Nghị quyết 128/NQ-CP về chính sách phòng chống dịch Covid-19

(VOH) – Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, xã hội nước ta. Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP nhằm đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Sự kiện: Tư vấn pháp luật

Ngày 11/10/1021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, kịp thời có các giải pháp tích cực tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Đây là nghị quyết được người dân, doanh nghiệp, các tầng lớp xã hội đồng tình, đánh giá cao vì cho rằng nghị quyết đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng chống dịch, chính sách chống dịch sẽ thống nhất trên toàn quốc, góp phần bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân, khôi phục và phát triển kinh tế xã hội, thực hiện mục tiêu kép đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết cũng gặp phải một số khó khăn vướng mắc. 

Trong tiết mục luật sư tư vấn hôm nay, luật sư Trần Văn Sỹ (Giảng viên học viện tư pháp) chia sẻ quan điểm về Nghị quyết 128. 

PV: Luật sư đánh giá như thế nào về Nghị quyết 128 được Chính phủ vừa ban hành và Nghị quyết này phù hợp như thế nào đối với diễn biến tình hình phòng chống dịch và phát triển kinh tế của nước ta hiện nay, thưa luật sư? 

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một khung khổ chính sách phòng chống dịch tương đối mạch lạc, phù hợp với thông lệ và xu hướng chung của các nước trên thế giới. Nghị quyết 128 của Chính phủ đã có sự tham chiếu kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như giới khoa học một cách cụ thể và bài bản hơn. 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhà khoa học, các quốc gia nhận định Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện nhiều biến thể hơn. Tuy nhiên, việc bao phủ vắc-xin, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong, giảm tỷ lệ mắc. Do đó, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược sống chung an toàn cùng Covid-19. 

Bên cạnh đó, Nghị quyết 128 sẽ là nền tảng tạo ra một sự thống nhất ở tầm trung ương đến địa phương trong hoạch định và thực thi chính sách. Trước nghị quyết này, trung ương đưa ra các chỉ thị 15, 16, 19 để giải quyết vấn đề phòng chống dịch trong các bối cảnh và thời gian cụ thể. Trong bối cảnh mới, dịch lây lan nhanh, cùng với việc nâng cấp hệ thống y tế, xét nghiệm, vắc-xin, điều trị… thì các chỉ thị này đã không còn phù hợp nhưng vì chưa có một khung khổ nào khác thay thế nên các địa phương buộc phải áp dụng. Nghị quyết 128 về cơ bản có thể giải quyết “khoảng trống” về cơ chế phòng chống dịch nêu trên.

Từ thực tiễn tình hình, ý kiến phân tích từ các nhà khoa học, Chính phủ xác định mục tiêu công tác phòng chống dịch vẫn là nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân khôi phục phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh trật tự an toàn xã hội, kiểm soát hiện quả dịch Covid-19. 

PV: Luật sư có thể trình bày tóm tắt một số nội dung chính của Nghị quyết 128 mà Chính phủ vừa ban hành? 

Tạm thời không áp dụng các quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ và các Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg, Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. 

Trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch trên quy mô toàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cao hơn các biện pháp tại Quy định này thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ.

Theo Nghị quyết 123 cấp độ dịch chia làm 4 cấp độ: 

  • Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.
  • Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.
  • Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam.
  • Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ. 

Theo Nghị quyết 128, địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để quy định về số lượng người tham gia, tỷ lệ tiêm vắc-xin để quy định giới hạn người tham gia. Các điều kiện về chuyên môn như vắc-xin, xét nghiệm do Bộ Y tế hướng dẫn. Tổ chức hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch.

Vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 sẽ phải dừng hoạt động hoặc hạn chế hoạt động có điều kiện ở vùng đỏ, vùng cam, vùng vàng giảm công suất, vùng xanh được hoạt động. 

Lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh đều được hoạt động ở 4 cấp độ. Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn hoạt động lưu thông vận chuyển hàng hóa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Đối với Người vận chuyển hàng bằng xe máy sử dụng công nghệ có đăng ký: Trong trường hợp cần thiết Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định về số lượng tham gia lưu thông trong cùng một thời điểm.

Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các dự án, công trình giao thông, xây dựng đều được hoạt động ở cả 4 cấp độ dịch. Song, phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ bao gồm trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối 

Nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống được hoạt động ở cả 4 cấp độ dịch trên cơ sở có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Riêng vùng đỏ phải hạn chế số lượng người bán mua cùng thời điểm. 

Hoạt động cơ quan, công sở giảm số lượng người làm việc, tăng cường làm việc trực tuyến ở vùng cam, đỏ, xanh, vùng vàng hoạt động bình thường. 

Đối với cá nhân dù ở vùng nào cũng phải tuân thủ quy định 5K, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định để khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng vắc xin. Sử dụng mã QR theo quy định của chính quyền và cơ quan y tế.

Đồng thời, việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau sẽ không hạn chế đối với vùng xanh, vùng vàng, vùng cam, không hạn chế nhưng phải tuân thủ điều kiện về tiêm chủng xét nghiệm. Riêng vùng đỏ bị hạn chế có điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

PV: Theo tinh thần chung của Nghị quyết thì việc lãnh chỉ đạo tổ chức thực hiện cần phải thống nhất xuyên suốt từ trung ương đến địa phương và các địa phương có thể áp dụng linh hoạt sáng tạo nhưng không được trái quy định. Tuy nhiên, trên thực tế mức độ phản ứng giữ các tỉnh thành đã có sự khác nhau, theo luật sư vấn đề này cần được thực hiện như thế nào để có thể đồng bộ trên cả nước? 

Tôi nghĩ về phía trung ương, cần đảm bảo tính nhất quán nội tại của chiến lược và chính sách. Bởi lẽ nếu không nhất quán nội tại thì khi triển khai chính sách, có khả năng Nghị quyết sẽ được hiểu theo nhiều cách khác nhau, và do vậy sẽ xảy ra trục trặc khi thực thi. 

Ví dụ, trong Nghị quyết 128 nêu “hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19”. Kinh nghiệm không chỉ từ Anh, Singapore mà rất nhiều nước khác cho thấy khi mở cửa thì số ca nhiễm sẽ tăng. Vì vậy, nếu không thống nhất việc hiểu Nghị quyết 128 theo hướng lấy ưu tiên bảo vệ sinh mạng (tức hạn chế ca nặng và tử vong) làm trọng tâm, thì khi địa phương thấy số ca nhiễm tăng nhiều (dù ca nặng và tử vong không đáng kể), họ sẽ lo sợ, lúng túng và có thể thắt chặt một cách cực đoan - Luật sư nói. 

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ ngành cấp trung ương là một yêu cầu đặc biệt quan trọng. Có thể thấy Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ cho tất cả bộ ngành trong thời gian tới. Họ đóng vai trò xây dựng chính sách hướng dẫn các địa phương thực hiện Nghị quyết 128.

Ví dụ, Bộ Y tế hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch; Bộ Công an kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với dữ liệu xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị; Bộ Giao thông vận tải xây dựng các hướng dẫn đi lại liên tỉnh… Nếu các bộ ngành này không có sự chia sẻ dữ liệu, phối hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn để có bức tranh đầy đủ nhất thì chính sách từ trung ương đến địa phương sẽ rất khó nhất quán. Đây cũng là những khúc mắc mà chúng ta gặp phải thời gian qua mà tôi kỳ vọng với Nghị quyết 128 sẽ có sự thay đổi.

Ở cấp độ địa phương, khi dịch bùng phát thì nhiều nơi lo lắng thái quá, thậm chí họ sợ bị bùng dịch nên tìm mọi cách che chắn, phòng thủ để dịch không thể xâm nhập.

Cuối cùng là cơ chế xử lý khi làm sai. Nếu anh làm sai mà không bị hề hấn gì cả thì anh cứ cố thủ, cứ tiếp tục chống dịch theo cách của mình.

Vậy nên trong Nghị quyết 128 có một điểm đáng chú ý đó là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống dịch, thực hiện mục tiêu kép. Đó chính là cơ chế khuyến khích vai trò lãnh đạo. Khi đó, với sự tham gia ý kiến của người dân, phản ánh của báo chí, tiếng nói từ giới chuyên môn… thì có thể biết địa phương nào làm tốt và nơi nào làm chưa tốt để xử lý phù hợp.

Cám ơn luật sư!.  

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo