TPHCM tri ân sâu sắc những người có công với đất nước - Thời sự 5 giờ 30 27/07/2018

(VOH) - Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rất nhiều người con của đất nước đã hy sinh anh dũng để đem lại nền độc lập cho dân tộc.

Vì vậy, để giữ gìn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống nghĩa tình, những năm qua, công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công luôn được Đảng bộ, chính quyền TPHCM quan tâm, thể hiện trách nhiệm và tình cảm biết ơn sâu sắc. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, nhân dân thành phố đối với những người có công với cách mạng.

Chúng tôi gặp bà Lại Thị Kim Túy - chiến sĩ biệt động Sài Gòn năm xưa khi bà vừa đi thắp hương cho những người đồng đội của mình dịp 27/7. Bà kể, năm 1967 tham gia vào tổng động viên với nhiệm vụ xây dựng cơ sở Phân khu 2 thuộc Biệt động vùng 3 cánh Tây Nam, hoạt động ở vùng ven Sài Gòn. Đêm 30 Tết Mậu Thân năm 1968, bà cùng 43 chiến sĩ trong đơn vị tham gia đánh vào Phú Thọ Hòa và bắn cháy 3 xe bọc thép, bắn rơi 1 trực thăng địch nhưng không lâu sau địch tổ chức phản công với số lượng đông gấp bội cùng sự yểm trợ của pháo binh, không quân, thiết giáp, khiến 38 đồng đội của bà hy sinh. Sau nhiều lần phá vây không thành, bà cùng 5 đồng đội được người dân địa phương che chở dẫn ra ngoài, vượt qua chốt kiểm soát của địch để trở về căn cứ. Đến nay trong số 6 anh chị em sống sót thì chỉ còn lại một mình bà. Gia đình bà  Kim Túy hiện có 7 người là liệt sỹ.

Nhằm chia sẻ sự mất mát với những đồng đội đã hy sinh, sau ngày giải phóng miền Nam bà đã vận động tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho gia đình những đồng đội đã hy sinh. Đặc biệt, bà còn nhận chăm sóc một Mẹ Việt Nam anh hùng cho đến ngày mẹ mất: "Khi nhìn thấy anh em mình nhảy lên xung phong là hy sinh và chúng tôi cảm thấy rất đau lòng. Sau này hàng năm cứ tới ngày giỗ của các liệt sỹ là tôi cùng với đồng đội và phường Tân Thới Hòa về tỉnh đón các gia đình liệt sỹ về đây để long trọng tổ chức lễ giỗ cho các anh, để các anh thanh than ra đi. Đồng thời để gia đình các anh cũng được yên lòng vì có sự qua tâm của những người còn lại".

Nói đến công lao của những đồng bào, chiến sỹ đã hy sinh, ông Kiều Xuân Long, nguyên cán bộ Ban tuyên huấn Trung ương cục, Tiểu ban tuyên truyền đối ngoại, Chánh văn phòng Bí thư Đảng ủy của Ban Trí vận Khu ủy Sài Gòn, Gia Định xúc động, cho biết: "Sự hy sinh đó phải nói là vô bờ bến và hoàn toàn là tinh thần xung phong. Giành nhau mà đi, đòi nhau mà đi. Và đi là đều nghĩ đến cái chiến thắng. Và rất nhiều tầng lớp nhân dân và rất nhiều những trí thức của chúng ta cũng hy sinh. Sự hy sinh đó rất lớn, nhất là thanh niên Bộ đội miền Bắc, đồng bào của chúng ta những người không cầm súng cũng hy sinh. Có thể nói cuộc chiến tranh rất ác liệt".

Tại TPHCM, huyện Củ Chi luôn là một trong những huyện thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Với nhiều cách làm hay, thiết thực chăm lo cuộc sống cho hơn 8.000 người đang hưởng chính sách hàng tháng, bao gồm Mẹ Việt nam anh hùng. Các công tác thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách luôn được tổ chức kịp thời, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với những người đã cống hiến tuổi xuân, hy sinh máu xương cho độc lập, tự do của quê hương, đất nước. Đánh giá về công tác đền ơn đáp nghĩa của huyện Củ Chi, ông Trần Thanh Hoàng, Trưởng Phòng Chính sách có công - Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết: "Ở TPHCM, huyện nhiều đối tượng chính sách nhất là huyện Củ Chi, chiếm 1/3 đối tượng chính sách. Mặc dù ở địa bàn xa nhưng thời gian qua huyện Củ Chi cũng làm rất tốt việc chăm lo các đối tượng chính sách. Mức thì không được bằng của Quận 1 nhưng đảm bảo được mức của người có công trên địa bàn ổn. Đó là một trong những điều mà tôi thấy là ở các huyện xa họ đng cố gắng phấn đấu để đảm bảo mức sống của người có công đáp ứng được nhu cầu của hiện tại".

Hiện nay, TPHCM có trên 271.000 người có công với cách mạng và thân nhân hưởng chính sách theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công. Ngoài chính sách trợ cấp theo quy định của Nhà nước, TP đã vận động các nguồn lực của xã hội để nâng nhiều chế độ chính sách cho các đối tượng xây dựng nhà tình nghĩa; tăng mức hỗ trợ sinh hoạt cho các đối tượng chính sách có công đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh; trợ cấp thêm ngoài quy định cho tất cả Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, TPHCM quyết định mỗi phần quà tăng thêm 500 ngàn đồng so với năm 2017. Ngoài ra, TP còn tổ chức các đoàn đi thăm và tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình chính sách; tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP và các đài tưởng niệm trên địa bàn 24 quận, huyện. Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết về công tác đền ơn đáp nghĩa của TP: "Năm nay kỷ niệm 71 năm ngày TBLS, các cấp chính quyền và toàn thể xã hội phải chăm lo cho gia đình chính sách, thương binh liệt sỹ. Đó là cái đền ơn đáp nghĩa, cái đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đó là tình cảm của nhân dân đối với những người đã hy sinh xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Riêng TPHCM năm nay dù ngân sách khó khăn  nhưng vẫn bảo đảm an sinh XH thật tốt kể cả tập trung chăm lo cho đối tượng chính sách có công. Đối tượng là TBLS, Mẹ VN Anh hùng phải thật tốt".

Ngoài ra, TP còn dành nhiều món quà tinh thần và vật chất để chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công đã từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, ông Lê Minh Tấn, cho biết thêm: "Riêng sự gắn bó đối với các tỉnh thành trên cả nước cũng như các cơ sở nuôi dưỡng thương binh ở phía Bắc thì năm nay TP cũng dảnh trên 3 tỷ đồng để đi thăm các cơ sở chăm lo cho thương binh ở các tỉnh phía Bắc cũng như các đơn vị có nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh để thể hiện cái tình cảm của TP không chỉ trong TPHCM mà đối với các tỉnh thành nhất là phía Bắc, những người, những địa phương đã gửi con em tham gia chiến trường miền Nam trong chiến đấu giải phóng dân tộc".

Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy khẳng định: Các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng đã không tiếc máu xương, chấp nhận những mất mát, hy sinh cho nền độc lập của Tổ quốc hôm nay. Vì vậy, Thành phố mãi mãi khắc ghi, trân trọng ghi ơn và nguyện đền đáp công lao to lớn đó. Đó là bổn phận, trách nhiệm, là tình cảm, tấm lòng của Đảng bộ và nhân dân TP đối với bao thế hệ cách mạng đi trước: "Với ý nghĩa rất thiêng liêng, theo chủ trương của lãnh đạo TP thì đây cũng là dịp để tri ân rất sâu sắc đối với những đồng chí đã hy sinh. Đặc biệt là đối với những anh hùng liệt sỹ, những đồng bào đã hy sinh cho hai cuộc kháng chiến sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước".

Bằng những việc làm nghĩa tình của toàn thể nhân dân thành phố đã thể hiện tình cảm, sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, mất mát của các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, các đối tượng chính sách trên địa bàn cũng như ngoài địa bàn. Hoạt động này không chỉ góp phần cùng địa phương thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, đồng thời để lại ấn tượng, hình ảnh tốt đẹp trong lòng nhân dân cả nước.

Phương Dung

Bình luận

Đọc Báo