Tìm lời giải bài toán ùn tắc giao thông tăng trở lại tại TPHCM – Thời sự 11g00 11/5/2021

(VOH) - Theo nhận định của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình giao thông tại thành phố tương đối ổn định trong giai đoạn ngắn.

Tuy nhiên, quý I/2021, tình hình ùn tắc giao thông có chiều hướng gia tăng trở lại, nhất là từ tháng 3 đến nay. Nhiều tuyến đường ở khắp các cửa ngõ vào trung tâm thành phố bị ùn tắc đến “ngộp thở” vào các khung giờ cao điểm. Nhiều khu vực có nguy cơ trở thành những điểm nóng ùn tắc mới, khiến tình hình giao thông tại thành phố thêm phần phức tạp.

Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, qua theo dõi 18 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông đến tháng 3/2021, có 04 điểm chuyển biến tốt, 08 điểm có chuyển biến, nhưng tình hình giao thông còn phức tạp và 06 điểm không chuyển biến. Không chỉ khu vực cửa ngõ thường xuyên ùn tắc, khu trung tâm thành phố cũng có dấu hiệu quá tải, ùn tắc cục bộ xảy ra mỗi ngày, chỉ thông thoáng dịp cuối tuần.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng đường bộ, Sở Giao thông vận tải thông tin, đối với các điểm ùn tắc giao thông, có 6 mức đánh giá tình hình. Nhưng hiện có 80-90% các tuyến đường trục chính rơi vào mức độ F - mức ùn tắc ở khung giờ cao điểm. Nhiều tuyến đường, lưu lượng phương tiện giờ cao điểm đã vượt xa năng lực phục vụ của tuyến như đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Xô Viết Nghệ Tĩnh… Thường xuyên lưu thông qua khu vực Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý, anh Lâm Đạt cho biết rất “sợ” đi vào giờ cao điểm: Sáng ra đi làm với giờ tan tầm đông lắm, di chuyển trên đoạn đường đó có khi gấp đôi thời gian bình thường luôn. Rồi ý thức của người ta cũng chưa được tốt lắm

Là điểm đầu của đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đường Mai Chí Thọ, nhiều năm qua, nút giao An Phú là điểm nóng ùn tắc khiến nhiều người lưu thông qua đây luôn cảm thấy bức bối. Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải nhìn nhận: “Đây là điểm có lượng lưu thông rất lớn, nhất là khi vành đai 2 chưa hoàn thiện, phương tiện từ cao tốc xuống chủ yếu thoát từ nút giao An Phú, thành ra việc xảy ra ùn tắc là thường xuyên, nhất là dịp thứ 7, chủ nhật các ngày lễ thường xuyên xảy ra”.

Không chỉ những “điểm nóng” ùn tắc đã được xác định lâu nay chưa xử lý xong, Sở Giao thông vận tải ghi nhận thêm nguy cơ cao ùn tắc giao thông đang “vây” tứ phía khu vực cửa ngõ thành phố. Vòng xoay Phú Lâm, đường Hồng Bàng có mật độ lưu lượng lớn ở khu vực phía Tây; cầu Kênh Tẻ, giao lộ Phạm Hùng-Nguyễn Văn Linh phía Nam; nút giao An Sương, đường Tô Ký, nút giao Nguyễn Văn Bứa-Quốc lộ 22, Quốc lộ 1 phía Bắc; hay các tuyến đường tại ngã tư Thủ Đức, ngã tư Bình Thái, đường Nguyễn Duy Trinh, là những tuyến đường có mật độ lưu lượng lớn có nguy cơ trở thành những điểm ùn tắc mới.

Về nguyên nhân, ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng đường bộ, Sở Giao thông vận tải cho rằng, mùa mưa bắt đầu cũng gây ùn ứ, nhất là vào giờ cao điểm hoặc có sự cố ngã cây xanh, việc thi công các công trình các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp trước mùa mưa bão. Và đáng chú ý, số lượng xe tiếp tục tăng nhanh. Số lượng phương tiện đăng ký mới bắt đầu tăng. Như trước đây, năm 2020 thì số lương ô-tô đăng ký mới trung bình mỗi ngày chỉ khoảng hơn 100 xe. Nhưng trong quý 1-2021, tính trung bình thì tăng nhiều, mỗi ngày số lượng xe đăng ký mới là 164 xe ô tô”.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều giải pháp công trình và phi công trình đã được triển khai nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông. Giải pháp về tổ chức, điều khiển hệ thống đèn tín hiệu giao thông từ các tủ điều khiển đèn tín hiệu kết nối về Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị là một trong những giải pháp phi công trình được thực hiện khá hiệu quả. Theo ông Ngô Hải Đường, thông qua dữ liệu quan trắc, mô hình mô phỏng giao thông mức độ phục vụ của đường, Trung tâm sẽ phân tích, đánh giá lưu lượng trên các tuyến đường trục chính, hướng tâm và đưa ra giải pháp phù hợp, tổ chức điều chỉnh giao thông kịp thời.

Trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều công trình giao thông trọng điểm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông của người dân, thông thương hàng hóa. Tuy nhiên, cũng có những công trình trọng điểm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, trở thành những điểm nghẽn chưa tháo gỡ được, trong đó có nút giao An Phú. Một thông tin vui là vừa qua, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chính thức thông qua dự án xây dựng nút giao An Phú, tổng mức đầu tư khoảng gần 4.000 tỷ đồng. Nút giao này khi hoàn thành sẽ giải quyết ùn tắc, đáp ứng nhu cầu giao thông thông suốt cho khu vực phía Đông. Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải thông tin: “Dự án này nằm ở điểm đầu cao tốc. Đúng ra trước đây Bộ Giao thông đầu tư, nhưng khó khăn trong sắp xếp nguồn vốn nên thành phố đề xuất trung ương hỗ trợ một phần, thành phố bố trí một phần để đầu tư. Tổng mức dự kiến là hơn 3.900 tỷ. Vừa rồi, Hội đồng nhân dân thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư, chờ Bộ Kế hoạch đầu tư trình Thủ tướng chấp thuận để bố trí nguồn vốn trung ương nữa, sau đó thành phố sẽ tiếp tục lập dự án đầu tư”.

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới Ban sẽ cùng Sở Giao thông vận tải, các đơn vị liên quan triển khai nhiều dự án để phát triển hạ tầng giao thông thành phố. Các dự án giao thông trọng điểm như khép kín đường Vành đai 2, xây dựng Vành đai 3, các tuyến quốc lộ theo quy hoạch, các công trình hạ tầng giao thông kết nối khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước và một số nút giao trọng điểm, tuyến cửa ngõ thành phố sẽ được tập trung để đẩy nhanh tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông Thành phố cho rằng, để giải quyết các điểm nóng ùn tắc giao thông trên địa bàn thì đã có nhiều giải pháp, cụ thể là từ giải pháp công trình, phi công trình, giải pháp ngắn hạn, trung hạn hay là dài hạn. Nhiều công trình mang lại hiệu quả cao như là về việc mở rộng đường, xây dựng cầu vượt, mở rộng hẻm để thoát, sắp xếp và tổ chức lại giao thông ở một số tuyến đường từ đường 2 chiều thành 1 chiều, lắp đặt dải phân cách hay là đèn tín hiệu giao thông. Cùng với đó, huy động nhiều lực lượng khác nhau trên địa bàn thành phố để phối hợp cùng với lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức điều tiết, cũng như hướng dẫn giao thông tại các điểm nóng, điểm giao cắt. “Tất cả những cái giải pháp các năm qua mà thành phố chúng ta thực hiện, theo tôi nghĩ là cơ bản, là giải pháp tình thế và cũng là cái điều kiện tiên quyết để mà bước đầu cho thời gian sắp tới để nó căn cơ hơn trong công tác khắc phục này. Muốn giải quyết được ùn tắc giao thông của thành phố thì chúng ta phải giải quyết đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể chứ không thể một vài giải pháp là có thể khắc phục được. Phải tập trung cả vật lực, tài lực và nhân lực của toàn xã hội, cộng với cái ý thức cao của mọi người khi tham gia giao thông thì cái tình trạng này chúng ta mới có thể khắc phục”.

Để giải bài toán ùn tắc gia tăng, các công trình hạ tầng giao thông vẫn đang được chú trọng và đẩy nhanh tiến độ triển khai, nhưng cần thêm thời gian. Các giải pháp phi công trình, giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông cần được phát huy tối đa. Cùng với đó, mỗi người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông thành phố, giảm tai nạn, giảm ùn tắc một cách hiệu quả hơn.

Hoàng Khuê

Bình luận

Đọc Báo