Nghị định 93/2021/NĐ-CP: Quy định về cá nhân vận động từ thiện như thế nào?

(VOH) -  Chính phủ ban hành Nghị định mới để quy định chặt chẽ hơn về hoạt động từ thiện của cá nhân.

Sự kiện: Tư vấn pháp luật

Thời gian qua có nhiều cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội và nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ nhân dân. Cho thấy, cá nhân hoàn toàn có thể tự kêu gọi từ thiện và đây là hành động đẹp đáng được ghi nhận. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó có những vụ việc không hay xoay quanh vấn đề từ thiện này, nên cần thiết phải có một hành lang pháp lý mới điều chỉnh. 

Kể từ ngày 1/12 Nghị định số 93 về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo có hiệu lực thi hành. Đây là lần đầu tiên có quy định cụ thể chặt chẽ về hoạt động từ thiện của cá nhân. 

Luật sư Trần Văn Sỹ (Giảng viên học viện tư pháp) chia sẻ quan điểm của mình về Nghị định số 93: 

Nghị định 64/2008/NĐ-CP ra đời và đi vào đời sống được hơn 10 năm, đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các cấp và các quỹ xã hội, quỹ từ thiện phát huy vai trò của mình trong việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Tuy nhiên, Nghị định này đã bộc lộ những bất cập, chậm hơn so với cuộc sống. Mấy năm gần đây, các cá nhân đứng ra huy động đóng góp từ thiện đã khá phổ biến nhưng thiếu cơ sở pháp lý để điều chỉnh.

Nghị định 93/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, đã bổ sung các quy định về cá nhân làm từ thiện. Đây là điểm mới, khắc phục khoảng trống pháp lý, tránh dẫn tới những nghi vấn, tranh cãi như trong thời gian qua.

"Gần đây, có nhiều thông tin trên mạng xã hội, lùm xùm quanh việc hoạt động từ thiện của giới nghệ sĩ. Đó cũng là cơ sở để lực lượng chức năng quản lý giám sát hoạt động này, nâng cao hiệu quả" - Luật sư cho biết. 

Nghị định 93 là Nghị định đầu tiên mở ra hành lang pháp lý, vẫn cho phép cá nhân quy động tiền từ thiện nhưng sẽ ràng buộc quy định chặt chẽ hơn giúp cho hoạt động này công khai minh bạch hơn, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng. 

Nghị định 93 chính thức ghi nhận quyền được vận động quyên góp từ thiện của cá nhân. Điểm h khoản 1 Điều 2 của Nghị định quy định:

h) Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Trong đó có cá nhân có đủ hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tại dịch bệnh. 

Việc ghi nhận khuyến khích mọi cá nhân làm từ thiện cũng là một cách nhằm quy động nguồn lực cho công tác thiện nguyện trong khi ngân sách nhà nước có hạn. Mặc dù muộn nhưng sự ra đời của Nghị định 93 sẽ điều chỉnh những bất cập tồn tại bao lâu nay giảm thiểu những vướng mắc xảy ra trong thời gian qua. 

Bên cạnh đó, các quy định chặt chẽ sẽ bảo vệ người làm từ thiện chân chính, xây dựng niềm tin cho những nhà hảo tâm để hoạt động thiện nguyện mang đầy đủ giá trị nhân văn và trọn vẹn. 

Nguyên tắc chung là nhà nước khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp tự nguyện và tổ chức vận động đóng góp tự nguyện. Phát huy tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, nhanh chóng hỗ trợ người dân chịu thiệt hại bởi thiên tai dịch bệnh, sự cố…nhằm sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. 

Nghị định quy định cụ thể về cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước.

  • Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng để tiếp nhận tiền đóng góp theo từng cuộc vận động. 
  • Phối hợp với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện. 
  • Công khai kết quả tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trên phương tiện truyền thông. 

Khoản 4 Điều 14 Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định thời điểm công khai đóng góp tự nguyện như sau: 

a) Công khai văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện ngay sau khi ban hành; 

b) Công khai thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện trước từ 01 đến 03 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện;

c) Công khai kết quả vận động, tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp tự nguyện: Công khai tổng số tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thời gian tiếp nhận; công khai tổng số tiền, hiện vật đã phân phối, sử dụng chậm nhất sau 30 ngày kể từ khi kết thúc thời gian phân phối, sử dụng;

d) Công khai đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ ngay từ khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo