Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước (Kỳ 3) - Thời sự 05g30 17/05/2019

(VOH) - Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn – nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ anh dũng hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kì chống Mỹ cứu nước.

Tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, cách trung tâm thành phố Đông Hà khoảng 38km về phía Tây Bắc, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn – nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ anh dũng hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Bất khuất, tự hào – một biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước và ý chí kiên trung của bao lớp cha anh đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Nhóm phóng viên VOH tiếp tục hành trình trong phóng sự: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với kỳ 3 nhan đề: “Từ Đường 9 Nam Lào đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn huyền thoại”.

nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Trường Sơn, Thời sự 05g30, nghe thời sự VOH

 Bà Đặng Thị Sửu nghẹn ngào xúc động nghẹn ngào khi bất ngờ tìm được người thân của mình trong lần đầu tiên đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường SơnẢnh: Nhất Hương

"Tình cảm đồng đội sâu nặng bởi vì những người còn nằm trên đất này là đồng đội tôi, tôi còn sống còn về được có vợ con nhưng những người bạn tôi thì mãi mãi nằm lại, họ chịu quá nhiều thiệt thòi. Vào đây thì lòng tôi quá xao xuyến, bồi hồi, tôi thắp nén hương cho bạn…"

Hòa trong dòng người vào viếng các anh, người cựu chiến binh già ấy lặng lẽ đứng chờ, ông lê từng bước chân khó nhọc lên bậc tam cấp, đến dâng hương trước đền tưởng niệm khu trung tâm. Tay run run, ông lấy từ túi áo ra một tờ giấy ố vàng, lặng lẽ đọc lên những dòng thơ mộc mạc, chân phương do chính ông viết vội. Ấp ủ nhiều năm để được một lần trở về chiến trường, thăm lại nơi yên nghỉ của những người bạn chiến đấu năm xưa, nhưng vì tuổi già sức yếu nên mãi khi bước sang tuổi 80 này, ông Phạm Văn Lai ở Hà Tĩnh mới thực hiện được ước mơ của mình. Và với ông đây có lẽ là tâm nguyện cuối cùng mà ông muốn thực hiện trước khi sức khỏe không còn cho phép. Những giọt nước mắt nghĩa tình của người chiến sĩ Phạm Văn Lai năm xưa trong lần trở lại vùng đất Quảng Trị lần này như một lời tri ân của người cựu chiến binh với đồng đội, những người đã góp phần viết nên trang sử hào hùng của một dân tộc anh hùng trong cuộc chiến tranh khốc liệt ngày ấy. Những dòng thơ bỗng chốc tuôn trào từ giọng run run của ông:

"Mình về bạn ở đất này,

Sống chung tình bạn chiến đấu hàng ngày,

Nắm cơm manh áo dạn dày,

Nhớ ngày nước suối rau rừng sẻ chia,

Nhớ ngày nắng cháy mưa rừng,

Nhớ pháo Cửa Việt bắn bừng cầm canh,

Đông Hà dốc Miếu Khe Sanh,

Cồn Tiên Cam Lộ Đồi Xanh thuở nào,

Bạn ơi nằm nghỉ đồi cao,

Hay lòng khe suối trận nào ở đây,

Nhớ trong tình bạn cho khuây,

Mấy lời gợi lại lòng đầy nhớ nhung…"

“Cậu Thìn ở đây này, cậu Thìn nằm ở đây này, tìm thấy cậu rồi các bác ơi” – tiếng gọi nghẹn giọng của bà Đặng Thị Sửu, kèm theo đó là tiếng reo xúc động của nhiều người đi cùng chạy hớt hải về phía bà, đã khiến cho buổi sáng cuối tháng 4 tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn trở nên thật đặc biệt. Bà Sửu reo mà nước mắt cứ chảy dài, bà khấn trước mộ liệt sĩ, nhưng khấn đến giữa chừng, bà khuỵ xuống vì xúc động, khi bất ngờ tìm được người thân của mình, trong lần đầu tiên đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Quê ở xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, bà kể tên người liệt sĩ là cậu Thìn, em ruột của chị dâu bà, nhà ở xã Đại Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Người nữ dân công hỏa tuyến ở mặt trận Trung Lào năm xưa nghẹn ngào: "Tôi rất cảm xúc, đứng trước các mộ liệt sĩ mà hai hàng nước mắt, vì thương các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho đất nước khi ở lứa tuổi mới hai mươi. Còn tôi, ngày xưa tôi đi dân công hỏa tuyến ở mặt trận Trung Lào".

nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Trường Sơn, Thời sự 05g30, nghe thời sự VOH

Ông Phạm Văn Lai ở Hà Tĩnh rưng rưng đọc bài thơ tưởng nhớ đồng đội của mình. Ảnh: Nhất Hương

Sau khi tốt nghiệp ra trường, trong khi các bạn cùng trang lứa chọn những công việc làm có thu nhập tốt hơn, nhẹ nhàng hơn phù hợp với thời đại hơn, thì Hồ Tất Minh Đặng, thanh niên trẻ 9X sinh ra tại vùng đất Quảng Trị anh hùng lại quyết định chọn công việc chăm sóc mộ phần cho các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Hàng ngày phải đi làm từ sáng sớm, di chuyển hơn 60km từ nhà đến nơi làm và trở về khi trời tối hẳn, nhưng Hồ Tất Minh Đặng không hề nề hà khó khăn hay chán nản với công việc. Ngược lại người thanh niên trẻ này còn cảm thấy rất tự hào và xem công việc mình đang làm hàng ngày tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn như một sự tri ân, đền ơn đáp nghĩa với sự hy sinh vô cùng lớn lao của các liệt sĩ trên tuyến đường Trường Sơn để Tổ quốc có được hòa bình như ngày hôm nay: "Khi vào công tác thì cũng xác định công việc cố gắng hết sức chăm sóc vệ sinh các phần mộ. Tuổi trẻ kế thừa truyền thống ông cha đi trước. Tuổi trẻ thời bình cố gắng phát huy đóng góp cho đất nước ngày càng phát triển."

nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Trường Sơn, Thời sự 05g30, nghe thời sự VOH

Hằng ngày trôi qua, luôn có những đoàn đến từ khắp mọi miền đất nước đến viếng hương linh các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: Nhất Hương

Hằng ngày bên cạnh việc hướng dẫn, làm lễ cho các đoàn thân nhân, khách đến viếng nghĩa trang, Minh Đặng cùng với những đồng nghiệp còn làm nhiều việc khác như nhặt rác, nhặt lá cây rơi, làm vệ sinh, chỉnh trang, sửa chữa các phần mộ … và nhiều việc không tên khác góp phần giúp cho Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn luôn luôn luôn sạch sẽ, trang nghiêm, phục vụ tốt cho khách và thân nhân đến viếng. Có thể nói dù còn trẻ tuổi, nhưng Hồ Tất Minh Đặng cũng đã ý thức được trách nhiệm của mình với công việc vô cùng ý nghĩa, đó là góp phần làm cho các chiến sĩ bộ đội Trường Sơn năm xưa có nơi yên nghỉ khang trang, sạch đẹp và ấm áp hơn rất nhiều.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn là nơi quy tụ hơn 10.300 phần mộ của các liệt sĩ, với tổng diện tích 140 ngàn m2, chia thành 5 khu mộ, trong đó có khu trung tâm và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15 ngàn m2. Ông Hồ Tất Ái, sinh năm 1960, Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và đón tiếp thân nhân liệt sĩ, đã gắn bó tại đây đã hơn 21 năm. Chừng ấy thời gian cũng đã quá đủ để chúng tôi hiểu câu chuyện ân tình của người bộ đội năm xưa. Ngày xưa, ông cũng từng là trinh sát đặc công trực thuộc Tỉnh đội Bình Trị Thiên. Làm việc ở đây, với phương châm “ngày không giờ, tuần không thứ”, ai nấy cũng lấy chữ tâm, lòng tri ân lên hàng đầu, nó vượt lên mọi toan tính thiệt hơn của cuộc sống đời thường. Nơi đây có 5 khu mộ, trong đó có khu trung tâm thường xuyên được du khách, thân nhân liệt sĩ đến viếng. Dù chỉ có 20 người nhưng công việc quản lý, chăm sóc các phần mộ, phục vụ lễ viếng, phòng chống cháy nổ mùa khô, quét dọn rác, lá cây, bảo vệ tuần tra, canh gác đảm bảo cảnh quan môi trường luôn được các anh chị, cô chú làm việc rất nhiệt tình, như chính chăm sóc mộ phần của người thân mình. Nhắc đến câu chuyện gắn bó với nơi linh thiêng, canh giấc ngàn thu cho các anh với thời gian đã gần nửa đời người, ông Hồ Tất Ái tâm niệm: "Mình xác định trọng trách thiêng liêng, là thế hệ đi sau bây giờ những người cha, người chú, người anh của mình đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc anh dũng hy sinh để giành độc lâp tự do cho Tổ quốc, cho hạnh phúc nhân dân. Phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ, mình là lớp người đi sau phục vụ cho lớp người đi trước. Xác định trọng trách đó và mình làm việc bằng cái tâm của mình, làm sao để nơi yên nghỉ của các anh luôn xanh - sạch - đẹp."

nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Trường Sơn, Thời sự 05g30, nghe thời sự VOH

Phóng viên VOH phỏng vấn ông Hồ Tất Ái - Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, ông chia sẻ làm việc tại đây, ai nấy cũng lấy chữ tâm, lòng tri ân đặt lên hàng đầu. Ảnh: Nhất Hương

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ, mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Đặc biệt chính nơi đây đã ghi dấu sự hy sinh anh dũng của những người đồng chí, đồng đội trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn năm xưa, mà có lẽ suốt đời những người ở lại cũng không thể nào quên.

"Thanh niên quê tôi luyện sức thật dẻo dai

Hành quân đêm ngày cùng súng đạn nặng vai

Người thân yêu trao gậy Trường Sơn khi lên đường

Càng sôi trong lòng bao truyền thống quê hương

Đạn bom quân thù đang vấy máu

Gương sáng trung kiên bao liệt sĩ còn đây

Như nhắn nhủ những ai lên đường mà lời hứa sắt son đừng phai…."

Tạm biệt Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, xe chúng tôi bon bon trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại với lời hát “Chiếc gậy Trường Sơn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, như sống dậy những năm tháng hào hùng của các anh ngày ấy. Thế hệ trẻ VOH chúng tôi vinh dự được đến đây, đến với nơi linh thiêng ngàn đời, là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước trường tồn với thời gian, dấu son chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nắng tháng 4 vùng Gio Linh Quảng Trị, dù cháy rát đến bỏng da nhưng lòng của anh em chúng tôi ai nấy đều dâng trào một cảm xúc của lòng biết ơn vô hạn. Giá trị của hòa bình là đây. Trong kỳ 4 của phóng sự được phát sóng trong chương trình ngày mai với nhan đề: “Để ngọn lửa tri ân muôn đời vẫn cháy”, mời quý vị tiếp tục cùng theo chân nhóm phóng viên VOH trên chặng đường tìm về với đường Trường Sơn huyền thoại và nghe những câu chuyện đầy xúc cảm về nghĩa tình tri ân của những con người nơi chúng tôi đi qua.

Nhất Hương - Thùy Linh - Ngọc Phong

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo