Tổng hợp tuần làm việc thứ 3 của Quốc hội - Thời sự 5g30 11/11/2018

(VOH) - Trong tuần này, Quốc hội đã thảo luận về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam...

Việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; Thảo luận ở tổ về: dự án Luật Kiến trúc; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019… 

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: TTXVN

Thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan, cơ bản nhất trí với việc phê chuẩn Hiệp định, nhiều đại biểu nêu rõ, tham gia CPTPP mở ra cho Việt Nam cả cơ hội và thách thức. Tuy nhiên xét về lâu dài, thì cơ hội, lợi thế nhiều hơn thách thức. Do vậy, nên tham gia và phê chuẩn CPTPP càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn Thái Bình cho rằng: Chúng ta nên có những bước chuẩn bị kỹ càng trước khi hiệp định có hiệu lực: "Chúng ta chưa có bất kỳ dự kiến nào về việc sửa đổi hay ban hành chính sách mới hay văn bản, không phải do hiệp định trực tiếp yêu cầu, nhưng cần thiết điều chỉnh dưới tác động của hiệp định. Ví dụ, để thực hiện cam kết về thuế quan của hiệp định. Chúng ta đã dự kiến ban hành về biểu thuế XNK ưu đãi nhưng chúng ta chưa có dự kiến nào về chính sách để cân đối bù đắp nguồn thu ngân sách do loại bỏ thuế từ các cam kết. Ví dụ các biện pháp cắt giảm chi,...."

Tiếp thu và giải trình làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết: "Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành thường xuyên đánh giá các tác động đến tổng thể nền kinh tế cũng như từng lĩnh vực cụ thể để xây dựng các giải pháp điều hành phù hợp. Sau khi phê chuẩn Hiệp định CPTPP, Chính phủ cũng đã có báo cáo kèm theo trong báo cáo giải trình của Chính phủ đã đưa ra những định hướng cơ bản cho việc thực thi Hiệp định. Sắp tới, sẽ chỉ đạo Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để xây dựng kế hoạch chi tiết và phân công lộ trình triển khai chủ động".

Một trong những nội dung thu hút sự chú ý của dư luận, đó là khi Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Sau nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tiếp thu khá đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia; Bổ sung các điều khoản quan trọng, góp phần tháo gỡ vướng mắc hạn chế hiệu quả hoạt động của các trường… Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy, Đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Một vài nội dung cần viết rõ hơn bởi nội dung đó sẽ liên quan trong quả trình vận hành: "Chúng ta thấy rằng, quản lý nhà nước kiêm chủ sở hữu không phù hợp, phải có tổ chức riêng, cơ quan đại diện vốn nhà nước trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nhà nước đầu tư, thực chất đó là chủ sở hữu. Trong văn bản có đề cập đến yếu tố chủ sở hữu nhưng không có định nghĩa nên đề nghị lưu tâm vấn đề đó. Chủ sở hữu là người có 4 quyền, bao gồm quyền thành lập, quyền đầu tư, quyền quyết định nhân sự và quyền xử lý, chế tài đơn vị này khi vi phạm pháp luật. Nếu không làm rõ điều này thì đại học như không có chủ, rất nguy hiểm, không thể có đại học vô chủ, đại học phải có chủ và người chủ phải làm đúng quyền của mình."

Về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), các đại biểu cũng tập trung làm rõ về một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau như: Thời điểm đặc xá; các trường hợp không được đề nghị đặc xá; Thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài... Đây là dự án Luật thể hiện tinh thần nhân đạo của Đảng, Chính phủ và Nhà nước ta với những người từng lầm lỡ, quay về với cuộc sống nên cũng là một nội dung trọng tâm. Về thời điểm đặc xá, các ý kiến phát biểu bày tỏ nhất trí cao với dự thảo luật quy định 3 thời điểm đặc xá. Đó là: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt.

Tuy nhiên, một số đại biểu góp ý: hiện nay trong 3 thời điểm đặc xá, riêng ngày lễ lớn đã có quy định tại nghị định 145 của Chính phủ, tuy nhiên hai thời điểm còn lại là ”sự kiện trọng đại của đất nước” và ”trường hợp đặc biệt vì lý do đối ngoại” hiện vẫn chưa có văn bản nào quy định và trong dự thảo luật cũng chưa có giải thích. Do đó, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc: Nếu giữ nguyên 3 thời điểm này cần đưa thêm vào phần giải thích từ ngữ để tránh hiểu mơ hồ, gây khó khăn trong thực thi. Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Vũ Trọng Kim - Đoàn Hải Dương, nêu rõ: "Nên xác định trong luật này 3 thời điểm và quyền quyết định thời điểm nào cụ thể thì do Chủ tịch nước. Nên chọn vào 3 thời điểm đó là ngày quốc khánh, tết nguyên đán và 30/4 ngày hoàn toàn giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Nên giao cho Chủ tịch nước quyết định là thời điểm nào, khi tiến hành đặc xá có sự tham mưu của tổ thẩm vấn có tính chất liên ngành và có đề nghị của Chính phủ. Như thế chúng ta tránh được những việc làm quá gấp gáp, mà đã gấp gáp như thế dễ sinh ra khuyết điểm".

Một vấn đề đáng lưu ý là với 92,16% số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với các chỉ tiêu chủ yếu như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%;  Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Trình bày báo cáo thẩm tra Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, cho biết: "Chỉ tiêu tăng GDP năm 2019 đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%. Qua dự báo và các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội mức tăng GDP 6,6-6,8% cho năm 2019 là bảo đảm tính thận trọng, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tiếp tục tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội."

Hôm nay Quốc hội nghỉ. Tuần tới, Quốc hội sẽ tiếp tục làm việc với các nội dung trọng tâm: Biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Thảo luận ở tổ về:  Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan… 

Phú Sơn

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo