Quốc hội thảo luận dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) - Thời sự 17g00 16/11/2020

(VOH) - Chiều nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nhiều đại biểu đã nêu các ý kiến khác nhau về việc có nên tách luật này hay không? 

Ở nhóm ủng hộ, đại biểu Dương Xuân Hòa, đoàn Lạng Sơn cho rằng việc tách luật đã được Chính phủ thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng. Đặc biệt, sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các chuyên gia và Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp, Thủ tướng cũng đồng ý với việc này:

"Việc ban hành luật đảm bảo giao thông đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng… phù hợp với tình hình mới nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông."

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc cho rằng việc tách luật là cần thiết, tuy nhiên việc xây dựng hai luật này phải nghiên cứu kỹ, đảm bảo sự đồng bộ về nguyên tắc:

" Việc tách quy định về quy tắc giao thông đường bộ, về phương tiện giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ để xây dựng Luật đảm bảo trật tự, an toàn giao thông nội bộ như Chính phủ trình thì tôi cơ bản đồng tình nhưng còn băn khoăn khi tách thành hai luật thì tổ chức bộ máy và biên chế có phát sinh tăng không? Việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và phương tiện máy móc, trang thiết bị phục vụ cho chuyên môn được sử dụng như thế nào, nhất là bộ phận sát hạch, cấp phép lái xe, bộ phận an toàn giao thông."

Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Quốc Hận đoàn Cà Mau cho rằng, phạm trù giao thông là một chỉnh thể thống nhất, có quan hệ biện chứng với nhau, không thể tách rời đó là cơ sở hạ tầng giao thông, quy tắc giao thông, phương tiện giao thông và người tham gia giao thông. Hơn nữa, việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông là một mục tiêu mà chúng ta hướng đến chứ không phải là đối tượng cần có luật điều chỉnh:

"Luật của chúng ta liên quan đến việc triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện của nhiều bộ, ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực là một thực tế khách quan nên không thể chỉ vì phạm vi thực hiện của hai bộ, hai lĩnh vực thì phải tách ra hai luật. Nếu thế thì chúng ta phải tách ra nhiều lực nữa để tách bạch giữa các bộ, ngành và lĩnh vực. Từ các lý do trên, tôi kiến nghị xin ý kiến Quốc hội về việc tách hai luật này."

Trước ý kiến cho rằng chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn tồn tại là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông nên cần phải chuyển sang Bộ công an, Đại biểu Nguyễn Việt Nga, đoàn Hải Dương bày tỏ quan điểm không ủng hộ:

"Việc thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, tính toán cụ thể các tác động về chi phí phát sinh, tránh lãng phí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là cần tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, tập trung đầu tư, từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông trong công tác quản lý, cấp giấy phép lái xe, làm tốt khâu triển khai thi hành luật, nâng cao ý thức pháp luật của người tham gia giao thông, nâng cao trách nhiệm của cá nhân thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe chứ chưa phải là việc chúng ta tính toán đến việc thay đổi cơ quan quản lý công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe."

Trước đó, đầu phiên làm việc buổi chiều, với tỷ lệ 100% các đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Theo đó,  Luật gồm 8 chương, 69 điều; so với Luật hiện hành có 15 điều mới, sửa đổi, bổ sung 47 điều, giữ nguyên 7 điều. Luật được thông qua sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về phòng, chống ma túy và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy.

Ngọc Ánh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo