Doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh cần làm gì khi đến thời điểm bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử?

(VOH) - Theo Thông tư 78/2021/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành thì từ 1/7/2022 mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng hóa đơn và chứng từ bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử.

Sự kiện: Tư vấn pháp luật

Thông tư 78/2021/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 17/9/2021 có hiệu lực từ ngày 01/7/2022 về hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ quy định việc sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022 gồm các  điểm chính: 

Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử theo hướng dẫn tại Thông tư 78/2021/TT-BTC và của Nghị định 123/2020/NĐ-CP trước ngày 01/7/2022.

Đối tượng áp dụng Thông tư 78/2021/TT-BTC

1. Tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

c) Hộ, cá nhân kinh doanh, tổ hợp tác;

d) Đơn vị sự nghiệp công lập có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;

đ) Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh.

2. Tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ.

3. Tổ chức thu thuế, phí và lệ phí.

4. Người nộp thuế, phí và lệ phí.

5. Tổ chức có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.

6. Tổ chức nhận in hóa đơn, chứng từ; tổ chức cung cấp phần mềm tự in chứng từ; tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn, chứng từ điện tử.

7. Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế (bao gồm cả Chi cục Thuế khu vực).

8. Cơ quan hải quan bao gồm Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan.

9. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng hóa đơn và chứng từ.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử từ 1/7 bao gồm:

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải sử dụng hóa đơn điện tử.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.

Riêng đối với 9 nhóm đối tượng áp dụng Thông tư 78/2021/TT-BTC (trong bảng ở trên) nếu không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng, đồng thời cơ quan thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử.

Thời gian tối đa 12 tháng được tính một lần kể từ ngày 01/7/2022 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang hoạt động từ trước 01/7/2022; hoặc kể từ thời điểm đăng ký bắt đầu sử dụng hóa đơn đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới thành lập từ ngày 01/7/2022.

Tổng cục Thuế có trách nhiệm tận dụng mọi nguồn lực về cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin hiện có để triển khai thực hiện. Khuyến khích các tổ chức có năng lực tham gia cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế.

Tổng cục Thuế có trách nhiệm hướng dẫn quy trình hủy hóa đơn do Cục Thuế đặt in và xây dựng quy trình hướng dẫn việc quản lý, sử dụng biên lai thuế, phí, lệ phí tại cơ quan thuế các cấp.

Tổng cục Thuế có trách nhiệm công bố lộ trình, căn cứ lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế đảm bảo công khai minh bạch.

Doanh nghiệp tổ chức, hộ kinh doanh cần chuẩn bị gì?

Hóa đơn điện tử theo Nghị định 123 và Thông tư 78 có nhiều điểm mới, thay đổi căn bản nghiệp vụ xuất hóa đơn, gửi nhận dữ liệu hóa đơn của doanh nghiệp, do đó doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh cần có những bước chuẩn bị trước khi cơ quan thuế triển khai chính thức.

Người bán hàng, cung cấp dịch vụ là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được ủy nhiệm cho bên thứ 3 (là bên có quan hệ liên kết với người bán, đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử, không thuộc trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử) để lập hóa đơn điện tử.

Hóa đơn điện tử ủy nhiệm phải có tên, địa chỉ, mã số thuế của bên ủy nhiệm và tên, địa chỉ, mã số thuế của bên nhận ủy nhiệm.

Các doanh nghiệp tổ chức, hộ kinh doanh… cần liên hệ với các Tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử và giải pháp truyền nhận, lưu trữ hóa đơn điện tử với Tổng cục Thuế có đáp ứng điệu kiện và được Tổng cục Thuế thẩm định, ký hợp đồng cung cấp dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện triển khai, nâng cấp phần mềm theo đúng chuẩn quy định.

Hộ, cá nhân kinh doanh có thể tạo thêm biểu trưng hay logo để thể hiện thương hiệu, nhãn hiệu hay hình ảnh đại diện của người bán vào nội dung hóa đơn điện tử.

...

Ký hiệu mẫu số hóa đơn điện tử là ký tự có một chữ số tự nhiên là 1, 2, 3, 4, 5, 6 thể hiện loại hóa đơn điện tử như sau:

- Số 1: Hóa đơn điện tử giá trị gia tăng;

- Số 2: Hóa đơn điện tử bán hàng;

- Số 3: Hóa đơn điện tử bán tài sản công;

- Số 4: Hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia;

- Số 5: Tem điện tử, vé điện tử, thẻ điện tử, phiếu thu điện tử, các chứng từ điện tử có tên gọi khác nhưng có nội dung của hóa đơn điện tử;

- Số 6: Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý điện tử.

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> Hộ Kinh Doanh Doanh Thu Bao Nhiêu Được Miễn Đóng Thuế?

>>>> Doanh Nghiệp Không Hưởng Tết Hoặc Thưởng Bằng Hàng Hóa Doanh Nghiệp Sản Xuất Có Vi Phạm Không?

>>>> Thủ Tục Cho Người Nước Ngoài Thuê Nhà Như Thế Nào?

>>>> Các Loại Thuế, Phí Phải Đóng Khi Mua Đất ?

>>>> Tặng, Cho Nhà Người Thân, Có Phải Đóng Thuế ?

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo