Vận tải hành khách lao đao vì dịch Covid-19 – Thời sự 11g00 21/2/2020

(VOH) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều ngành nghề dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó dịch vụ vận tải khách cũng lao đao vì thất thu, lượng khách sụt giảm mạnh.

Cùng với việc chung tay triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, các đơn vị vận tải hành khách đã và đang tìm cách vượt qua trong khoảng thời gian đầy khó khăn này.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM, sản lượng hành khách đi xe buýt đối với các tuyến trợ giá từ đầu tháng 2 đến nay giảm 52% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 49% so với ngày thường. Trước tình hình sản lượng hành khách giảm do dịch Covid 19, Trung tâm đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp vận tải giảm chuyến một số tuyến xe buýt có sản lượng hành khách giảm sâu. Trong đó, các tuyến xe buýt số 50 (Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia) và tuyến 52 (Bến Thành – Đại học Quốc tế) tiếp tục ngưng hoạt động từ ngày 10/2 do học sinh, sinh viên nghỉ học.

Ông Nguyễn Tấn Tạo, Phó Giám đốc Hợp tác xã xe buýt 15 cho biết, khoảng thời gian này thật sự rất khó khăn: “Quá khó khăn luôn, tình hình là người ta hạn chế ra đường, mình phải giảm chuyến sâu, giảm hơn 40% so với trước. Chứ để nguyên chạy thì không có khách, lỗ lã. Bình quân chuyến trong ngày thì một xe chỉ khoảng mười mấy khách. Giảm chuyến nhưng vẫn phải xuất bến sớm cho công nhân đi làm”

Ghi nhận tại Bến xe Miền Đông, những ngày dịch Covid -19, những tuyến xe khách chặng dài khá vắng vẻ, có chuyến chỉ vài hành khách. Các nhà xe đang gồng mình chịu lỗ để duy trì. Theo ông Đỗ Phú Đạt, Phó Tổng Giám đốc Bến xe miền Đông, lượng hành khách thống kê sụt giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước: “Ảnh hưởng tương đối nhiều đến doanh nghiệp. So với lượng khách đi lại qua bến thống kê giảm đến 43%. Lượng xe xuất bến hàng ngày thì giảm 3,2% so với cùng kỳ, giảm nhiều so với trước do ảnh hưởng của dịch”.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, từ đầu tháng 2 tới nay, doanh nghiệp này đã bị giảm doanh thu gần 65 tỷ đồng so với cùng kỳ do ảnh hưởng của Covid-19. Cụ thể, số vé đã mua bị hành khách trả lại lên tới hơn 39.000 vé. Các công ty cổ phần vận tải đường sắt phải hủy 78 chuyến tàu khách. Để giảm thiểu thiệt hại, hiện ngành đường sắt đang thực hiện nhiều chính sách giảm giá vé trên các đoàn tàu tuyến Bắc - Nam, giảm mức phí đổi, trả vé cho học sinh, sinh viên... cùng nhiều chính sách khuyến mãi giảm giá khác. Về phía các hãng taxi, xe công nghệ, tình hình chung là lượng hành khách cũng giảm mạnh, do lo ngại dịch bệnh nên người dân hết sức hạn chế nhu cầu đi lại. Mức giảm ít nhất cũng 20% trở lên. Tài xế Lữ Kha, xe công nghệ cho biết, từ Tết đến giờ ít khách, thất thu: “Ế hơn trước nhiều, giờ vắng lắm. Nhu cầu đi lại người ta giảm. Trước tết thì khách nhiều, chứ từ sau tết đến giờ vắng. Nói chung là tụi em thất thu”.

Như taxi Vinasun, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Công ty khó khăn, các tài xế còn chật vật hơn vì thu nhập giảm nhiều, không đủ xoay sở cuộc sống. Ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc taxi Vinasun cho biết: “Thiệt hại rất nhiều, do lượng khách giảm, doanh thu giảm, quyền lợi của anh em lái xe bị ảnh hưởng. Vừa rồi chúng tôi cũng chia sẻ với anh em lái xe bằng cách hỗ trợ về mặt tài chính. Anh em lái xe ăn chia, chúng tôi hỗ trợ tối đa 4,5%, các loại hình khác cũng có thể hỗ trợ tối đa 4,5% giúp các anh em yên tâm kinh doanh”.

 

Cũng theo ông Hỷ, trong điều kiện sụt giảm doanh thu nhưng các chi phí khác như: Lãi vay ngân hàng, các loại thuế, phí, lương cho người lao động, vật tư, sửa chữa... vẫn giữ nguyên gây khó cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Tạ Long Hỷ kiến nghị: “Không phải riêng Vinasun, mà Hiệp hội taxi Thành phố, hiệp hội taxi Hà Nội, Đà Nẵng cũng dự kiến sẽ kiến nghị Nhà nước nên tính đến việc giảm thuế cho các doanh nghiệp, vì kinh doanh không được, khách hàng không có, kéo dài thì sự phục hồi của doanh nghiệp khó khăn. Cho nên nếu được, Nhà nước nên tính lại thuế, ví dụ trong những tháng có dịch như thế này, không nên thu VAT, hay là tính giảm những chi phí khác, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn chung hiện nay”.

Nói về biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, ông Đỗ Phú Đạt, Phó Tổng Giám đốc Bến xe miền Đông cũng cho hay: Trước mắt, bến xe sẽ tiếp tục triển khai, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các kế hoạch đã xây dựng. Khi có yêu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp, tùy từng trường hợp cụ thể, bến sẽ trao đổi và cùng với đơn vị vận tải thực hiện các biện pháp hỗ trợ. Trong tình hình khó khăn chung, ghi nhận là công tác triển khai phòng chống dịch được các đơn vị, doanh nghiệp vận tải chủ động trong việc phòng dịch và thực hiện nghiêm túc, đảm bảo sự an toàn cho hành khách. Ông Đỗ Phú Đạt, cho hay, bến xe yêu cầu các đơn vị thường xuyên duy trì đảm bảo vệ sinh phương tiện vận tải sạch sẽ, chú ý các vị trí dễ lây nhiễm như mặt sau của ghế, giường, tay vịn, dây đeo an toàn…. tăng cường vệ sinh sạch sẽ khuôn viên bến xe và khử trùng các khu vực xung quanh: “Sau khi có chỉ đạo của Thành phố, Sở giao thông, Trung tâm rất chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp phun xịt khử trùng, kiểm tra thường xuyên thân nhiệt, trang bị đồ bảo hộ y tế, khi có hành khách nghi ngờ sẽ kiểm tra thân nhiệt. Rồi phát tờ rơi, dán khắp bến xe các khuyến cáo của bộ y tế, phát loa phát thanh hàng ngày, rồi thông báo qua zalo, viber… nói chung là tận dụng tất cả các phương tiện để thông tin tuyên truyền”. 

Trước đó, Sở Giao thông vận tải, Trung tâm quản lý giao thông công cộng TPHCM cũng đã xây dựng kế hoạch, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải yêu cầu lái xe, tiếp viên thường xuyên đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ khách; thực hiện vệ sinh, khử trùng, sát khuẩn phương tiện sau mỗi chuyến xe; tuyên truyền và phát miễn phí ấn phẩm cho hành khách đi xe buýt về những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Về các khó khăn của doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Thành phố cho biết đang tổng hợp các kiến nghị của các doanh nghiệp, đơn vị vận tải để đề xuất các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ phù hợp.

Hoàng Lĩnh

VOH

Bình luận

Đọc Báo