Thành tựu sân khấu TP và những hiến kế cho chặng đường tiếp theo - Thời sự 5g30 24/10/2020

Trong 5 năm trở lại đây, sân khấu TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, đời sống của hầu hết các sân khấu, nhất là sân khấu hoạt động theo phương thức xã hội hóa luôn nhộn nhịp, sôi động.

Tất nhiên không thể so sánh đời sống sân khấu với các loại hình nghệ thuật khác nhưng kết quả này đã là một sự nỗ lực, sáng tạo và không ngừng thay đổi để bắt kịp xu hướng khán giả - đây là những đóng góp đáng trân trọng khích lệ. Vậy lực lượng làm sân khấu của thành phố đã làm như thế nào để có thể trở thành điểm sáng sân khấu cả nước và họ sẽ làm gì để tiếp tục duy trì thành quả này và mở ra thêm nhiều cơ hội phát triển trong chặng đường sắp tới.

Kỳ 1 tọa đàm: “Thành tựu sân khấu Thành phố và những hiến kế cho chặng đường tiếp theo” với sự tham gia của các nghệ sĩ, đạo diễn:  NSND Trần Minh Ngọc- Đạo diễn - nhà lý luận phê bình sân khấu; NSƯT Lê Nguyên Đạt - Trưởng khoa kịch hát dân tộc trường Đại học Sân khấu điện ảnh TPHCM - Giám đốc sân khấu Sen Việt; NSƯT Trịnh Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh - Giám đốc sân khấu Trịnh Kim Chi.

*VOH: 5 năm qua là khoảng thời gian mà sân khấu TP cho thấy một diện mạo mới và khá nhộn nhịp, khi mà có nhiều nghệ sĩ ở các khu vực khác đến TPHCM thì họ cảm thấy rất bất ngờ rằng tại sao TPHCM lại có được một đời sống sân khấu nhộn nhịp đến như vậy, và khán giả của TPHCM vẫn còn xếp hàng để mua vé, trong khi các tỉnh, thành khác hầu như không có. Nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng chính vì sân khấu thành phố “dám bức phá, dám thử thách mình” nên mới có được thành công như vậy, không biết ý kiến này có đúng không?

- NSƯT lê Nguyên Đạt: 4 chữ “Bứt phá, thử thách” tôi thích 4 chữ này, vì tui mừng thấy được có rất nhiều nhân tố trẻ, họ đã dần khẳng định mình, họ chứng tỏ qua những tác phẩm mình dàn dựng, họ dám chấp nhận những thử thách. Tại sao tôi nói điều đó, vì ở hầu hết các sân khấu bây giờ là vậy như: Sân khấu Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, 5B,… gần như trao một số quyền quyết định cho những người trẻ và thật sự tôi thấy họ cũng đã ít nhiều tạo nên những sắc màu mới cho sân khấu. Đặc biệt năm nay là một năm tập trung rất nhiều ngày lệ lớn của đất nước, và chúng ta cũng đã, đang chuẩn bị giới thiệu cùng với đất nước mình những thành tựu chung của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thì chúng tôi thấy được sự thanh xuân, sự khát khao, sự chấp nhận thử thách ở người trẻ, đó là điều trước tiên tôi nhìn thấy, đó là yếu tố con người, góp phần quyết định sự thành bại cho các sân khấu trong tương lai và chúng ta đặt ra nhiều trăn trở hơn nữa cũng như thử thách hơn nữa.

- NSƯT Trịnh Kim Chi: Đúng là khi chúng ta có trong tay một đội ngũ diễn viên trẻ, một lớp diễn viên được đào tạo một cách bài bản, chính quy thì chúng ta sẽ gặt hái được rất nhiều những thành công trong đó. Thật ra nếu nói về thành công thì còn hơi quá sớm, nhưng tất cả những gì mà các bạn đang thể hiện, các bạn đang làm, đang chứng minh, thì chúng tôi đã phần nào nhìn thấy thành công rồi, nên chúng tôi tự hào về điều đó trước nhất. và với một đội ngũ trẻ, nhiệt huyết của sân khấu thì chúng ta sẽ có được một niềm hy vọng cho sân khấu ở những năm tiếp theo.

*VOH: Đúng là luôn luôn trong tư thế sẵng sàng, luôn năng động là đặc trưng của sân khấu thành phố?

- NSND Trần Minh Ngọc: Sân khấu của chúng ta hiện nay đang có nhữung chuyển biến, vì nó có sự đầu tư, sự phối hợp, không chỉ của những người làm sân khấu mà kể cả nhữung người làm công tác quản lý, đầu tư. Như chúng ta đã thấy những thành tựu lớn vừa qua về biểu diễn của sân khấu thành phố kỷ niệm những ngày lễ lớn, thì đó là thành quả của những chủ trương đầu tư của thành phố đối với sân khấu. Đặc biệt là các hoạt động của các hội chuyên ngành, chẳng hạn như Hội sân khấu thành phố trong thời gian vừa qua, với ban sáng tác của họ đã tạo điều kiện để sân khấu có được những vở diễn hay. Tôi còn đặc biệt nhấn mạnh đến tính bứt phá, không chịu ngồi yên của sân khấu thành phố Hồ Chí Minh, ví dụ như các sân khấu kịch café, sân khấu của các diễn viên mới tốt nghiệp ra trường, các bạn luôn cố gắng hết sức để lao vào sàn diễn, lao vào sân khấu tìm kiếm các cơ hội trong những điều kiện biểu diễn thô sơ nhưng lại có sức hút lớn đối với khán giả trẻ. Vì thế dùng từ mà các thành phố đang trẻ hóa là có lý do của nó. Do khán giả tạo ra đời sống sân khấu đó, khán giả nuôi sân khấu, khán giả làm cho sân khấu có điều kiện, để nghệ sĩ có điều kiện tiếp tục sự nghiệp của mình. Đây là tín hiệu mừng cho sân khấu thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Bài toán cho sân khấu xã hội hóa không hề đơn giản, khi mà mọi thứ là do sân khấu phải tự cân đối hết.

- NSƯT Trịnh Kim Chi: Thật ra trước khi mở một sân khấu thì người quản lý cần phải tính toán thật kỹ, tiếp theo là phải có lực, lực ở đây là kể cả về sức lực và cả kinh phí sản xuất để mình có thể duy trì sân khấu của mình. Vì khi mở ra sân khấu, thì xác định là múc đầu phải thua lỗ, và chưa kể khi mở sân khấu ra là thời điểm nào nữa, cho nên là có một chút liều của người quản lý, khi có sân khấu rồi thì phải tính toán, tự thân vận động, tự mình cố gắng, có thể bán vé online, bán vé cho các đơn vị cùng với bán vé cho khán giả tại sân khấu… nói chung là luôn vận động, tìm mọi cách để duy trì một sân khấu.

*VOH: Tuy nhiên, để sân khấu phát triển "khỏe mạnh" hơn thì cần phải tạo cho sân khấu mình một thương hiệu, một phong cách riêng?

- NSƯT Lê Nguyên Đạt: Thật ra thì xu hướng xã hội hóa và lấy hiệu quả cuối cùng làm thước đó, đó là hướng đi từ lâu của thế giới, chúng ta bây giờ mới bắt đầu đi vào việc tự chủ, kể cả các đơn vị nhà nước, điều đó nghĩa là anh phải vận động chứ không chỉ ngồi yên đó chờ nhà nước. Tôi cũng đặc biệt quan tâm tới chữ liều của NSƯT Kim Chi, ở đây là chúng ta nói thật, liều để giữ thương hiệu của sân khấu mình, mà thương hiệu sân khấu mình chính là mình.

- NSND Trần Minh Ngọc: Hầu như tất cả các sân khấu xã hội hóa của chúng ta là do nghê sĩ tự đứng ra làm, vì họ đam mê sân khấu, họ muốn thỏa sức biểu diễn và dễ dàng tiếp cận khán giả. Tức là ở đây khi nghệ sĩ mở sân khấu, họ không truy cầu vật chất mà chỉ truy cầu nghệ thuật. Và hiện nay chúng ta cứ hay nói là muốn nhà nước đầu tư cái này, cái kia cho chúng ta là không đúng, vì chúng ta làm sân khấu là cho khán giả, phục vụ khán giả cho nên nếu chúng ta đòi hỏi điều gì thì nó phải phục vụ cho khán giả chứ không phải yêu cầu cho chúng ta, hiểu như vậy thì mới đúng.

Ngọc Thu

Bình luận

Đọc Báo