TPHCM quyết liệt phòng dịch tả heo châu Phi - Thời sự 17g00 15/05/2019

(VOH) - Từ Tết Nguyên đán đến nay, các tỉnh, thành phố phía Nam đã ra sức phòng chống dịch tả heo châu Phi rất quyết liệt.

Hơn tuần nay dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở Đồng Nai, Bình Phước và mới nhất ngày 13/5 là Hâu Giang.

Tả heo châu Phi là bệnh không thể điều trị được, thế giới chưa có thuốc chủng ngừa, đặc trị. Dịch tả heo châu Phi không chỉ gây thiệt hại về kinh tế nhiều mặt, mà còn đe dọa cả một ngành hàng lớn, thậm chí liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng. Khi heo mắc tả heo châu Phi phải tiêu hủy hoàn toàn số heo trong chuồng, trang trại.

Đến nay dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở 29 tỉnh, thành phố nước ta, các ngành chức năng cùng các địa phương đã tiêu hủy hơn 1,2 triệu con heo. Đây là thiệt hại rất lớn, nhưng vì sự tồn vong của cả ngành chăn nuôi heo, chúng ta phải buộc lòng tiêu hủy để ngăn chặn sự lây lan của dịch.

TPHCM tuy chưa có dịch xuất hiện, nhưng khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc, lãnh đạo Thành phố đã ban hành kế hoạch ứng phó, đặt ra 3 tình huống: dịch ở phía Bắc, dịch áp sát Thành phố, dịch vào Thành phố. Hiện nay, Thành phố đang triển khai phương án 2 tức phương án Đồng Nai, Bình Phước đã xuất hiện dịch tả heo châu Phi.

Thành phố có hơn 3.900 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn hơn 274.000 con. Trong đó, có 247 hộ nuôi heo bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn, đây là nguy cơ cao đối với dịch tả heo châu Phi.

Tại thành phố có 11 cơ sở giết mổ heo với số lượng giết mổ bình quân hàng đêm 6.500-7.000 con. Kiểm soát dịch bệnh dịch tả heo châu Phi tại 11 cơ sở này, là góp phần quan trọng trong phòng dịch tả heo châu Phi.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Thanh Liêm lưu ý bệnh tả heo châu Phi gây chết 100% heo mắc dịch, yêu cầu người nuôi heo, các đơn vị cần thực hiện quyết liệt các giải pháp, tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh.

Dịch tả heo châu Phi thường lây lan qua thức ăn thừa, qua vận chuyển tẩu tán heo bệnh, qua ao hồ sông suối do người chăn nuôi vứt xác heo bệnh. Sau khi dịch này xuất hiện tại Đồng Nai, Bình Phước, Sở Nông ngiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM đã làm việc với tỉnh Long An và Đồng Nai để thống nhất chỉ nhập heo vùng không có dịch, có giấy chứng nhận kiểm dịch ghi rõ tên chủ hộ nuôi, nguồn gốc ở 3 cấp: xã, huyện, tỉnh.

Chính phủ cũng ban hành chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi heo bị dịch tả heo châu Phi bị tiêu hủy là 38.000 đồng/kg. Mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị nâng thêm tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, đảm bảo nguồn thịt sạch cho thị trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Công thương phải lên phương án thu gom heo để giết mổ, cấp đông tạm trữ phòng trường hợp xấu sau khi dịch tả heo châu Phi tràn vào phía Nam và xuất hiện trở lại tại nhiều tỉnh thành phía Bắc.

Dù dịch tả heo châu Phi là dịch bệnh nguy hiểm, nhưng không có nghĩa là chúng ta “bó tay” với dịch tả heo châu Phi. Thanh Hóa là tỉnh đã ngăn chặn được dịch tả heo châu Phi bằng sự vào cuộc đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, Sở ngành và cần khoanh vùng dịch tả heo châu Phi để phòng chống.

TPHCM đang ra sức phòng chống dịch tả heo châu Phi sẽ không thể xuất hiện ở Thành phố chúng ta, khi mọi người ai cũng có trách nhiệm góp sức cùng chính quyền, cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đây vốn là truyền thống của TPHCM.

VOH

Bình luận

Đọc Báo