Những trường hợp nào công chứng viên không được công chứng?

(VOH) - Có 4 trường hợp sau công chứng viên không được công chứng trong các lĩnh vực công chứng bản dịch, công chứng phân chia tài sản, công chứng viên tập sự hoặc thôi làm nghề.

Công chứng là công việc của công chứng viên thuộc một tổ chức hành nghề công chứng (tổ chức này có thể thuộc tư nhân hoặc nhà nước được công nhận có tên gọi là Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng) chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản; tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Theo quy định tại Luật Công chứng 2014 thì những trường hợp sau sẽ không được ký văn bản công chứng:

1. Công chứng viên là người tập sự hành nghề công chứng:

Khoản 2, điều 11 Luật Công chứng 2014 quy định: Người tập sự hành nghề công chứng được hướng dẫn các kỹ năng hành nghề và thực hiện các công việc liên quan đến công chứng do công chứng viên hướng dẫn phân công và chịu trách nhiệm trước công chứng viên hướng dẫn về những công việc đó. Người tập sự không được ký văn bản công chứng.

2. Công chứng viên không còn hành nghề công chứng tại một tổ chức hành nghề:

Khi công chứng viên không còn làm việc tại tổ chức hành nghề công chứng thì tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm thông báo cho Sở Tư pháp để xóa đăng ký hành nghề của công chứng viên. Công chứng viên không được ký văn bản công chứng kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động tại tổ chức hành nghề công chứng. (Căn cứ khoản 3, Điều 35 Luật công chứng).

Chú ý: Công chứng viên đồng thời hành nghề tại hai tổ chức hành nghề công chứng trở lên hoặc kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác cũng bị nghiêm cấm.

3. Khi công chứng bản dịch, theo Khoản 4, Điều 61 Luật công chứng

Công chứng viên không được nhận và công chứng bản dịch trong các trường hợp sau đây:

- Công chứng viên biết hoặc phải biết bản chính được cấp sai thẩm quyền hoặc không hợp lệ; bản chính giả;

- Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch đã bị tẩy xoá, sửa chữa, thêm, bớt hoặc bị hư hỏng, cũ nát không thể xác định rõ nội dung;

- Giấy tờ, văn bản được yêu cầu dịch thuộc bí mật nhà nước; giấy tờ, văn bản bị cấm phổ biến theo quy định của pháp luật.

4. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, thừa kế di sản theo  Khoản 3, Điều 57 Luật công chứng 2014.

Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.  

Như vậy, hai trường hợp đầu thuộc về tiêu chuẩn qui định cho các công chứng viên trong các tổ chức hành nghề công chứng. Theo qui định của Luật thì Công chứng viên phải là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Công chứng, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng.

Hai trường hợp sau là những trường hợp công chứng viên không được công chứng khi chưa kiểm tra, xác minh, làm rõ nội dung công chứng tuân thủ theo các nguyên tắc hành nghề công chứng. (Điều 4 Luật Công chứng).

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật

>>>> Trường Hợp Nào Thì Lái Xe Gây Tai Nạn Giao Thông Bị Phạt Tù ?

>>>> Cảnh Sát Giao Thông Được Dùng Hình Ảnh Trên Mạng Xã Hội Để Xử Phạt Vi Phạm

>>>> Bị  Giam Bằng Lái Xe, Có Thể Thi Làm Bằng Lái Mới ?

>>>> Khi Bị Tai Nạn Giao Thông, Cảnh Sát Giao Thông Được Tạm Giữ Xe Trong Bao Lâu ?

>>>> Người Dân Được Ghi Âm, Ghi Hình Cảnh Sát Giao Thông Xử Phạt Vi Phạm

 

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo