Nhiều người đứng tên khiếu nại cùng một vấn đề được không?

(VOH) - Hiện nay pháp luật có cho phép nhiều người đứng tên cùng khiếu nại về một vấn đề hay không, thủ tục có giống như một người khiếu nại không?

Sự kiện: Tư vấn pháp luật

Chương trình nhận được thư độc giả hỏi về việc nhiều người cùng khiếu nại về một vấn đề thì có được không? Thủ tục có giống như một người khiếu nại hay không? Xin luật sư tư vấn.

Đơn khiếu nại

Hình minh họa

Luật sư Nguyễn Thế Hùng – Đoàn luật sư TPHCM tư vấn,

Vấn đề này được quy định tại Điều 6 Nghị định 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

Khi nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì phải cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại. Người đại diện phải là người khiếu nại.

Việc cử đại diện được thực hiện theo qui định sau đây:

- Trường hợp có từ 05 đến 10 người khiếu nại thì cử không quá 02 người đại diện;

- Trường hợp có từ 11 người khiếu nại trở lên thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng số lượng không quá 05 người đại diện. Về thủ tục cũng tương tự như qui trình khiếu nại của một người khiếu nại. Đây là qui định về nguyên tắc. Độc giả có thể đối chiếu theo tình huống cụ thể của mình để thực hiện cho đúng với qui định của pháp luật.

Xin cảm ơn luật sư.

Theo nghĩa chung, khiếu nại là việc cá nhân hay tổ chức yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm sửa chữa một việc làm mà họ cho là không đúng, đã, đang hoặc sẽ gây thiệt hại đến quyền, lợi ích chính đáng của họ.

Các quy định pháp luật hiện hành không đưa ra khái niệm chung nhất về khiếu nại mà tùy vào từng loại khiếu nại, luật và các văn bản hướng dẫn tương ứng sẽ đưa ra các khái niệm khác nhau về khiếu nại. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định của pháp luật về khiếu nại, có thể khái quát chung như sau:

Khiếu nại là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức theo thủ tục do pháp luật quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Trong đó:

 - Người khiếu nại là mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Người khiếu nại phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật. Trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại.

 - Người bị khiếu nại là cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức có quyết định, hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức khi thực hiện quyền khiếu nại phải thông qua người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật.

 -  Đối tượng của khiếu nại là quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức mà người khiếu nại có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Quyết định phải thể hiện dưới dạng văn bản, trong đó thể hiện ý chí của người ra quyết định mới là đối tượng của khiếu nại. Hành vi bị khiếu nại có thể dưới dạng hành động hoặc không hành động.

 - Người giải quyết khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật. Với mỗi đối tượng khiếu nại khác nhau, luật quy định cụ thể thẩm quyền giải quyết khiếu nại khác nhau. Dựa vào tính chất của đối tượng khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và các quan hệ pháp lý phát sinh, khiếu nại được chia làm nhiều loại khác nhau, được pháp luật quy định khác nhau.

 

>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn pháp luật xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật

>>>> Ủy Ban Nhân Dân Phường, Xã Có Thẩm Quyền Giải Quyết Đơn Khiếu Nại Tố Cáo Hay Không?

>>>> Khi Nào Cơ Quan Nhà Nước Được Phép Từ Chối Tiếp Công Dân?

>>>> Vi Phạm Về Qui Định Bảo Quản An Toàn Phòng Chống Cháy Nổ Về Hóa Chất Bị Phạt Bao Nhiêu?

>>>> Quy Định Mới Về Tiêu Chuẩn Trưởng, Phó Trưởng Phòng Giáo Dục Và Đào Tạo

>>>> Người Đang Khiếu Nại Bị Chết Thì Người Thừa Kế Có Được Tiếp Tục  Khiếu Nại? 

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo