Tiến sĩ Trần Du Lịch hiến kế phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM – Thời sự 11g00 6/12/2021

(VOH) - Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, hành chính công và quản trị công là nhóm giải pháp ít tốn kém nhất, nhưng hiệu quả nhất để giúp doanh nghiệp tự phục hồi.

Tại Hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022 - 2025” do UBND TPHCM tổ chức mới đây, góp ý cho chương trình phục hồi kinh tế của Thành phố và hỗ trợ doanh nghiệp, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, hành chính công và quản trị công là nhóm giải pháp ít tốn kém nhất, nhưng hiệu quả nhất để giúp doanh nghiệp tự phục hồi.

Các biện pháp trước mắt là triển khai hiệu quả Nghị quyết 128 của Chính phủ và mở rộng hoạt động kinh tế để doanh nghiệp và người dân tự tổ chức lại sản xuất với động lực tự nhiên. Thành phố chủ động quan hệ với các địa phương để khai thông hệ thống vận tải, chấm dứt tình trạng chia cắt theo ranh giới hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất Thành phố cần phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ đưa lao động ở địa phương trở về làm việc. Đồng thời, cần triển khai nhanh dự án quan trọng bị ngưng trệ như: xây dựng trung tâm tài chính TPHCM; trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại Thành phố Thủ Đức; xây dựng đô thị thông thông minh; chương trình hỗ trợ doanh nghiệp số hóa các hoạt động... VOH trích ý kiến đề xuất của Tiến sĩ Trần Du Lịch về các vấn đề này:

Thành phố này, trong cơ cấu có 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực. Các nhóm này đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng và tác động chính sách, tạo chính sách lan toả nhanh nhất để chúng ta bật dậy. Cố gắng làm sao 4 năm còn lại phải bù lại được cho năm nay 2021. Như vậy thì mục tiêu 5 năm không thay đổi.

Vấn đề đặt ra là sử dụng công cụ nào.

Chúng tôi đề xuất luôn, dùng đầu tư công kích tổng cầu, đó là cách mà chính phủ nước Anh đã dùng để cứu nước Anh. Đầu tư công kích tổng cầu theo cấp số nhân. Tất cả các chương trình, dự án đầu tư công để thực hiện ở Thành phố theo 4 chương trình của Đại hội 11.

Đặc biệt chương trình về phát triển hạ tầng trong giai đoạn 2020-2030, kể cả giai đoạn 2026-2030. Nếu làm được, đây mới là đột phá, tận dụng “tương kế tựu kế”, vừa cứu kinh tế, vừa giải quyết bài toán hạ tầng nhanh hơn là thời điểm không dịch.

Giao thông, nhà ở, ô nhiễm kênh rạch qua các đề án: đề án chống ngập, đề án phát triển sinh thái, giao thông, chương trình nhà ở cho người dân Thành phố, nhất là người lao động, chương trình chỉnh trang đô thị, đặc biệt kể cả nhà trên kênh rạch, lâu nay chúng ta chưa làm được.

Nếu đầu tư công trong 4 năm tới mà làm được bằng tổng đầu tư trong 10 năm 2011-2020, thì Thành phố đủ sức để bật dậy sau khi dịch qua đi.

Về xác định các trụ cột của tăng trưởng, thì 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực, thứ hai là ngành xây dựng, phải làm sao ngành xây dựng của Thành phố trong 4 năm sau này như một đại công trường xây dựng.

Thứ ba là kinh doanh bất động sản. Những dự án bất động sản đang tồn đọng trong mấy năm nay, nếu gỡ được, riêng mảng đầu tư tư nhân thu hút đầu tư cực kỳ lớn. 

Cuối cùng là thương mại, tức là nhóm này đóng góp chủ yếu cho tốc độ tăng trưởng của Thành phố.

Về xác định các đối tượng hỗ trợ, tôi cho rằng có 3 tiêu chí. Một, đóng góp nhiều vào cơ cấu tăng trưởng của Thành phố, có tác động lan toả, ít có khả năng phục hồi như kinh doanh bất động sản. Chỉ cần cấp giấy phép, họ kinh doanh ào ào, chẳng cần hỗ trợ gì cả. Theo nguyên tắc lâu nay, Nhà nước đầu tư 10 đồng thì xã hội đầu tư từ 8-10 đồng. Nếu đầu tư, Thành phố 1 năm 50 ngàn tỷ đồng thì xã hội 400-500 ngàn tỷ đồng. Hiện nay, Thành phố có vốn đầu tư ngân sách là vốn mồi lớn nhất nước xét về tỉ lệ hiệu quả.

Còn ngành xây dựng, kinh doanh bất động sản, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn về vốn, quy mô, các thành phần kinh tế doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, các hộ kinh doanh, đó là nhóm thứ hai. Thì giải pháp thế nào?

Thứ nhất, quan trọng nhất là hành chánh công và quản trị công. Đây là nhóm giải pháp ít tốn kém nhất nhưng hiệu quả nhất để giúp doanh nghiệp tự phục hồi, phát triển, giúp người dân tạo ra sinh kế cho mình. Trước mắt, triển khai nghị quyết 128, Thành phố gỡ gạc lại trong 2 tháng cuối năm, gỡ gạc thế nào là do triển khai Nghị quyết 128 này.

Thứ hai, chính quyền chủ động khai thông vận tải, chấm dứt tình trạng chia cách theo ranh giới gây khó khăn. Hai tháng cuối năm rất quan trọng đối với Thành phố, làm sao các doanh nghiệp không “chết” nữa, chứ còn “chết” nữa – rất khó khăn.

Thứ ba đó, chính quyền cùng với Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp làm sao xử lý để thu hút lao động trở lại. Thật sự, Thành phố này phát triển được nhờ lao động nhập cư lớn! Nhưng giải pháp căn cơ vẫn nâng cao hiệu quả tài chính công, cung cấp hành chính công là trách nhiệm bộ máy hành chính. Đồng chí Chủ tịch có hứa với doanh nghiệp là cùng thi đua, thì bây giờ nêu thông điệp rõ: tất cả dịch vụ hành chính công giữa người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn tới là trách nhiệm của bộ máy hành chính, là trách nhiệm chứ không phải xin cho – phải thay đổi cái này. Nếu làm tốt cái này, tháo gỡ được vướng mắc về thủ tục, kinh doanh bất động sản, các dự án… thì tôi cho rằng, đó là cách tốt nhất thu hút đầu tư tư nhân. Đây là vấn đề rất quan trọng.

Về giải pháp hỗ trợ, tài chính, tín dụng, doanh nghiệp, Thành phố này có mô hình bù lãi suất rất hiệu quả, Thành phố đã làm năm 2020, là cơ chế bù lãi suất để di dời đổi mới công nghệ, bù lãi suất vào khu vực đầu tư y tế, giáo dục. Hồi xưa kích cầu giao hai quỹ đầu tư làm đầu mối, nhận ngân sách bù, đổi mới công nghệ thì bù 100%. Ngân sách bỏ ra 50 tỷ đồng mà huy động 1.500 tỷ đồng để tăng đầu tư. Cơ chế này rất hiệu quả.

Lệ Loan

VOH

Bình luận

Đọc Báo