TPHCM sẽ thực hiện đấu giá đất trở lại tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm - Thời sự 5g30 7/8/2022

(VOH) - Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng rà soát các quỹ đất tái định cư cho người dân và xóa bỏ theo quy định theo từng giai đoạn những dự án treo đã kéo dài.

TPHCM đang kiến nghị lên Trung ương, trong đó đề xuất cho TPHCM một số cơ chế phân cấp, ủy quyền để triển khai thực hiện một số nhiệm vụ để triển khai tốt hơn cho lần đấu giá đất trở lại đối với các lô đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo UBND Thành phố, việc phân cấp, ủy quyền cho các quận, huyện, Thành phố Thủ Đức được chủ động giải quyết nhiều công việc tồn đọng hiện nay, trong đó có vấn đề đấu giá đất và các dự án bất động sản thi công kéo dài thời gian qua trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng rà soát các quỹ đất tái định cư cho người dân và xóa bỏ theo quy định theo từng giai đoạn những dự án treo đã kéo dài.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) đã phỏng vấn ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM:

*VOH: Thưa ông, TPHCM sẽ thực hiện đấu giá đất trở lại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, tuy nhiên, qua những vụ việc vừa qua thì ông nhận thấy những vấn đề nào chúng ta cần rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn cho lần đấu giá đất trở lại?

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Đối với việc mà đấu giá đất, Sở Tài nguyên và Môi trường có mấy việc: Thứ nhất, một khi mà có quyết định trúng đấu giá rồi, thì ký hợp đồng với đơn vị trúng đấu giá, sau đó chuyển toàn bộ nội dung đó qua bên thuế, để thuế theo dõi, thu theo quy định, thì theo hợp đồng, các nội dung liên quan đến chậm nộp và các vấn đề khác thì bên thuế xử lý. Còn bên Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp sao cho đủ 180 ngày mà người ta không liên hệ nộp nghĩa vụ thì phối hợp việc tham mưu chấm dứt việc bán tài sản. Đó là quy định trong chức năng, nhiệm vụ của từng bên… Hiện chúng tôi phải chờ một văn bản chính thức của bên Thuế gởi qua đến ngày mấy ngày mấy người ta có liên hệ bên Thuế hay chưa, thì lúc đó mới có quyết định chấm dứt hay không việc bán tài sản.

*VOH: Mức giá Thành phố đưa ra cho các đơn vị tham gia đấu giá đất được xác định dựa trên những tiêu chí nào và các phương pháp tính giá đất thì chúng ta áp dụng như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Mức giá khởi điểm đưa trên các thông tư 36 và các quy định khác về xác định mức giá khởi điểm. TPHCM đang giao có một đánh giá tổng thể thì giao cho các cơ quan đánh giá lại quá trình thực hiện. Có 6 phương pháp tính giá, nhưng khi áp dụng thực tiễn thì có vướng, nên vừa rồi sở có làm một văn bản gởi Bộ Tài Chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chủ trì soạn thảo các phương pháp để hướng dẫn giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn.

Không chỉ TPHCM mà các tỉnh khác cũng có vướng như vậy nên vừa rồi, việc xây dựng Luật Đất đai 2013, TPHCM cũng có kiến nghị nếu khó khăn từ các phương pháp thì xin phương pháp từ cách điều chỉnh bảng giá để việc làm thuận lợi, chứ Thành phố đã có bảng giá chính thức gởi cho Thủ tướng Chính phủ văn bản kiến nghị. Trong quá trình thẩm định giá đất, có những khó khăn, đặc biệt là trong việc thẩm định thông tin đầu vào, ví dụ phương pháp thặng dư, là thu thập toàn bộ doanh thu, toàn bộ chi phí với tổng doanh thu mới ra giá trị thì khi đi thu thập mới ra vấn đề. Do đó, Thành phố đã có kiến nghị rất chi tiết cho hai Bộ mà soạn thảo thông tư hướng dẫn về tính giá đất, đó là khó khăn. Mong muốn của cơ quan nhà nước là muốn tính sớm để để duyệt giá, nhưng mà chứng thư, dữ liệu không đầy đủ, thì không thông qua được.

Do đó, khi cấp giấy chứng nhận, trong nghị định mới nhất, là nghị định 148 có nêu rất rõ là chủ đầu tư phải nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính thì mới cấp giấy chứng nhận. Việc chưa cấp giấy chứng nhận cũng liên quan đến trách nhiệm của người dân, thì cũng giải thích cho người dân rõ là nếu dự án này có điều chỉnh quy hoạch thì đương nhiên phải tính nghĩa vụ tài chính bổ sung. Khi tính xong nghĩa vụ tài chính, chủ đầu tư nộp rồi mới cấp giấy chứng nhận.

*VOH: Thưa ông, đối với dự án mà theo chủ trương được chấp thuận cho làm và theo quy hoạch 1/500 được duyệt thì theo quy định sẽ tính nghĩa vụ tài chính như thế nào?

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Đối với dự án mà theo chủ trương được chấp thuận cho làm và theo quy hoạch 1/500 được duyệt thì theo quy định tính nghĩa vụ tài chính theo chỉ tiêu quy hoạch. Như vậy, những trường hợp phải tính nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy hoạch, thì Sở Tài nguyên Môi trường đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn. Đơn vị này phải đi thu thập tài liệu, chứng thư các thứ, nội dung đó phải căn cứ vào chứng thư được lập. Tại sao lại chậm? là vì do thay đổi điều chỉnh mà những dữ liệu họ không thu thập được, hoặc là chứng thư không đạt. Cơ quan nhà nước đã nói rõ phần này, chứng thư anh phải đảm bảo đúng quy định pháp luật. Tức là phương pháp thu thập phải đúng, dữ liệu phải chính xác thì mới duyệt thông qua, chứ việc điều chỉnh quy hoạch, lập chứng thư mà nộp vô cơ quan nhà nước thẩm định, duyệt giá thì gần như là có khó khăn.

Chúng ta cũng biết là số tiền đơn vị tư vấn trúng để làm chứng thư thẩm định để làm giá của một dự án không nhiều, và họ rất mất thời gian để đi thẩm định, mà thị trường hiện nay có những giới hạn nhất định, thường thì 6 tháng thu thập xong nhưng 6 tháng thu thập chưa xong thì không có đầy đủ các dữ liệu, lúc đó cơ quan nhà nước phải trả thôi. Cái này công khai mà.

Có nhiều phương pháp tính hiện nay, là thu thập không được những thông tin, dữ liệu so sánh, rồi các dữ liệu. Bởi vì thời điểm mà họ điều chỉnh quy hoạch, ví dụ dự án cách đây 5 năm, họ điều chỉnh quy hoạch, thì giá là tính thời điểm đó đi thu thập, thì dữ liệu thời điểm đó rất khó khăn cho đơn vị tư vấn, thì cái đó cũng rõ.

Thật ra, việc tính giá rất rõ ràng, ví dụ như khi nào nộp đầy đủ, tôi nhận vô thì tôi mới tính, phải có chứng thư cơ quan nhà nước mới thẩm định được.

*VOH: Hiện nay, để chuẩn bị cho việc tái định cư của người dân trên địa bàn Thành phố thì đối với các dự án di dời, giải tỏa, TPHCM đã có sự chuẩn bị, hỗ trợ các dự án triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Phần tái định cư ở các khu công nghiệp có hai giai đoạn: Giai đoạn trước Luật Đất đai 2013, thì các giai đoạn cũ, khi nhà nước triển khai quy hoạch đất, phát triển khu công nghiệp, thì lúc đó các điều kiện ràng buộc mà 6 điều kiện như bồi thường, thì lúc đó Luật chưa đưa vào, song song việc người ta đi bồi thường, thì song song với việc chuẩn bị nhà tái định cư, nên câu chuyện là tôi muốn tái định cư nhưng tôi giải phóng mặt bằng khu kia chưa xong, khu này tôi cũng đang giải phóng mặt bằng, nên câu chuyện là khi người dân cần nền tái định cư thì khu kia chưa được bố trí đầy đủ.

Do đó, vừa rồi Sở Tài nguyên Môi trường cũng đi rà soát kiểm tra các dự án cũ. Có khoảng 11 khu công nghiệp chưa giải phóng mặt bằng hoàn tất, và một khu tái định cư chưa giải phóng mặt bằng. Trong đó, Sở kiến nghị Thành phố là với những trường hợp hiện nay mà chưa giải phóng mặt bằng xong mà còn vướng thì ngoài câu chuyện bồi thường theo phương án được duyệt, bởi vì thời điểm này khác với thời điểm thu hồi đất, do đó phải hỗ trợ và quan tâm đến chính sách hỗ trợ để giải quyết, vừa giải quyết khu công nghiệp, khu tái định cư luôn để có nền.

Tuy nhiên, muốn vậy thì hạ tầng phải hoàn chỉnh, ví dụ có khu tái định cư 5 hecta, mới giải phóng được 3,5 hecta, còn 1,5 hecta thì chưa giải phóng mặt bằng. Trong Luật thì chưa giải phóng mặt bằng, chưa làm hạ tầng thì làm sao mà cấp giấy được, nhưng vẫn bố trí cho người dân vô ở, thì ở đây vấn đề này không thể cấp giấy chứng nhận được. Do đó, chủ đầu tư được giao khu tái định cư, phải nhanh chóng xử lý để bồi thường liền cho dân và tổ chức hoàn chỉnh hạ tầng để từ đó nghiệm thu và cấp giấy cho người dân. Người dân không thể nào ở nơi mà hạ tầng chưa hoàn chỉnh. Do đó sở đã đi kiểm tra 6 quận huyện mà còn lại cái cũ và 11 khu hiện nay còn chưa xong và có khu liền kề tài định cư. Còn trong Luật mới quy định rất rõ, muốn làm gì thì quỹ nền, nhà phải chuẩn bị trước. Khi đi khảo sát xác định là có 100 trường hợp.

*VOH: Còn đối với những dự án treo thì Sở Tài nguyên và Môi trường đã có sự rà soát như thế nào để tạo thuận lợi hơn cho người dân, tránh trường hợp rơi vào dự án treo kéo dài quá lâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Toàn Thắng: Dự án treo có 2 giai đoạn: giai đoạn 2021-2023, 2015-2020, chúng tôi đã rà soát tất cả các dự án, dự án nào đưa vào danh mục đều rà soát hết, chúng tôi rà soát hơn 2.800 dự án và thu hồi 168 dự án mà quá 3 năm. Hiện nay chúng tôi đang rà soát tiếp giai đoạn 2021-2023 để xem dự án nào chậm thì xử lý tiếp, dự án nào đủ điều kiện thì cho phép tiếp tục triển khai.

*VOH: Xin cảm ơn ông.

Lệ Loan

VOH

Bình luận

Đọc Báo