Việt Nam là địa điểm kinh doanh thuận lợi được Nhật Bản lựa chọn - Thời sự 11g00 15/8/2022

(VOH) - Hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều tiến triển trong thời gian qua.

Theo thống kê, đã có tổng số gần 5.000 dự án đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam được phê duyệt với tổng vốn đầu tư lũy kế đến nay lên tới 64,5 tỷ đô la Mỹ. Về thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đứng thứ 4 và nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam hiện đứng thứ 3, cả hai đều là những đối tác quan trọng của nhau.

Sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo luôn đứng đầu xuất khẩu vào Nhật.

Sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo luôn đứng đầu xuất khẩu vào Nhật.

Đáng chú ý, số lượng các công ty Nhật Bản mở rộng đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng, số lượng các công ty thành viên của Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng đã tăng lên đến 2.000 doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát, 55% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam đều có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất trong khối các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Tổ chức Xúc tiến thương mại  Nhật Bản JETRO hiện đang triển khai các hoạt động tập trung vào các lĩnh vực: chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; xúc tiến đầu tư ra nước ngoài của các công ty Nhật Bản; thu hút các công ty nước ngoài; Kinh tế xanh, kinh tế khử carbon; xuất khẩu nông, hải sản, an ninh, y tế.

Liên quan đến các nhu cầu và yêu cầu từ doanh nghiệp Nhật Bản đối với  doanh nghiệp Việt Nam, để có thể đáp ứng tốt hơn cho việc cung ứng vào chuỗi cung ứng toàn cầu, phóng viên Lệ Loan đã phỏng vấn ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng đại diện của Tổ chức Xúc tiến thương mại  Nhật Bản - JETRO tại TPHCM. Mời quý vị cùng theo dõi:

*VOH: Thưa ông, Nhật Bản hiện nay đang quan tâm những lĩnh vực nào? Ông thông tin thêm về các nhu cầu về những lĩnh vực nào mà Nhật Bản đang cần doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng?

Ông Matsumoto: Hiện nay, do nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản để tái cấu trúc chuỗi cung ứng của họ, nên doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam. Bởi vì những ảnh hưởng của dịch Covid -19 vừa rồi đã làm gãy đổ chuỗi cung ứng. Và nhiều doanh nghiệp tại thị trường Nhật Bản họ đang tìm kiếm một thị trường khác có thể thay thế cho thị trường cũ.

Do đó, Việt Nam nổi lên như một địa điểm thuận lợi vừa kinh doanh, vừa phát triển dịch vụ, sản xuất. Chẳng hạn như những ngành sản xuất hay công nghiệp hỗ trợ… những ngành này rất quan trọng với doanh nghiệp Nhật Bản.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Nhật Bản băn khoăn một số vướng mắc như: Tại thị trường Việt Nam, có những vấn đề như: Những công đoạn sản xuất đòi hỏi một số nguyên vật liệu mà những nguyên liệu đó thì không có tại thị trường Việt Nam. Hoặc đôi khi có tại Việt Nam nhưng chất lượng không đủ tốt, không đạt tiêu chuẩn để sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao theo yêu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản. Do đó, doanh nghiệp Nhật Bản phải nhập khẩu nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Nhật Bản rất mong muốn doanh nghiệp Việt Nam tháo gỡ vấn đề này, làm sao để có được nguồn nguyên liệu đầu vào tốt để doanh nghiệp Nhật Bản có thể có được những nguyên liệu chất lượng mà họ yêu cầu.

*VOH: Đối với TPHCM, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng và khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp ở TPHCM cho nhu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản?

Ông Matsumoto: Ở đây, mảng xây dựng năng lực chính là điều tôi muốn nói tới. Một thành phố lớn như TPHCM có một lượng nhân sự rất tốt, đội ngũ về lao động, chất lượng cao rất tốt. Tuy nhiên, tiềm năng đó chưa được phát triển kịp thời, nhiều cơ sở dữ liệu chưa đủ. Nói như thế có nghĩa là doanh nghiệp Nhật Bản cần phía doanh nghiệp Việt Nam cung cấp thông tin tốt hơn, nhiều hơn. Ví dụ như trong những cuộc kết nối thương mại, một số công ty nằm trong danh sách lại chưa đủ năng lực cung ứng cho Nhật Bản, trong khi đó, một số công ty không nằm trong danh sách lại rất tốt. Tức là một số công ty của Việt Nam được doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao thì lại không có trong danh sách tại sự kiện kết nối đó. Do đó, chúng tôi mong mỏi Chính phủ Việt Nam đưa nhiều công ty hơn, có tiềm lực mạnh hơn vào trong nguồn giới thiệu này, cũng như nhân lực Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn để đáp ứng kịp với nhu cầu hiện nay của doanh nghiệp của nhiều nước.

*VOH: Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần phải cải thiện như thế nào về chất lượng sản phẩm. Và doanh nghiệp Nhật Bản có yêu cầu nào đối với doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ Nhật Bản trong chuỗi cung ứng?

Ông Matsumoto: Theo tôi nhận thấy, năng lực hiện tại của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ để sẵn sàng có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Về mặt quản lý chất lượng, các công ty Nhật Bản rất khắt khe với vấn đề này. Nhưng tôi tin rằng, với rất nhiều người tài và quan tâm tới giáo dục hiện tại, với đội ngũ công ty và những doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là TPHCM thì việc tham gia chuỗi cung ứng quốc tế là việc sẽ xảy ra trong tương lai khi mà có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là các doanh nghiệp Nhật Bản.

*VOH: Xin cảm ơn ông.

Lệ Loan

Bình luận

Đọc Báo