Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước (kỳ 4) - Thời sự 05g30 18/05/2019

Trong hành trình tiếp bước của lòng tri ân, nhóm phóng viên VOH đã bắt gặp rất nhiều câu chuyện đầy cảm động, thắm đượm tình đồng đội và trên hết là tấm lòng tri ân người đã ngã xuống.

Để ngọn lửa tri ân muôn đời vẫn cháy

Không toan tính thiệt hơn bởi với họ, những gì các anh đã làm vì đất nước đã là một sự vô cùng! Trong kỳ 4 của phóng sự “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với nhan đề: “Để ngọn lửa tri ân muôn đời vẫn cháy”, mời quý vị cùng chúng tôi tìm hiểu về công việc lặng thầm nhưng đầy ý nghĩa của những người đã gắn bó một phần đời mình để giữ gìn sự tôn nghiêm, ấm áp cho các anh hùng liệt sĩ ngã xuống trên mảnh đất này. 

Đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, hỏi thăm chuyện về những người giữ gìn, chăm lo các ngôi mộ liệt sĩ, sẽ được nhắc ngay đến câu chuyện của hai mẹ con cùng gắn bó với công việc này. Người mẹ là bộ đội Trường Sơn trở về canh giấc ngủ cho đồng đội mình, còn người con được sinh ra, lớn lên, theo chân mẹ vào nghĩa trang từ nhỏ, đã tình nguyện thay mẹ tiếp tục công việc chăm sóc cho các chú, các bác như một sự tri ân. Theo chỉ dẫn, tôi rảo bước giữa hai hàng cây xanh mát dẫn đến một quả đồi có ghi khu mộ liệt sĩ Thái Nguyên – Cao Bằng. Tìm mãi không thấy người đâu, không gian im ắng quá, hàng ngàn ngôi mộ lặng im, tôi rùng mình định trở xuống đồi, thì chợt nhận ra bóng ai thấp thoáng xa xa, phía sau phần mộ. Nghe tiếng gọi, cái dáng ấy ngước lên, khăn che kín mặt, tay huơ huơ nắm cỏ dại. Thì ra bà đang nhổ cổ chân mộ.

Bà Đoàn Thị Hồng, là bộ đội Sư đoàn 470, Binh đoàn Trường Sơn, về nhận nhiệm vụ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn từ năm 1981. Đến năm 2015, bà đến tuổi hưu, cũng là lúc đứa con gái của bà tiếp tục công việc của mẹ. Nhưng, ở nhà rồi làm gì, lại thấy nhớ quá cái công việc của mình, không biết con gái chăm sóc các mộ phần các anh có chu đáo, bà lại xin vào để phụ giúp con, vừa được quay trở lại với cái nghĩa tình đồng đội. Trong ký ức những ngày đầu tiên, cỏ dại quấn chặt các tấm bia mộ, sức một người không tài nào cắt, kéo hết mớ dây leo, mấy chị em nhân viên phải rủ nhau buổi chiều lên cắt cỏ, rồi đợi cỏ héo buổi sáng hôm sau mới thu hết đám cỏ.

“Mình có tâm nguyện là được chăm sóc các chú, vì đây cũng là đồng đội đồng chí của mình. Mình ở Sư đoàn 470, Binh đoàn Trường Sơn, năm 1975. Ở đây, có các bác các chú đi trước mình nhiều thế hệ, còn mình là thế hệ sau. Mình về đây là để chăm sóc, quét dọn cho mộ các bác được sạch sẽ, đó là cái tâm của mình. Thứ hai, mình làm việc cũng là muốn giúp cho con mình, cho con tiếp bước công việc của mẹ. Mình cũng muốn tạo điều kiện cho hắn biết hắn từng trải, biết được gian lao của các bác, của mẹ nữa chứ.”

Bà Hồng chỉ tay về phía cuối khu đồi, nơi phát ra âm thanh tiếng chổi quét lẹt xẹt, người con gái dáng nhỏ nhắn lọt thỏm giữa những hàng mộ. Nghe tiếng mẹ gọi, em quay lại, gương mặt thanh tú, mồ hôi nhễ nhại. Nguyễn Thị Huyền Thương, là tên em, vừa tròn 30 tuổi, tốt nghiệp trung cấp du lịch, có 5 năm làm công việc chăm sóc, quét dọn tại đây. Từ nhỏ, Thương đã theo chân mẹ vào nghĩa trang, phụ mẹ làm những việc lặt vặt như nhặt lá, nhổ cỏ… nên em thuộc lòng từng khu đồi, được cảm nhận, chứng kiến từng cảm xúc, tình cảm, sự linh thiêng của nơi này. Huyền Thương bẽn lẽn lắm, nói công việc của em “bình thường rứa thôi”. Hàng ngày, em quét dọn cho sạch các lối đi giữa các hàng mộ, gom lá cây, nhánh cây rơi rụng, nhổ cỏ chân hương, thay cát bình hoa, thay bình bị gió làm rớt bể, thay hoa… Có đoàn tới thì kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn họ thắp nhang, tìm mộ. Huyền Thương kể, cô phụ trách khu vực mộ liệt sĩ tổng cộng 14 tỉnh thành, đa số là ở phía Bắc, gần 1.800 ngôi mộ. Khoảng cách địa lý xa xôi, thân nhân ít đến thăm, nên cô thương lắm các bác, càng thôi thúc mình phải làm việc tốt hơn.

“Một phần em lớn lên từ nhỏ ở đây. Vì em thấy các bác ở đây cũng tội, vì ít khi có thân nhân liệt sĩ vào, em ở đây từ nhỏ nên em cảm nhận được, nên sau khi ra trường là em xin về đây luôn. Với lại, ở đây công việc nặng nhọc thật, lương cũng thấp nhưng cũng vì cái tâm của mình, nên em cũng xin vào nghiệp của mẹ luôn. Em nghĩ, thời xưa các anh hùng đã hy sinh cho mình, giờ lớp trẻ mình lớn lên mình phải chăm sóc, đề đáp công ơn lại.”

 

Công việc quét dọn, chăm sóc các mộ phần các anh… cứ diễn ra lặng lẽ, từ ngày này qua ngày khác. Bà Hồng tâm sự, mỗi khi các đoàn đến viếng, mỗi khi người thân của các anh đến thăm, thắp hương, thấy họ yên tâm với mộ phần sạch sẽ, được chăm sóc chu đáo… là bà cảm thấy vui, cảm thấy công việc của mình ý nghĩa. Có những thân nhân ở xa tận ngoài Bắc, họ gửi gắm bà trông nom, chăm sóc, hay những dịp giỗ liệt sĩ, người thân không có điều kiện vào nghĩa trang để thắp nhang, họ cũng gọi nhờ bà một tiếng. Vậy là, bà lại thay họ, tỉ mẩn chuẩn bị nhang đèn, mâm cúng, như chính người thân của mình. Tôi hỏi bà, vậy đến lúc con gái làm việc quen tay, chắc bà sẽ nghỉ? Bà cười, chưa đâu, vẫn muốn làm, đến khi nào yếu quá thì thôi, mình còn sống đến ngày hôm nay – là đã hơn các bác các chú rồi!  

Sau vài phút gặp gỡ dưới tán cây, họ lại quay trở lại với công việc thường ngày của mình. Họ âm thầm quét dọn nghĩa trang, chăm chút cho nơi an nghỉ của các anh được sạch sẽ, ấm cúng. Hình ảnh họ lọt thỏm giữa hàng ngàn phần mộ, chúng tôi thấy họ quá bé nhỏ giữa không gian bao la vô tận linh thiêng đất trời, lặng lẽ ngày đêm để canh giấc ngủ liệt sĩ, sao thấy quá phi thường.

Và chúng tôi vẫn nhớ mãi không nguôi hình ảnh của nhân viên trẻ Đinh Thị Lý. Đinh Thị Lý gắn bó với công việc chăm sóc phần mộ liệt sĩ và những việc thầm lặng tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, nơi mà trước đây bố của chị cũng đã gắn bó hơn 20 năm sau khi trở về từ chiến trường Trường Sơn cho đến khi nghỉ hưu. Sinh ra trong thời bình, được học hành đàng hoàng, được đọc nhiều tư liệu, tài liệu về Trường Sơn, hơn ai hết người con gái của cựu chiến binh Trường Sơn Đinh Thị Lý đã cảm nhận được sự hy sinh lớn lao vô cùng của  các anh hùng liệt sĩ, những người đã nằm lại mảnh đất thân yêu này. Vì lẽ đó, khi tốt nghiệp ra trường, Đinh Thị Lý quyết định tiếp bước công việc mà bố mình đã làm. Trong suốt 10 năm qua càng làm việc, chị càng tỏ ra yêu thích công việc của mình. Mỗi khi hỗ trợ được thân nhân tìm được thông tin của các liệt sĩ, hay tự tay cắm một đóa hoa, thắp một nén nhang lên mộ phần các liệt sĩ, bản thân chị luôn cảm thấy tự hào, ấm áp và đêm về cảm thấy ngon giấc hơn.

Bằng tâm huyết của mình không đòi hỏi gì hết, làm từ tình cảm của mình cho các chú yên nghỉ ở đây. Sự hy sinh của các liệt sĩ rất lớn. Chúng em nổ lực làm hết mình cung cấp thông tin cho các thân nhân đầy đủ, vì ở đây nhiều liệt sĩ chưa biết tên. Chúng em không nề hà gì làm việc hết mình.”

Do số mộ phần khá nhiều và hàng năm tiếp tục được quy tập về thêm, trong khi số nhân viên ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 vỏn vẹn chỉ 15 người cho tất cả các bộ phận nên áp lực công việc khá lớn. Nhưng tất cả khó khăn đều được chị Lý và những người đồng  nghiệp của mình vượt qua, chỉ với mong muốn đóng góp một phần công sức của mình để các liệt sĩ yên nghỉ được ấm áp hơn.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được Hội Cựu chiến binh đặt lên hàng đầu, thể hiện qua sự kết nối, liên lạc với các cựu chiến binh là bộ đội Trường Sơn. Câu lạc bộ Bộ đội Trường Sơn lúc đầu được thành lập ở huyện Hướng Hóa, nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô tham gia tiếp lương tải đạn làm nhiệm vụ trên đường 559. Sau này vào năm 1997, tỉnh có quyết định thành lập chính thức Câu lạc bộ Bộ đội Trường Sơn.

Ông Trần Hữu Đức, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Tỉnh Quảng Trị nói: “Toàn tỉnh hiện nay có 1979 hội viên đang sinh hoạt ở 32 hội cơ sở. Hằng năm cứ vào dịp kỷ niệm mở đường Trường Sơn – Hồ Chí Minh, ban liên lạc Hội cựu chiến binh Trường Sơn tổ chức gặp mặt, quyên góp cho những hoàn cảnh khó khăn, xây dựng nhà tình đồng đội. Mỗi dịp vậy, Hội cựu chiến binh tỉnh cũng động viên anh em làm tốt nhiệm vụ thành viên trong Hội cựu chiến binh Trường Sơn nói riêng cũng như làm tốt nhiệm vụ của Hội viên Hội Cựu chiến binh Việt Nam nói chung.”

Công tác đền ơn đáp nghĩa là truyền thống cao đẹp, nhân văn của dân tộc ta. Hằng ngày trôi qua, chúng ta vô cùng trân quý những việc làm âm thầm, lặng lẽ nhưng luôn mang đầy ý nghĩa nhân văn của mẹ con bà Hồng, chị Đinh Thị Lý, và còn rất nhiều những câu chuyện lặng thầm mà cao cả chúng tôi chưa thể kể hết. Hành trình tiếp lửa truyền thống luôn được thế hệ sau thắp sáng ngọn lửa của lòng tri ân với dấu son tự hào về lịch sử đất nước, về sự hy sinh của lớp người đi trước để có ngày đất nước độc lập, thống nhất hôm nay. Và truyền thống ấy phải được giữ gìn, mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam.

Nhất Hương - Thùy Linh - Ngọc Phong

Quý vị vừa theo dõi kỳ 4 của phóng sự “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với nhan đề: “Để ngọn lửa tri ân muôn đời vẫn cháy”, do nhóm phóng viên Thời sự VOH thực hiện.

Đường Trường Sơn sau này được Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ gọi là “một trong những thành tựu vĩ đại của nền kỹ thuật quân sự ở thế kỷ 20”.

Trong kỳ cuối của phóng sự “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, chúng tôi xin gửi đến quý vị cuộc phỏng vấn giữa phóng viên VOH với Thiếu tướng Phan Khắc Hy – nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn về vai trò, ý nghĩa chiến lược của đường Trường Sơn huyền thoại đối với công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

VOH

Bình luận

Đọc Báo