Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước (kỳ cuối) - Thời sự 05g30 19/05/2019

(VOH) - Hôm nay cũng là kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019).

Ngày 19/5/1959, Bác Hồ quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam và các nước bạn với đơn vị đầu tiên là Đoàn 559 (sau này là Binh đoàn Trường Sơn). Điểm xuất phát tại thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) được đánh dấu bằng cột mốc số 0. Từ đây, qua nhiều năm, tuyến đường bộ Trường Sơn được xây dựng nối đến tận Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước bây giờ), là tuyến mạch máu cung cấp hậu cần, góp phần giúp quân, dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước," "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược," Bộ đội Trường Sơn từ một đơn vị nhỏ đã trưởng thành nhanh chóng, bao gồm nhiều lực lượng, trở thành một hướng chiến trường tổng hợp, lực lượng hiệp đồng binh chủng trên quy mô lớn "Ðánh địch mà đi, mở đường mà tiến". Suốt 16 năm (1959-1975), bộ đội Trường Sơn đã cùng quân, dân các chiến trường từng bước xây dựng con đường thành một lưới giao thông liên hoàn, vững chắc xuyên qua 21 tỉnh trên lãnh thổ 3 nước, tổ chức vận chuyển hơn 2 triệu quân vào, ra chiến trường, hàng triệu tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, đạn dược, xăng dầu chi viện cho miền Nam.

Năm tháng trôi qua, nhưng quyết định mở đường Trường Sơn là một quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược của Đảng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Trong bài viết nhân kỷ niệm 45 năm truyền thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 – 19/5/2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng”. Do đó, trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay, những bài học đúc kết từ quá trình xây dựng, phát triển đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh cần được chắt lọc, vận dụng sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng đất nước mạnh giàu, dân chủ, công bằng, văn minh, vươn lên sánh vai các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

Với phương châm “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”, suốt 16 năm bền bỉ, bộ đội công binh Trường Sơn đã làm nên hệ thống giao thông vĩ đại dài gần 20.000 km, xuyên 3 nước Đông Dương. Để xây dựng và duy trì con đường Trường Sơn, trên 20 ngàn bộ đội đã hy sinh, hơn 32 ngàn người bị thương và hàng chục ngàn người bị phơi nhiễm chất độc da cam. Sau này, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ đã gọi đường Trường Sơn là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20”. Tuyến chi viện đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh là một sáng tạo chiến lược tài tình, chứng minh sức mạnh nội lực, ý chí “quyết chiến, quyết thắng” của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam. Đây là con đường của lòng người, là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh tổng hợp vô địch của chiến tranh nhân dân, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Trong Chương trình Thời sự sáng qua, chúng tôi đã giới thiệu đến quý vị kỳ 4 của Phóng sự “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, nhan đề “Để ngọn lửa tri ân muôn đời vẫn cháy”. Tiếp tục nội dung này, trong chương trình sáng nay, chúng tôi sẽ chuyển đến quý vị kỳ cuối của phóng sự với nội dung cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Phan Khắc Hy – nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn về vai trò, ý nghĩa chiến lược của đường Trường Sơn huyền thoại đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

VOH: Trước tiên xin cám ơn Thiếu tướng Phan Khắc Hy đã dành cho Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VOH) cuộc phỏng vấn này. Thưa ông, xin ông cho biết bối cảnh nào đã dẫn đến sự ra đời của đường Trường Sơn và Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn?

Thiếu tướng Phan Khắc Hy: Sau khi ta chiến thắng Điện Biên Phủ, Pháp đã ký với ta Hiệp định Giơ-ne-vơ, rút quân về nước. Nước ta tạm thời chia làm 2 miền và sau 2 năm sẽ tiến hành tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Ta thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định đó, nhưng đế quốc Mỹ dựng lên tay sai Ngô Đình Diệm tiến hành một cuộc tàn sát cách mạng miền Nam. Trước tình cảnh đó, Trung ương quyết định đường lối cách mạng miền Nam phải là đường lối cách mạng bạo lực và tiến hành cuộc kháng chiến giành thắng lợi, giải phóng miền Nam. Từ đó Trung ương mới có nghị quyết mở đường Trường Sơn để chi viện cho cách mạng miền Nam. Con đường đó lúc đầu chỉ là đi bộ, gùi thồ, nhưng để giải phóng miền Nam thì sự chi viện phải lớn hơn, không thể đi bộ được mà phải cơ giới hóa. Mà đã cơ giới hóa thì địch sẽ chống phá. Khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có chủ trương “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, đòi hỏi một cuộc phát triển lực lượng trên đường Trường Sơn ở quy mô và tầm vóc hoàn toàn khác trước. Và khi đế quốc Mỹ phát hiện ra đường Trường Sơn là nguồn sức mạnh, là mạch máu nuôi sống cách mạng miền Nam thì chúng tiến hành một cuộc chiến tranh ngăn chặn, tập trung không quân tối đa với hàng triệu tấn bom đạn dồn lên đánh phá đường Trường Sơn. Vì thế nơi này trở thành chiến trường trọng yếu của cuộc chiến tranh ngăn chặn khốc liệt của Mỹ với trang bị kỹ thuật hiện đại nhất để chống lại quân dân Trường Sơn.

VOH: Hai từ “huyền thoại” mà giới quân sự dành cho đường Trường Sơn thể hiện qua yếu tố nào, đặc điểm gì thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Phan Khắc Hy: Đường Trường Sơn trở thành huyền thoại chính là vì nó đã vượt qua được sức bom đạn lớn nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh, không chỉ trong chiến tranh Việt Nam mà còn so với trong chiến tranh thế giới. Đã có 4 triệu tấn bom đạn trút xuống Trường Sơn. Các binh khí, vũ khí, phương tiện hiện đại nhất như bom laze, bom từ trường, chiến tranh điện tử, chiến tranh khí tượng… đủ các loại đã được chúng tung vào chiến trường này. Tôi vào Trường Sơn đi thị sát là bị dính ngay bom từ trường, vì đó là loại cải tiến, mới hoàn toàn mà anh em chưa phát hiện được. Cho nên có thể nói trên chiến trường Trường Sơn, Mỹ đã đưa hết sức mạnh kỹ thuật quân sự của mình lúc bất giờ. Cái “huyền thoại” chính là một dân tộc nhỏ, trình độ kỹ thuật quân sự còn thấp kém đối đầu với một đế quốc đầu sỏ mà ta vẫn trụ vững trước sự tàn bạo đó, tiến lên giành thắng lợi.

VOH: Ở Trường Sơn, có thời điểm nào ta thắng giặc không khó bằng chiến thắng chính mình không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Phan Khắc Hy: Đây là câu hỏi rất ý nghĩa. Anh em bộ đội chúng tôi đã tổng kết được mấy cái chết trên đường Trường Sơn. Chết vì địch thì có bom phá, bom nổ chậm, bom bi, bom vướng nổ, mìn vướng nổ, bom laze... Rồi đương đầu với thời tiết, nắng thì không có nước, mà mưa thì lũ tràn rất nhanh. Tôi đã bị một lần suýt chết, khi đi qua một con suối thì trời đổ mưa, người đầu qua được nhưng người cuối bị nước lũ cuốn trôi mất. Hay chết vì thú dữ, chết vì sốt rét ác tính hay chết vì đói khi đường tắc, không còn lương thực để ăn…

VOH: Giữa lúc ác liệt nhất, thử thách khắc nghiệt, thậm chí có thể đánh đổi sinh mạng như ông vừa chia sẻ, vậy điều gì có thể khiến Bộ đội Trường Sơn đeo bám chiến trường, hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu?

Thiếu tướng Phan Khắc Hy: Có lẽ cái khẳng định nhất chính là tinh thần yêu nước. Đó cũng là truyền thống sâu sắc ngàn đời của dân tộc Việt Nam, chúng ta đã chống biết bao quân xâm lực, đó là tinh thần quật cường để giữ vững nền độc lập. Lúc đó các phong trào sôi nổi lắm, như thanh niên thì lên đường tòng quân, phụ nữ thì “3 sẵn sàng” để đảm bảo hậu phương … Sức trẻ của Việt Nam với tinh thần yêu nước đã trở thành sức mạnh vô địch của huyền thoại Trường Sơn.

VOH:  Xin ông chia sẻ quan điềm của mình về nhận định: Cung đường Trường Sơn được xem có tính bước ngoặt, quyết định cho thắng lợi cuối cùng thống nhất đất nước của chiến dịch Hồ Chí Minh?

Thiếu tướng Phan Khắc Hy: Vai trò quyết định của đường Trường Sơn, theo tôi có mấy vấn đề lớn. Một là đưa sức mạnh của miền Bắc chi viện cho miền Nam. Trong mười mấy năm đó, đã đưa vào miền Nam hơn 1 triệu 30 vạn tấn vật chất, vũ khí; đưa hàng chục vạn quân bổ sung cho lực lượng tại miền Nam; đưa hàng vạn cán bộ khoa học, kỹ thuật, quân sự vào làm nòng cốt để xây dựng lực lượng tại chỗ của miền Nam. Miền Nam phát triển được các quân đoàn, binh đoàn là nhờ lực lượng bổ sung từ miền Bắc vào. Hai là nó còn tạo căn cứ địa cho các binh đoàn chủ lực có nơi tập kết và từ đó xuất phát tấn công. Nó còn tạo ra các lực lượng dự bị chiến lược, đó là 12 vạn quân của đường Trường Sơn được rải ra trên hệ thống đó, cùng hệ thống kho tàng, trạm xưởng, hệ thống thông tin chỉ huy được bố trí sẵn tạo thành một căn cứ địa chiến lược, là nơi xuất phát tiến công của các binh đoàn chủ lực trong các chiến dịch.

VOH: Sống và chứng kiến những đổi thay của đất nước, Thiếu tướng nghĩ gì về những đồng đội đã nằm lại chiến trường? Ông có nhắn gửi gì với thế hệ hôm nay về trách nhiệm, về nhận thức qua biểu tượng sừng sững từ  “Trường Sơn huyền thoại” ?    

Thiếu tướng Phan Khắc Hy: Hằng năm cứ mỗi dịp kỷ niệm thì trong tâm khảm của những người lính Trường Sơn luôn nhớ về đồng đội, nhớ về những năm tháng sống chết có nhau để cùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Cho nên có thể nói ký ức sâu đậm của chúng tôi những ngày này đó là thương nhớ đồng đội, và cũng từ đó suy nghĩ làm sao để con em mình sau này vẫn nhớ đến công lao của cha ông ngày trước đã hy sinh xương máu để giành lại độc lập, thống nhất của Tổ quốc.  Đất nước ta có dãy Trường Sơn hùng vĩ, dãy Trường Sơn này là điểm tựa muôn đời của ta. Nơi đây cũng là truyền thống sẽ lan mãi trong thanh niên và đồng bào ta. Hiện nay mười mấy tỉnh thành Đông Trường Sơn đã làm các bia di tích, mỗi bia di tích có ghi công lao và đặc điểm chiến đấu ở nơi đó. Hệ thống bia đó chính là di tích đặc biệt của quốc gia, và sẽ là trường học cho thanh niên sau này.

VOH: Xin cám ơn Thiếu tướng và chúc Thiếu tướng luôn dồi dào sức khỏe! 

Huỳnh Sang – Quỳnh Anh

Bình luận

Đọc Báo