Qui định bảo vệ người tố cáo là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động

(VOH) - Từ tháng 11/2021, việc bảo vệ việc làm của người tố cáo đang làm việc theo hợp đồng lao động có thay đổi so với qui định trước đây của Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TBXH.

Sự kiện: tư vấn pháp luật

Từ ngày 1/11/2021, Thông tư 09/2021/ 2020/TT-BLĐTBXH (Thông tư 09/2021) của Bộ Lao động Thương binh và xã hội sẽ chính thức có hiệu lực, với quy định mới liên quan đến bảo vệ việc làm người tố cáo là người đang làm việc theo hợp đồng lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp.

Thông tư 09/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08/2020/TT- BLĐTBXH ngày 15/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động

Theo Thông tư 09/2021, trường hợp người sử dụng lao động không chấp hành biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ (người lao động tố cáo), Ban chấp hành công đoàn cơ sở sở hoặc Ban lãnh đạo của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp mà người lao động đó là thành viên phải có ý kiến bằng văn bản:

- Với người sử dụng lao động

- Đồng thời báo ngay sự việc với cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

- Và báo cáo tổ chức đại diện cấp trên trực tiếp của người lao động (nếu có) để kịp thời xử lý và có biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ.

Thông tư 09/2021 cũng bãi bỏ điều 5, 6 của Thông tư 08 về Quyết định, thay đổi, bổ sung và chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ và Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp.

Biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ (tức người lao động tố cáo làm việc theo hợp đồng lao động) bao gồm:

a) Yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm; khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ;

b) Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

* Lưu ý: Người làm việc theo hợp đồng lao động là người lao động theo quy định của pháp luật lao động, bao gồm cả người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động đối với một số công việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

Thông tư số 08/2020/TT- BLĐTBXH

Điều 7. Trách nhiệm của người sử dụng người lao động

1. Không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người được bảo vệ.

2. Không được trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người được bảo vệ.

3. Thực hiện kịp thời, đầy đủ các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.

4. Báo cáo cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm và thông báo cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở về kết quả thực hiện biện pháp bảo vệ.

5. Cơ quan chủ quản của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh; người sử dụng lao động chính đối với trường hợp người được bảo vệ làm việc tại chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền bảo vệ việc làm trong quá trình tiếp nhận, xác minh và áp dụng các biện pháp bảo vệ việc làm.

>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn pháp luật xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật

>>>> Thanh Tra Chính Phủ Qui Định Mới Về Tiếp Công Dân

>>>> Vi Phạm Về Qui Định Bảo Quản An Toàn Phòng Chống Cháy Nổ Về Hóa Chất Bị Phạt Bao Nhiêu?

>>>> Quy Định Mới Về Tiêu Chuẩn Trưởng, Phó Trưởng Phòng Giáo Dục Và Đào Tạo

>>>> Xúi Giục, Kích Động, Lôi Kéo, Ép Buộc Người Khác Uống Rượu, Bia Cũng Bị Phạt

>>>> 6 Việc Cán Bộ, Công Chức, Viên Chức Không Được Làm Theo Luật Phòng Chống Tham Nhũng 2018

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo