Xã hội hóa công tác khuyến nông-thay đổi để hội nhập (Bài 1) - Thời sự 5g30 6/4/2021

(VOH) - Trước những yêu cầu, thách thức mới cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững, công tác khuyến nông rất cần những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả ...

Chính phủ đã ban hành Nghị định 83 về xã hội hoá công tác khuyến nông, đòi hỏi ngành khuyến nông cần phải thay đổi để chủ động vượt qua khó khăn về tài chính để thực hiện các hoạt động khuyến nông của mình. Một trong những giải pháp để vượt qua khó khăn này là phải tăng cường hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông.

Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư của Quốc hội được ban hành vào tháng 6 năm 2020 đã cho phép thực hiện hợp tác, đầu tư theo phương thức đối tác công tư thông qua hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Điều này đã mở ra nhiều hướng mới cho ngành khuyến nông trong giai đoạn hiện nay khi mà công tác xã hội hoá khuyến nông ngày càng được khuyến khích. 

Hợp tác công tư trong hoạt động khuyến nông, gọi tắt là hợp tác PPP trong khuyến nông. Đây là sự hợp tác giữa nhà nước với các tổ chức, cá nhân cùng đầu tư, triển khai hoạt động khuyến nông nhằm phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, đa dạng hoá dịch vụ khuyến nông để huy động nguồn lực từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia hoạt động khuyến nông. Hiện nay, hình thức hợp tác PPP trong khuyến nông đóng 1 vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành khuyến nông quốc gia. Ông Đinh Phạm Hiền - Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin: “Đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP đóng 1 vai trò quan trọng, bởi vì đầu tư PPP sẽ tạo điều kiện để thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư cho ngành, đồng thời là có  thể chuyển giao khoa học công nghệ và quan trọng nhất là xây dựng các chuỗi giá  trị để kết nối các chuỗi giá trị sản phẩm trong nước với các chuỗi giá trị toàn cầu để tăng giá trị gia tăng sản phẩm cũng như đảm bảo tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam”.

Hiện nay, trên thế giới, một số nước có nền nông nghiệp phát triển đã thực hiện thành công việc hợp tác công tư trong phát triển khuyến nông. Và đặc biệt vấn đề xã hội hóa trong các hoạt động khuyến nông cũng đã được thúc đẩy và đạt hiệu quả cao. Tại Việt Nam, chỉ sau một năm Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư của Quốc hội được ban hành, nhiều hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được ký kết. Ông Nguyễn Viết Khoa - Trưởng phòng Đào tạo - Huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho hay: “Khuyến nông quốc gia đã xác định lĩnh vực cần hợp tác, ký được 14 thỏa thuận  hợp tác với các doanh nghiệp, các đối tác trong các hoạt động thực hiện khuyến nông, thu hút nguồn lực từ phía công và đối tác. Đã triển khai một số dự án thành công, ví dụ như dự án hỗ trợ dân khắc phục hạn mặn, hỗ trợ nông dân trong phòng chống covid và tiếp theo là các hoạt động đào tạo khác. Cái khó khăn hiện nay là do triển khai hoạt động này còn mới, năm đầu tốc độ và kết quả so với mong đợi có một chút gì đấy chưa đạt được”.

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã thúc đẩy xã hội hóa hoạt động khuyến nông, trong đó đẩy mạnh vai trò của hợp tác công tư trong các hoạt động khuyến nông. Trong quá trình tiến hành, không chỉ riêng những người đang làm công tác khuyến nông thực hiện các hoạt động khuyến nông mà hiện nay còn có nhiều đơn vị, các tổ chức quốc tế đang song song thực hiện các hoạt động này. Điều đó không chỉ góp phần làm phát triển ngành khuyến nông quốc gia mà nó còn đem lại lợi ích cho các bên tham gia bao gồm nhà nước, tư nhân và nông dân. Theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, nếu khai thác tốt nội dung này sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội, Nhà nước cũng sẽ giảm đi ngân sách để đầu tư cho khuyến nông: “Việt Nam là một đất nước về nông nghiệp và chúng ta đã thiết lập một hệ thống khuyến nông gần 30 năm, đã đóng góp vào phát triển nền kinh tế nông nghiệp rất là tốt. Tuy nhiên, hiện nay với hoạt động của các hệ thống khuyến nông, chúng ta có một lực lượng đông đảo nhưng mà  kinh phí trang trải của nhà nước gần như không đủ để cho hệ thống này hoạt động. Chính vì vậy, hợp tác công tư của hoạt động khuyến nông này làm sao để tăng cường nguồn lực cho đội ngũ này để khai thác hết công suất công suất của đội ngũ này. Cho nên nếu chúng ta khai thác hiệu quả hệ  thống này thì việc chuyển giao công nghệ, đưa các tiến bộ kỹ thuật, việc kết nối với thị trường của hệ thống này nó phát huy 1 cách tối đa. Thì như vậy sẽ mang lại hiệu quả cho xã  hội rất là tốt”.

Việc xã hội hoá hoạt động khuyến nông sẽ làm đa dạng hoá dịch vụ khuyến nông, thúc đẩy sự hợp tác giữa hệ thống khuyến nông, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và tư nhân để thực hiện mục tiêu của các bên một cách bền vững. Đồng thời thu hút được tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của các bên để hợp tác chuyển giao công nghệ, tổ chức sản xuất tránh trùng lặp và  lãng phí vốn. Đây là xu thế chung của các nền kinh tế nông nghiệp đang phát triển. Do vậy, đòi hỏi hệ thống khuyến nông, các đơn vị, tổ chức quốc tế đang thực hiện các hoạt động  khuyến nông cần chuyển mình để thay đổi phù hợp với xu thế hội nhập.

Phước Tiến

VOH

Bình luận

Đọc Báo