Vì sao TPHCM chống ngập chưa hiệu quả? – Thời sự 17g 13/06/2019

(VOH) - Nhờ triển khai các dự án chống ngập trong 10 năm qua, đến nay còn 18 điểm ngập do mưa, 5 điểm ngập do triều cường. Các điểm ngập này sẽ được tiếp tục giải quyết trong giai đoạn đến năm 2020.

“Khi thực hiện công trình chống ngập, làm sao để ngập đường ít và không ngập nhà dân. Khung giá bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân để thực hiện công trình chống ngập cần kiến nghị Trung ương điều chỉnh theo sát với giá thị trường” – Đây là trăn trở của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan tại buổi làm việc với các sở ngành liên quan về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn TPHCM do Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Lệ chủ trì sáng 13/6.  

Từ năm 2008 đến nay trên địa bàn thành phố còn 126 điểm ngập do mưa, 95 điểm ngập do triều. Nhờ triển khai các dự án chống ngập, trong 10 năm qua, đến nay còn 18 điểm ngập do mưa, 5 điểm ngập do triều cường. Các điểm ngập này sẽ được tiếp tục giải quyết trong giai đoạn đến năm 2020.

Ông Lê Minh Đức - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố yêu cầu UBND Thành phố cho biết vì sao công tác chống ngập chưa hiệu quả. Việc lấn chiếm hành lang bảo vệ kênh rạch, hệ thống thoát nước chưa làm quyết liệt. Trong các điểm ngập có 3 điểm ngập là đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân), quốc lộ 13, quốc lộ 1A (quận Thủ Đức) dự kiến thành phố sẽ đưa vào dự án chống ngập sau năm 2020.

“Qua rất nhiều lần tiếp xúc cử tri ở quận Thủ Đức, bà con luôn phản ánh vấn đề này. Tôi cũng rất mong Thành phố sớm đẩy nhanh tiến độ đưa dự án này trước năm 2020 khởi công, giải quyết dứt điểm tình trạng ngập cho khu vực này”, ông Đức nói.

TPHCM đang gặp khó khăn về kinh phí, hiện có 97 dự án cần đầu tư với tổng số tiền 33.200 tỷ đồng. Ông Lê Đức Hải – Phó Chủ tịch HĐND Thành phố đặt vấn đề, chiến lược của TP làm rạch con trước hay rạch lớn trước: “Để làm tốt nhất việc thoát nước như Bình Tân, Bình Chánh hay làm rạch Tham Lương Bến Cát. Tốt nhất là làm rạch đó thật thông, nhưng tổng số tiền lên đến 700 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, mình không có tiền. Ý tôi muốn hỏi chiến lược của mình là mình dồn tiền làm rạch lớn hay rạch con trước”

Gần 3 năm qua, Thành phố đã thực hiện nhiều công trình, chương trình. Ông Võ Văn Hoan  đánh giá, một số nơi đã khắc phục được tình trạng ngập, giảm ngập, có nơi vẫn còn ngập cục bộ, có những dự án không ngập đường nhưng lại ngập nhà dân như đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân). Theo ông, làm sao chống ngập phải tính toán, có thể ngập đường trong thời gian ngắn rồi rút nhưng không ngập nhà dân. Mặt khác, các quy hoạch hiện nay của Thành phố đã lạc hậu, cũ kỹ không phù hợp với điều kiện phát triển của thành phố. Khung giá bồi thường đất không thực tế, lạc hậu so với khung giá hiện nay trên thị trường. 

“Trong cơ cấu giá đất phải tính toán tài sản trên đất, thu nhập tối thiểu để người dân khi được đền bù có thể cân bằng cuộc sống… việc này phải nghiên cứu, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố làm cơ cấu giá, bồi thường thế nào cho hợp lý để kiến nghị Trung ương”, ông Hoan đề nghị.

Nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn liên quan đến trình tự thủ tục kéo dài, nguồn vốn không đảm bảo, một số dự án đầu tư chưa được kết nối đồng bộ làm phát sinh tình trạng ngập nước cục bộ, Chủ tịch HĐND Thành phố - Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND Thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để đảm bảo kịp thời cho chủ đầu tư thực hiện dự án như chúng ta đã cam kết với Bí thư Thành ủy đến cuối 30/6 bàn giao mặt bằng, nhất là dự án để thực hiện 1547”.

Lệ Loan

VOH

Bình luận

Đọc Báo