ông Phạm Văn Tuấn: Phổ cập bơi là cả một vấn đề rất khó khăn. Hiện đang gặp khó về cơ sở vật chất, cán bộ hướng dẫ, kinh phí… Chúng tôi rất đau lòng khi mỗi năm có hàng ngàn trẻ em đuối nước. Thậm chí, lấy ý kiến sửa Luật TDTT, nhiều ý kiến muốn đưa vào môn bơi lội là môn bắt buộc trong trường học. Việc này không chỉ riêng ngành TDTT hay ngành nào khác, mà toàn xã hội quan tâm. Do đó, đợt họp Quốc hội sắp đến, Luật TDTT sẽ sửa đổi một số điều, trong đó có việc phổ cập bơi. Hy vọng rằng Quốc hội sẽ thông qua Luật sửa đổi này, khẳng định việc phổ cập bơi là hết sức quan trọng. Điều này hứa hẹn phong trào tập luyện môn Bơi trong các nhà trường, trong đó việc đầu tư về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực cho Chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em ngày càng được quan tâm và đạt kết quả.

VOH: Với những giải pháp tích cực đã và đang thực hiện, chúng ta đặt ra mục tiêu như thế nào trong việc phòng chống đuối nước trẻ em, thưa ông?

Ông Phạm Văn Tuấn: Hiện nay việc thống kê chưa chính xác, bộ ngành quản lý vấn đề này các số liệu còn chênh nhau. Từng bước phải có hệ thống thống kê cho chính xác. Chúng tôi hy vọng con số ước lượng sẽ giảm một phần. Chúng ta có 21 triệu học sinh. Ở vùng sông hồ các cháu đa số biết bơi, nhưng ở vùng núi, vùng sâu, nơi tập luyện không có. Chương trình này không phải trong một vài năm, vì lực lượng học sinh rất đông, trong khi đội ngũ hướng dẫn ít, không phải đào tạo cấp tốc có ngay. Do đó đề án này phải thực hiện một cách kiên trì trong nhiều năm, và phối hợp tất cả các biện pháp để hy vọng rằng mỗi năm sẽ giảm lượng trẻ em đuối nước ngày một ít đi, đến một ngày nào đó sẽ hạn chế tối thiểu nhất.

VOH: Xin cảm ơn ông!

VOH.

Bình luận

Đọc Báo