Tỷ lệ người dân hiến máu ở nước ta chỉ đạt 1,68%! - Thời sự 17g00 13/07/2019

(VOH) - Việt Nam phải đạt tỉ lệ người hiến máu là 2% dân số thì mới đảm bảo lượng máu cấp cứu, tuy nhiên, theo thống kê, tỉ lệ người dân hiến máu ở nước ta chỉ đạt 1,68%.

Hiện nay, do nguồn máu cấp cứu cho người bệnh chưa tự điều chế được nên phải lấy từ người hiến dẫn đến tình trạng cung ứng máu không ổn định và tại một số thời điểm trong năm, lượng dự trữ máu trong ngân hàng máu của Bệnh viện Truyền máu huyết học Thành phố sụt giảm, không đáp ứng hết nhu cầu máu tại các bệnh viện.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỉ lệ người hiến máu ở các nước đang phát triển như Việt Nam phải đạt tỉ lệ 2% dân số thì mới đảm bảo lượng máu cấp cứu, trong khi đó theo thống kê cuối năm 2018, tỉ lệ người dân hiến máu ở nước ta chỉ đạt 1,68%. Liên quan đến vấn đề hiến máu, những khó khăn gặp phải hiện nay, phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn Bác sĩ Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học Thành phố.

*VOH: Thưa bác sĩ, bác sĩ  cho biết với nhu cầu hiện nay tại các bệnh viện về lượng máu thì Bệnh viện Truyền máu huyết học 6 tháng đầu năm 2019 đã có đáp ứng đủ hay không?

- Bác sĩ Phù Chí Dũng: Nói chung thì theo chỉ tiêu của Ban vận động hiến máu Thành phố giao cho Bệnh viện Truyền máu Huyết học và Trung tâm Hiến máu nhân đạo Thành phố cũng như căn cứ vào nhu cầu sử dụng máu của các bệnh viện và các tỉnh phía Nam trong đó tỷ lệ túi 350 ml, túi 450 ml chiếm 60%. Như vậy tính từ sau Tết âm lịch cho đến nay thì việc cung ứng máu cho các bệnh viện vẫn đảm bảo được nhu cầu khám chữa bệnh tại các bệnh viện, chưa để xảy ra tình trạng thiếu máu.

*VOH: Thực tế trong tháng 5 vừa qua cũng có một đợt thiếu hụt lượng máu cung cấp cho các bệnh viện cụ thể hơn vì sao có hiện tượng này?  

- Bác sĩ Phù Chí Dũng: Có những  giai đoạn nhất là trong tháng 5 vừa rồi là dịp nghỉ hè lượng máu trong ngân hàng máu dự trữ bị giảm. Bình thường thì trong ngân hàng máu chúng tôi số lượng dự trữ máu khoảng 7.000 đến 8.000 túi máu, tuy nhiên có thời điểm nó sụt xuống còn 4500 túi là thấp nhất. Tuy nhiên, chưa bao giờ chúng tôi để hết nguồn máu dự trữ. Khi rơi vào thiếu hụt, liền sau đó chúng tôi cũng phải tăng cường công tác vận động hiến máu hơn và chỉ cần sau 2 tuần thì lượng máu tăng cường đã về đủ. Hiện nay tình hình chung lượng máu dần dần đã khôi phục,  số liệu của bảng dự trù lấy máu đến cuối tháng 7 này dự kiến chúng tôi sẽ trở về bình thường đó là dự trữ được khoảng 8.000 túi máu

*VOH: Nguồn máu của chúng ta chủ yếu dựa vào vận động hiến máu tại cộng đồng, điều này nó có bị động trong việc cung cấp máu cho các cơ sở khám chữa bệnh hay không?

- Bác sĩ Phù Chí Dũng: Ở các nước trên thế giới nguồn máu lấy từ người hiến máu tự nguyện là chính. Ở Việt Nam cũng thế, theo Tổ chức Y tế thế giới WHO nước ta là nước đang phát triển thì khoảng 2% dân số cho máu thì sẽ đảm bảo nhu cầu máu cung cấp cho điều trị. Và con số thống kê của Việt Nam cuối năm 2018 thì tỷ lệ người hiến máu của chúng ta chỉ ở khoảng 1,68%, chưa được 2% đây cũng là một hạn chế và không có giải pháp nào khác ngoài việc chúng ta tăng cường công tác vận động hiến máu bằng nhiều hình thức.   Làm sao cho người dân giữ được hiến máu vừa là nghĩa vụ và quyền lợi. Nghĩa vụ là mình hiến đi giọt máu của mình để cứu sinh mạng của nhiều người khác, ở đây quyền lợi người đi hiến máu sẽ có lợi ích trước mắt là sẽ khỏe khoắn hơn, sẽ có nguồn máu tái tạo mới  trong đó hồng cầu trẻ hơn, bạch cầu trẻ hơn làm mình khỏe khoắn, sức khỏe tốt hơn. Còn lợi ích thứ hai nữa là chúng ta sẽ được dịp kiểm tra sức khỏe cũng như làm các xét nghiệm viêm gan, giang mai, HIV …

*VOH: Hiện nay cũng có những điểm mới trong bổ sung quyền lợi của người hiến máu, cụ thể hơn bác sĩ chia sẻ với thính giả?

- Bác sĩ Phù Chí Dũng: Trước khi người hiến máu nhân đạo tham gia hiến thì đã được các cộng tác viên tư vấn cụ thể, để tự họ lựa chọn những quyền lợi cụ thể là được xét nghiệm máu, công thức máu và một số xét nghiệm khác. Riêng tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học Thành phố là ngân hàng máu duy nhất của cả nước chúng làm thêm xét nghiệm tìm ra các con virút HTLV 1 và 2, là những virút có thể gây ra bệnh bạch cầu cấp. Ngoài xét nghiệm đó thì người tham gia hiến máu cũng có thể tham gia xét nghiệm thêm về men gan, cũng như là chức năng thận…

*VOH: Cảm ơn bác sĩ!

Nhất Hương

Bình luận

Đọc Báo