Thành phố Hồ Chí Minh–Tìm bước đột phá từ kinh tế biển - Thời sự 5g30 13/4/2021

(VOH) - Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tiếp giáp biển trải dài 42.000 km vuông, làm chủ hàng hải quốc tế và nội địa thông qua nhóm cảng biển Đông Nam Bộ lớn nhất cả nước.

Trước yêu cầu của thời đại, chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh đang định vị lại vị thế cạnh tranh của mình, hướng đến các mô hình kinh tế mới như: kinh tế biển xanh tương quan với tăng trưởng xanh, các ngành có giá trị gia tăng cao... với kỳ vọng sẽ tạo được bước đột phá cho thành phố trong hành trình hội nhập và vươn ra biển.

Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng phát triển kinh tế biển lớn, với động lực là các hệ thống cảng lớn. Trong đó, vùng biển Cần Giờ sẽ kết nối với vùng biển phía Đông và phía Tây của các tỉnh thành lân cận như: thành phố Vũng Tàu, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải, các khu đô thị mới hiện đại và cảng hàng không quốc tế Long Thành - Đồng Nai, huyện Gò Công Đông - Tiền Giang, cảng Hiệp Phước,… để phát triển kinh tế biển theo định hướng bảo tồn giá trị môi trường sinh thái, nhân văn. Thực hiện mục tiêu này, vừa qua thành phố Hồ Chí Minh đã đặt việc phát triển kinh tế biển gắn với việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ với quy mô 2.870 ha; hướng tới mục tiêu phục vụ cho gần 230.000 cư dân và tiếp đón gần 9 triệu lượt khách/năm; Đồng thời góp phần kết nối với hệ thống giao thông cảng biển quốc tế và khu vực, nâng cao đời sống nhân dân thành phố và vùng lân cận. Ông Trương Tiến Triển, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết thêm: Trong thời gian tới, trên địa bàn huyện Cần Giờ sẽ có những dự án mang tính chất trọng điểm đột phá. Trong đó, chúng tôi đã được Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch 2 cầu: Cát Lái và cầu Cần Giờ; Và hiện nay Cần Giờ cũng đã kết nối với thành phố Vũng Tàu thông qua phà Cần Giờ - Vũng Tàu. Dự án thứ hai là dự án khu du lịch biển Cần Giờ với quy mô lớn. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang khẩn trương thực hiện đồ án, sau khi đồ án được phê duyệt sẽ là cơ sở pháp lý để triển khai. Nó sẽ mang lại một sức bật về phát triển kinh tế rất lớn không chỉ cho huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh mà cho cả đất nước”.

Ủng hộ thành phố Hồ Chí Minh lấy vùng vịnh Cần Giờ để phát triển kinh tế biển, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, thành phố cần có định hướng cụ thể và có lộ trình phát triển lâu dài để không ảnh hưởng đến môi trường sinh quyển của vùng dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Trong đó, hướng tiếp cận phát triển kinh tế biển cần đặt trong hướng liên kết vùng, hình thành một hệ sinh thái biển cộng sinh, nương nhờ vào nhau để hoạt động tương trợ với nhau. Hệ sinh thái cộng sinh nếu chúng ta dựa trên nguyên tắc kinh tế tuần hoàn thì lúc đó chúng ta sẽ tạo ra hiệu suất sử dụng các nguồn lực cao nhất. Điểm thứ hai là rác thải sẽ ở mức tối thiểu. Lúc đó, chúng ta phải thiết kế tính cộng sinh giữa các yếu tố hoạt động sao cho, đầu vào được sử dụng với hiệu suất cao nhất và đầu ra là rác thải gần như bằng không. Thì tôi cho rằng, cách tiếp cận của chúng ta nên đi theo hướng như vậy”.

Xu thế phát triển kinh tế hiện nay của các nước trên thế giới đều đang xoay trục từ phát triển dựa vào đất sang phát triển dựa vào biển. Vì vậy, thành phố Hồ Chí Minh muốn phát triển kinh tế biển cần tập trung vào các lĩnh vực chính của biển. Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: “Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn có tiềm năng và lợi thế để trở thành cực kinh tế biển lớn nhất của Việt Nam, là điểm đến quan trọng mang tầm vóc quốc tế thông qua chuỗi đô thị biển Vũng Tàu và Gò Công, tạo ra mặt tiền ngoài biển để chủ động đón nhận các cơ hội phát triển trong vấn đề phát triển kinh tế biển. Tầm nhìn kết nối vùng để phát triển kinh tế biển gắn với chuỗi đô thị biển chính là tầm vóc quốc tế của thành phố Hồ Chí Minh và là câu trả lời cho sự phát triển đột phá của thành phố trong những thập kỷ tới, với định hướng phát triển nền kinh tế biển xanh gắn với công nghệ xanh và chuyển đổi số”.

 Theo ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh phát triển kinh tế biển cũng cần tận dụng những lợi thế từ hệ thống kênh rạch khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thay vì đầu tư lớn cho việc duy tu, nạo vét lòng sông hằng năm thì các bến cảng nhỏ cũng là một ngách cần xem xét tận dụng hiệu quả hơn trong liên kết vùng. “Chúng ta phải mở ra các bến cảnh thủy nội địa, nó rất vừa phải, vẫn kết nối được. Chúng ta không thể làm một siêu cảng trong một khi đô thị, nó rất ồn ào, rất khó khăn. Nếu như các cảng chia nhỏ ra, tận dụng các bờ, bến nước của hệ thống đồng bằng sông Cửu Long rất tự nhiên, rất rẻ và tăng phần xuất nhập khẩu thông qua các bến nước thì chúng ta vẫn giữ nguồn hàng, doanh thu vẫn giữ ổn định thì chúng ta sẽ thành công”.

Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định: trong tầm nhìn dài hạn thành phố sẽ phát triển dựa trên nền tảng kinh tế biển và đô thị biển. Đây là hai phương diện phát triển có mối liên hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau, cùng nhau phát triển. Hơn hết, dù phát triển theo hướng nào thì Thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn giữ vững vai trò nhạc trưởng, là hạt nhân, động lực phát triển trong liên kết vùng, bên cạnh việc phân công rõ chức năng cho các địa phương. Xác định rõ hướng đi, thành phố cũng hoạch định cụ thể giải pháp thực hiện. Ông Võ Văn Hoan, phó chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phân tích rõ hơn vấn đề này tại hội thảo “Thành phố Hồ Chí Minh – tầm nhìn kinh tế biển, kết nối chuỗi đô thị quốc tế” vừa qua: “Chúng ta cần một giải pháp thể chế cho toàn vùng. Việc này chúng tôi sẽ báo cáo với Ban Kinh tế Trung ương và cũng phối hợp với các địa phương để báo cáo, kiến nghị một cơ chế điều phối vùng hiệu quả. Trong đó, có điều phối phát triển kinh tế biển và đô thị biển. Chúng ta cần một giải pháp cho cơ chế chính sách để thành phố phát triển chủ động, năng động, sáng tạo trong quá trình đầu tư và phát triển. Những mô hình về kinh tế tuầ hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế sáng tạo cùng liên kết nhau để đổi mới hệ sinh thái phát triển của thành phố, hoặc là, chúng ta cũng cần một mô hình tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với kinh tế biển”.

Tiềm năng kinh tế biển của thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn. Do đó, phát triển kinh tế hướng biển là hướng đi tận dụng được nguồn tài nguyên vốn có để làm động lực đưa thành phố vươn tầm ra khu vực. Trong đó, thành phố luôn quan tâm đến kiểm soát và bảo vệ môi trường, phát triển hài hoà lợi ích về kinh tế, đảm bảo môi trường sinh thái bền vững, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Huệ Như

VOH

Bình luận

Đọc Báo