Thúc đẩy chuyển đổi số trong đại học: Từ nhận thức đến hành động - Thời sự 17g00 9/6/2021

(VOH) - Thực hiện chuyển đổi số trong các trường đại học có ý nghĩa quan trọng như thế nào, đại học cần làm gì để chuyển đổi số thành công….

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; trong đó giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.

Trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành giáo dục – đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học xác định sứ mệnh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện chuyển đổi số trong các trường đại học có ý nghĩa quan trọng như thế nào, đại học cần làm gì để chuyển đổi số thành công….

Phóng viên Thùy Linh có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo xung quanh vấn đề này:

*VOH: Thưa bà, lĩnh vực giáo dục được xem là một trong 8 trọng tâm trong “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Vậy, theo bà, thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học có ý nghĩa như thế nào trong việc đóng góp vào quá trình chuyển đổi số của toàn ngành?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy: Tôi nghĩ rằng thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong ngành giáo dục mà còn góp phần lan tỏa sang những lĩnh vực khác của nền kinh tế xã hội Việt Nam.

Thứ nhất, chuyển đổi số mang lại hiệu quả cho chính cơ sở giáo dục đại học, sẽ khuyến khích nhà trường xem xét lại mọi quy trình, quá trình của mình từ các ý tưởng về quản trị, vận hành phòng ban giảng dạy như thế nào, tăng cường năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý để sao cho gia tăng được hiệu quả trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong nhà trường. Như vậy, chuyển đổi số mang lại giá trị tích cực cho các bên liên quan, đặc biệt người học được hưởng lợi nhiều nhất.

Thứ hai, khi cơ sở giáo dục thay đổi từ phương thức truyền thống sang việc sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm để cùng tạo dựng nên một cơ sở dữ liệu giáo dục đại học đã được số hóa thì cũng là một sự đóng góp rất lớn hỗ trợ không chỉ công tác quản trị trong nhà trường, mà còn hỗ trợ cho cả quản lý nhà nước về giáo dục đại học nói chung. Bởi vì, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu như vậy, theo thời gian tích lũy thành nguồn, thành kho dữ liệu, sẽ giúp có được một cái nhìn tổng thể để xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn, với nhu cầu của thị trường lao động, của nền kinh tế xã hội, bắt kịp với sự thay đổi, sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Như vậy, công tác quản lý nhà nước cũng sẽ hiệu quả hơn.

Thứ ba, khi hệ thống giáo dục đại học gia tăng được mức độ chuyển đổi số thì cũng góp phần nâng cao được năng lực và chất lượng đào tạo, góp phần tạo ra những sản phẩm đóng góp vào những lĩnh vực khác nhau trong nên kinh tế quốc dân, sẽ lan tỏa chuyển đổi số sang những ngành nghề khác, đồng thời góp phần thực hiện những mục tiêu kinh tế xã hội trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới của Việt Nam.

*VOH: Đến nay, quá trình chuyển đổi số trong đại học, theo bà nhìn nhận đã có những sự thay đổi ra sao, thưa bà?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy: Về sự thay đổi trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học, có rất nhiều điểm từ chính sách cho dến thực tiễn.

Nói về chính sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra được cơ chế đào tạo đặc thù, ưu tiên trong tuyển sinh và đào tạo nhóm ngành đào tạo lĩnh vực máy tính, công nghệ thông tin sẽ đáp ứng được nhu cầu về đào tạo nhân lực này cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân, bao gồm: khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, an toàn thông tin…. tạo động lực để các trường gia tăng năng lực đào tạo, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực. Điểm thứ hai về chính sách, chúng tôi cũng đã xây dựng và ban hành quy chế tuyển sinh, đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, trong quy chế đã cho phép các cơ sở giáo dục đại học có đủ điều kiện về mặt đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến thì có thể tiến hành tổ chức đào tạo trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến – trực tiếp tối đa 30% khối lượng chương trình đào tạo có thể thực hiện qua phương thức này. Đây là sự chuyển biến trong quy chế đào tạo.

Trước đó, chúng tôi đã có Thông tư số 12 năm 2016, Thông tư số 10 năm 2017, Thông tư số 38, thông tư số 39 năm 2020, tất cả đều đưa ra những khuyến khích, những quy định cụ thể về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức, đào tạo qua mạng như thế nào, đào tạo từ xa trình độ đại học như thế nào, liên kết đào tạo với nước ngoài, quy định tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo từ xa như thế nào….

Trong thực tiễn, từ năm 2018 cho đến nay, chúng tôi đã đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục nói chung, ví dụ: mã định danh cho hơn 53 ngàn trường học, hơn 1,4 triệu giáo viên, 24 triệu học sinh. Trong đó, đối với các trường đại học, cao đẳng, chúng tôi đã số hóa thông tin của gần 400 trường với 2,5 triệu sinh viên và hơn 120 ngàn giáo viên. Chúng tôi cũng kết nối với các nền tảng giáo dục và hệ thống báo cáo quốc gia, công bố mở hệ thống mã định danh, khi dữ liệu của hệ thống Hệ tri thức Việt số hóa cũng đã được phát triển với cơ sở dữ liệu rất lớn. Như vậy, với nguồn cơ sở dữ liệu, học liệu lớn như vậy, nó sẽ tăng được hiệu quả trong đào tạo trực tuyến, trong chuyển đổi số, đặc biệt là ứng phó rất tốt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 trong hơn một năm qua.  

*VOH: Thưa bà, khi thực hiện chuyển đổi số trong một môi trường đại học, có thể nói toàn bộ các khâu đều phải “số hóa” từ quản trị cho đến đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao và phục vụ cộng đồng. Trường đại học nên xác định đâu là vấn đề then chốt, thưa bà?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy: Với quan điểm chỉ đạo từ Thủ tướng chính phủ về vấn đề chuyển đổi số này, tôi nghĩ nhận thức sẽ đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Trong các trường đại học, đây cũng là vấn đề then chốt. Từ nhận thức đến hành động, các trường lúc này sẽ có chiến lược và các kế hoạch hành động cụ thể và tiến hành chuyển đổi số ngay từ việc sử dụng nguồn lực như thế nào, từ hệ thống kỹ thuật sẵn có nhưng phải có lộ trình để tiếp tục đầu tư để số hóa các hệ thống thông tin, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ và cơ cấu tổ chức bên trong, chuyển đổi các mối quan hệ, cách xử lý từ môi trường truyền thống sang môi trường số, nâng cao năng lực của đội ngũ từ giảng viên cho đến sinh viên. Vậy, từ nhận thức cho đến hành động là một quá trình thúc đẩy nội tại, thêm những cú hích, những khuyến khích, những chính sách, cơ chế phù hợp từ bên ngoài thì sẽ đưa được những ý tưởng sẽ trở nên sống động và hiệu quả trong thực tiễn. Tôi nghĩ trường đại học cần đi đầu trong công tác ứng dụng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho chuyển đổi số, trường cần chuyển giao công nghệ cho các cơ quan, tổ chức đơn vị bên ngoài thực hiện hiệu quả. Vì vậy, tôi nghĩ với sự quyết tâm cao trong ngành giáo dục từ phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các cơ sở đào tạo, chúng tôi đang thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số này, rất mong nhận được sự hỗ trợ, đồng hành, thấu hiểu chia sẻ từ các bên liên quan.

*VOH: Xin cám ơn bà!

Thùy Linh

VOH

Bình luận

Đọc Báo