Văn hóa gia đình thời 4.0 - Đừng quên yêu thương - Thời sự 17g00 20/3/2020

(VOH) - Trong thời đại 4.0, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình phải được tưới hằng ngày, phải có sự chia sẻ, gắn kết với nhau thường xuyên.

Và bữa cơm gia đình rất quan trọng. Dù cho cuộc sống có gấp gáp, bận rộn đến đâu nhưng nếu các thành viên trong gia đình cùng có ý thức vun đắp thì mới có thể duy trì được những bữa cơm gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

Đây là nội dung cuộc phỏng vấn giữa phóng viên VOH với ông Nguyễn Hữu Châu - Ủy viên Hội đồng Tư vấn về Văn hóa và Xã hội - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

*VOH: Thưa ông, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, theo ông, việc lưu giữ và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình quan trọng ra sao?

- Ông Nguyễn Hữu Châu: Trong thời đại hiện nay, thời đại 4.0 thì việc giữ bản sắc văn hóa của dân tộc vẫn phải giữ cho nó tốt. Cách đây hơn nửa thế kỷ, tức là năm 1947, Bác Hồ có viết quyển sách “Đời sống mới”, Bác có nói  “mỗi đảng viên phải cần kiệm liêm chính trong thực hiện 7 vấn đề: ăn, mặc, ở, học hành, sức khỏe, việc làm, đi lại” và cái đích của Bác là làm thế nào cho mỗi người, mỗi gia đình hạnh phúc thì những lời căn dặn của Bác từ năm 1947 đến nay, một thời gian dài hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn giữ giá trị thời sự rất quý báu.

*VOH: Qua các thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam đã có ít nhiều thay đổi. Vậy theo ông làm sao để duy trì được nền tảng của gia đình?

- Ông Nguyễn Hữu Châu: Vấn đề hiện nay mình cũng phải nhìn nhận vấn đề thực tế là từ khi mình mở cửa. Cái thuận lợi là kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Cái mặt thuận lợi nó làm cho đời sống vật chất có khá hơn, cuộc sống của từng gia đình được nâng lên nhưng cái mặt trái là trong thời gian ngắn, việc tiếp thu cái mặt được nhưng cái mặt trái thì mình chưa có kinh nghiệm, chưa thấy hết được tác hại của nó. Tức là văn hóa lai căn mà không giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó hiện nay nay bạo lực ở gia đình, ở trường học, ở ngoài xã hội, việc cướp của giết người rồi trong gia đình cũng giết lẫn nhau và cái số nghiện ma túy ở Thành phố hiện nay có thể nói là cao nhất cả nước. Nguyên nhân tức là chúng ta chưa theo kịp.

Đến bây giờ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phải đánh gia rằng, hiện nay cái văn hóa đang xuống cấp. Đạo đức xã hội đang bị đảo lộn. Thấy được điều đó thì chúng ta phải ra sức xây dựng cái gia đình hạnh phúc theo lời dạy của Bác Hồ và theo hiến pháp nói rằng nhà nước tạo điều kiện để xây dựng gia đình hạnh phúc, có sức khỏe, có văn hóa. Trong Đại hội XII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh cái mong ước xây dựng một đất nước hạnh phúc, gia đình hạnh phúc và đó cũng là nguyện vọng của Bác Hồ. Bác Hồ nói sau khi dành độc lập, tự do nếu người dân không hnh5 phúc thì không có ý nghĩa gì.

*VOH: Thời công nghệ lên ngôi, khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình càng xa hơn, nhiều giá trị gia đình bị phá vỡ. Có cách gì để giáo dục văn hóa gia đình đến từng cá nhân, từng gia đình, từ đó tác động tích cực đến văn hóa cộng đồng hay không?

- Ông Nguyễn Hữu Châu: Hiện nay vấn đề giáo dục chưa được coi trọng. Do đó, mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ, giữa vợ chồng, với con cháu có nhiều sứt mẻ mà một trong những nguyên nhân đó là thời đại mà mọi người lo công ăn, việc làm, ít chú ý đến giáo dục gia đình. Chính vì vậy nó mới gây ra những hậu quả mà tôi vừa nói.

*VOH: Theo ông, để một gia đình 3 thế hệ, 4 thế hệ có thể chung sống hạnh phúc với nhau thì giải pháp hiện nay là gì?

- Ông Nguyễn Hữu Châu: Theo tôi, giải pháp hiện nay vẫn phải dựa vào lời nói của Bác: Mỗi người phải cần kiệm, liêm chính, có đạo đức, có trung thực để  xây dựng 7 vấn đề, ăn mặc, ở, sức khỏe, việc làm, đi lại. Đó là mặt thực tế để biểu hiện. Còn gia đình thì không ăn cũng được, không có nhà cửa cũng được. Nhưng mặt nội tâm thì cha mẹ, ông bà phải gương mẫu trong việc giáo dục con cái, thương yêu lẫn nhau. Đoàn kết hòa thuận với nhau, không để bạo lực xảy ra trong gia đình nhưng đồng thời cũng làm tấm gương cho láng giềng thì mình mới xây dựng được gia đình hạnh phúc. Điều quan trọng hiện nay là ý thức thượng tôn pháp luật còn yếu lắm. Việc xây dựng gia đình hạnh phúc có hiến pháp 2013 rồi đến nay gần 10 năm rồi nhưng chúng ta thấy bước tiến rất chậm. Vì vậy đòi hỏi trong mỗi gia đình ông bà, cha mẹ phải làm gương và chăm sóc, giáo dục gia đình và ít nhất cũng dành thời gian để ăn cơm với con cháu thì việc này gần như nó xa lạ đối với cha mẹ cũng như đối với các cháu.

*VOH: Như ông vừa cho biết thì bữa cơm gia đình quan trọng như thế nào?

- Ông Nguyễn Hữu Châu: Bữa cơm gia đình quan trọng ở chỗ có thể nói là thôi thì cha mẹ lo làm ăn, con cháu thì nhiều việc như đi chơi, rồi Karaoke, thậm chí khiêu vũ thì cái dịp ăn là dịp để nhắc nhở, cũng có khi là trước tiên để cha mẹ làm gương, các con bận gì thì bận, nhưng đây là tổ ấm thì phải cố gắng hàng tuần về. Rồi bản thân mình cũng có nhắc nhở con cái rồi con em cũng phải nhớ ngày đó để cùng về, rồi từ từ mình nhắc nhở nhau.

*VOH: Cảm ơn ông!

Phương Dung

Bình luận

Đọc Báo