Bị tai nạn lao động do người làm chung gây ra, ai bồi thường?

(VOH) - Trường hợp công nhân bị tai nạn do công nhân khác làm chung gậy ra trong lúc lao động thì ai bồi thường? Người sử dụng lao động hay công nhân làm chung?

Một bạn đọc có gửi thư hỏi với nội dung như sau:

Chị tôi đang làm công nhân tại một doanh nghiệp tư nhân được hơn tháng. Do mới vào làm nên chưa hoàn tất thủ tục ký hợp đồng làm việc, nhưng vừa qua thì chị tôi bị tai nạn lao động do lỗi của người công nhân làm chung, làm cho chị tôi bị gãy chân phải nhập viện. Xin hỏi chị tôi có được chế độ đền bù gì khi bị tai nạn lao động hay không? Chủ doanh nghiệp hay người làm chung đền bù? Chủ doanh nghiệp có yêu cầu công việc này phải do hai người cùng làm.

Luật sư Vũ Mạnh Hòa tư vấn:

Theo Khoản 2 Điều 70 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015: “Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với người học nghề, tập nghề, thử việc như đối với người lao động tại Luật này, kể cả trường hợp bị tai nạn lao động.”.

Do đó, mặc dù chị bạn đang trong thời gian thử việc (chưa ký Hợp đồng lao động) vẫn được doanh nghiệp bồi thường cụ thể tại Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015.

Khi bị tai nạn lao động thì người lao động hưởng các quyền lợi như sau:

- Về phần chi phí cứu chữa, sẽ do bảo hiểm y tế và người sử dụng lao động đồng chi trả theo quy định tại Điều 144 Bộ luật lao động năm 2012.

- Trong thời gian phải nghỉ việc để điều trị thì người lao động vẫn được hưởng nguyên lương.

- Người lao động sẽ được người sử dụng lao động bồi thường theo quy định tương ứng vào tỷ lệ thương tật của mình theo quy định tại Điều 145 Bộ luật lao động năm 2012.

Theo đó, khi bi tai nạn lao động dù là do lỗi của người lao động thì người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho họ. Đối với người lao động gây ra tai nạn thì sẽ xem xét yếu tố lỗi và mức độ gây thiệt hại để yêu cầu bồi hoàn lại cho công ty.

Trường hợp chị bạn tham gia bảo hiểm tai nạn lao động sẽ được hưởng trợ cấp tai nạn lao động từ cơ quan bảo hiểm xã hội nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 45 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015.

Như vậy, trước mắt việc bồi thường sẽ do người sử dụng lao động thực hiện và sau đó sẽ xem xét mức độ lỗi của người lao động làm chung với chị bạn để bồi hoàn lại cho người sử dụng lao động.

Theo câu hỏi của bạn thì việc bồi thường và mức độ bồi thường sẽ căn cứ các điều khoản trên để thực hiện việc bồi thường theo qui định của pháp luật.

Cảm ơn luật sư.

 

Bộ luật Lao động năm 2012:

Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.

Điều 145. Quyền của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

2. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động chưa đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội, thì được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên.

3. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên thì được người sử dụng lao động bồi thường với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.

4. Trường hợp do lỗi của người lao động thì người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 3 Điều này.

>>>> Độc giả có nhu cầu tư vấn xin tham khảo thêm tại tư vấn pháp luật 

>>>> Nghị Định Mới Về Mức Lương Cơ Sở Từ Ngày 1/7/2019

>>>> Tính Lương Cho Các Ngày Làm Thêm, Ngày Nghỉ Như Thế Nào?

>>>> Bị Tai Nạn Lao Động Mà Không Được Đền Bù, Phải Làm Sao ?

>>>> Công Ty Không Tổ Chức Khám Sức Khỏe Cho Người Lao Động Có Vi Phạm Luật Hay Không?

Bảo Trung (tuvanonline.voh@gmail.com)

Bình luận

Đọc Báo