Vực dậy y tế cơ sở - cốt để dân tin: “Bác sĩ gia đình - tiện nhưng vẫn khó!”

(VOH) - Thiết lập lại trật tự cho ngành y tế mới là nền tảng phát triển vững chắc và bền vững. Muốn vậy, phải vực dậy y tế cơ sở để người dân thực sự tin tưởng.

Bài 1: Bác sĩ gia đình - tiện nhưng vẫn khó!

Thời gian qua, bên cạnh nhiều giải pháp vĩ mô như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thì mô hình bác sĩ gia đình được Bộ Y tế quan tâm phát triển nhằm đáp ứng toàn diện, lâu dài và liên tục nhu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân. Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống này hiện nay vô cùng khó khăn, gặp nhiều rào cản khiến cho mô hình này đến nay cũng chưa khởi sắc.

VOH đã tìm hiểu và phản ánh thực tế ở tuyến y tế cơ sở qua loạt bài: Vực dậy y tế cơ sở - cốt để dân tin! Mời quý vị nghe bài 1 có tựa đề “Bác sĩ gia đình - tiện nhưng vẫn khó!”:

Phóng viên:  ở trạm y tế phường 9, quận 10 này anh thấy chất lượng phục vụ như thế nào?

Bệnh nhân: Tốt lắm ạ?

Phóng viên:  Anh hài lòng nhất điều gì?

Bệnh nhân: Bác sĩ khám tận tình khám kĩ

Phóng viên: Khi anh thắc mắc gì đó bác sĩ có chia sẻ thế nào với anh không?

Bệnh nhân: Có chứ, bác sĩ hướng dẫn mình hết

Phóng viên:  So với khi mình khám ở các bệnh viện lớn thì sự trò chuyện của bác sĩ có lâu hơn hay không thưa anh?

Bệnh nhân: Lâu chứ, nói chuyện được nhiều lắm à, bác sĩ ở đây khám kĩ lắm

Phóng viên:  Xin cảm ơn anh

Trên đây là trao đổi của phóng viên Nhất Hương với anh Nguyễn Thanh Nhàn, sinh năm 1968, bệnh nhân bị cao huyết áp, tiểu đường týp 2 đã bị nhồi máu cơ tim đang điều trị tại Trạm Y tế phường 9, quận 10.

Nhà gần trạm y tế, được cái tiện lợi là biết tại đây có phòng khám gia đình nên anh Nhàn đã mạnh dạn đến để được theo dõi bệnh, lấy thuốc hàng tháng. Anh Nhàn cho biết, hơn 3 năm khám bệnh tại đây, bản thân cảm thấy hài lòng nhất ở sự tương tác giữa bác sĩ và bệnh nhân. Ở trạm y tế, bác sĩ có thời gian nhiều hơn dành cho bệnh nhân, người bệnh khi thắc mắc sẽ hỏi cho đến khi cảm thấy thoải mái, thông suốt về căn bệnh của mình đang mang.

Ngoài ra, bác sĩ còn tư vấn về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hàng ngày. Nếu ở bệnh viện tuyến trên, vì quá tải thời gian khám chỉ tính bằng phút thì làm sao bệnh nhân có thể trình bày thắc mắc của mình và được bác sĩ tận tình tháo gỡ như tuyến y tế cơ sở.

Tuy nhiên, sự hài lòng chỉ dừng ở chỗ tâm lý thoải mái vì được bác sĩ chia sẻ, giải thích tận tình nhưng cái khó trói buộc cũng còn nhiều. Cụ thể là vấn đề về thuốc tại trạm y tế nhiều bệnh nhân cho biết, họ thường phải cầm toa ngược lên bệnh viện quận để lãnh, rất mất công.

Thêm vào đó, khi chuyển tuyến thì cũng phải qua bệnh viện quận mới đến tuyến cao hơn, và hồ sơ bệnh án khi khám bác sĩ gia đình cũng chưa liên thông giữa các tuyến vì cho đến nay vẫn chưa có hệ thống phần mềm để theo dõi bệnh án cho bệnh nhân được nối mạng thành hệ thống từ y tế cơ sở lên bệnh viện tuyến cuối.

Là bệnh nhân khám bác sĩ gia đình đã hơn ba năm nay tại trạm y tế, bà Nguyễn Bích Thủy, 62 tuổi chia sẻ: “Nó chỉ bị thuốc thôi hà, lúc có thuốc lúc không phải lên bệnh viện quận để lãnh. Nhiều khi mấy phường khác không lên kế hoạch lấy thuốc nên không có thuốc sang mượn rồi khi bệnh nhân đến khám lại thiếu, chỉ phiền cái đó thôi. Vừa qua ông xã Thủy bệnh, cũng khám bác sĩ gia đình khi bệnh thì tại đây phải qua bệnh viện quận mới lên được Bệnh viện Bình Dân, cũng hơi phiền.”

Thực  hiện đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam”, TPHCM là địa phương tiên phong thực hiện mô hình thí điểm này từ năm 2013. Sau khi thí điểm, Bộ Y tế đã có quyết định nhân rộng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020 vì bác sĩ gia đình là nền tảng để y tế cơ sở vươn lên phát triển.

Cho đến nay, TPHCM đã có hơn 240 phòng khám bác sĩ gia đình tại bệnh viện quận - huyện,  trạm y tế phường - xã và phòng khám đa khoa tư nhân. Và có lẽ cái được của khám bác sĩ gia đình có lẽ cũng chỉ như bệnh nhân Nguyễn Thanh Nhàn chia sẻ từ đầu bài đó là sự hỏi han, chuyện trò giữa bác sĩ và bệnh nhân rất ân cần, chu đáo.

Trưởng Trạm Y tế phường 9, quận 10 Nguyễn Thị Hồng Vân, cho biết điểm  “nghẽn” của khám bác sĩ gia đình hiện nay nằm ở chỗ: “Vấn đề thuốc đôi lúc không hài lòng, chẳng hạn dự trù nhiều bệnh nhân chưa ra thì phường 10 thiếu mình phải chi viện qua, đến khi bệnh nhân tới thì không có. Người ta phiền lòng do đi khám mà phải đi lên đi xuống, lên trên bệnh viện quận phải ngồi chờ đợi nên người ta thấy cũng bất tiện.”

Bác sĩ Nguyễn Lê Đăng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 7 là bác sĩ đã được đào tạo y học gia đình phân tích, trong bối cảnh hiện nay, để  mô hình bác sĩ gia đình thật sự mạnh và nhân rộng, cần huy động hệ thống các phòng mạch tư vào cuộc: “Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là phải lập cho được hồ sơ sức khỏe của những người dân trên địa bàn đó nhưng lập cái đó rất khó, rồi quản lí bệnh tật thì bây giờ bệnh nhân tới trạm khám bao nhiêu người, hiện rất ít và trạm cũng không đủ khả năng để làm chuyện đó.”

Bác sĩ Lâm Thị Ngọc Bích, Trưởng Trạm Y tế phường 10, quận 10 là bác sĩ đa khoa được đào tạo y học gia đình một cách bài bản, công tác trong lĩnh vực này đã lâu, chỉ rõ, những bất cập của bác sĩ gia đình ở chỗ chưa xây dựng được tính hệ thống, phần mềm liên thông: “Bác sĩ gia đình về nguyên tắc phải điều trị liên tục, tổng quát, toàn diện. Liên tục thì mình không liên tục được rồi, bệnh nhân mình nếu có bị gì chuyển đi là coi như mất dấu. Từ trước tới giờ mình nói liên thông có sự phản hồi từ trên bệnh viện trên về nhưng rốt cuộc không làm được, không có gì thay đổi. Rồi điều trị toàn diện là sao, thí dụ như bệnh nhân tiểu đường phải tầm soát tất cả biến chứng của tiểu đường, không chỉ là cho thuốc hạ đường huyết là xong nhưng bảo hiểm chỉ chi trả chữa bệnh thôi, còn tầm soát nguy cơ là không.”

Vì những cái khó như vậy nên bác sĩ gia đình tại trạm y tế nhìn chung chưa thu hút được bệnh nhân. Ngoại trừ những nơi đã triển khai bác sĩ gia đình ngay từ lúc đầu tiên, là những mô hình điểm tạo được thương hiệu, các trạm y tế còn lại dân vẫn chưa tin.

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, nhìn nhận: “Các trạm y tế còn rất vắng, thậm chí có trạm mỗi ngày chỉ có một bệnh, hai bệnh khám, trung bình thì 5 đến 10 bệnh nhân với một cơ sở hạ tầng và nhân lực sẳn có đúng là người dân chưa tin, thêm vào đó từ năm 2016 khi quy định mang tính pháp lý người dân được quyền chọn cơ sở khám chữa bệnh khi thực hiện thông tuyến huyện trên cả nước. Sắp tới đây còn thông tuyến tỉnh do vậy nếu trạm không chứng minh được năng lực người dân sẽ không đến, đây là một thách thức rất lớn với ngành.”

Rõ ràng Bộ Y tế đã nhìn thấy vấn đề, trong tình hình mới, việc bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe được xem là thành công khi chúng ta bảo vệ người dân lúc chưa bị bệnh hay nói cách khác phải làm tốt công tác dự phòng, gắn với y tế cơ sở và y học gia đình. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế hoạt động mô hình bác sĩ gia đình rộng hơn là y học gia đình gắn với hệ thống mạng lưới y tế cơ sở là trạm y tế và hệ thống phòng mạch tư vẫn còn khó. Những cái khó nếu không được giải quyết kịp thời lâu dần bệnh nhân sẽ từ chỗ hài lòng họ bắt đầu cảm thấy bất tiện, không thuận lợi và sẽ không đến với y tế cơ sở. Một mô hình hay, nhưng để hoạt động được thuận lợi, đúng theo nguyên lý y học gia mà Bộ Y tế đặt ra xem ra vẫn còn lắm nhiêu khê.

Tiếp tục bàn về vấn đề này, trong chương trình Thời sự sáng mai, chúng tôi sẽ giới thiệu đến quý vị nội dung phỏng vấn PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Phòng Khám bác sĩ gia đình Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, người đã cất công đi học mô hình này từ các nước phát triển cũng như được đào tạo y học gia đình rất căn cơ đã có những kiến nghị cụ thể, phải nhanh chóng gỡ nút thắt để mô hình bác sĩ gia đình được lan rộng.

VOH

Bình luận

Đọc Báo