Thành phố cần giảm rác nhựa nhiều hơn nữa – Thời sự 17g00 2/12/2019

(VOH) - Tình trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nylon và xả rác thải nhựa tràn lan đang gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dân.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chất thải nhựa chiếm khoảng 1.800 tấn trong tổng số khoảng 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt thải ra mỗi ngày; trong đó, chỉ có khoảng 200 tấn được tái chế, còn lại được xử lý chôn lấp cùng các loại chất thải rắn khác. Hiện nay, các sở ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai, phát động hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa", giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, tiến độ giảm rác thải nhựa ở nhiều nơi còn chậm.

Những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, vấn đề kiểm soát ô nhiễm do chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy theo hướng tiết giảm (giảm sử dụng và phát sinh chất thải nhựa), tăng cường tái sử dụng, tái chế. Nhiều phong trào vận động, kêu gọi giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhưng hiệu quả còn chưa đạt được như mong muốn. Người dân còn sử dụng đồ nhựa và thải rác thải nhựa quá nhiều. Do đó, vấn đề trước mắt là làm sao để thu gom, phân loại triệt để rác thải ngay tại nguồn. Và người dân phải thay đổi hành vi, thói quen ngay từ bây giờ thì công tác giảm thải rác thải nhựa mới có hiệu quả.

Bà Trần Thị Huyền Thanh, Quận Thủ Đức phản ánh: “Tại các khu công cộng, khu vui chơi giải trí như Đầm Sen, Suối Tiên…nhưng khi bước vào đó thì rác thải nhựa sử dụng 1 lần cũng còn rất nhiều, như uống nước ngọt, sử dụng các hộp đựng thức ăn bằng nhựa…người dân,trẻ con đi tời những chỗ đó sử dụng vô tư. Trẻ con có khi phản ánh lại, tại sao ba mẹ, gia đình là hạn chế sử dụng như con đi tới nơi công cộng thì vẫn tiếp tục sử dụng?”.

Từ thực tế cho thấy, nguyên nhân của việc chậm giảm rác thải nhựa là do sản phẩm thay thế đồ nhựa còn ít, chưa có nhiều doanh nghiệp mặn mà trong sản xuất các sản phẩm thay thế đồ nhựa.

Ông Nguyễn Văn Đun, Phó ban Dân vận huyện Củ Chi cho biết: “Qua làm việc với ban quản lý chợ cho thấy, hiện nay sản phẩm thay thế túi nhựa bằng túi xách thân thiện môi trường giá quá cao, mà hằng tháng như vậy, người ta sử dụng từ 35 kg đến 40 kg, mà giá thành cao quá. Nên cũng có đề xuất, liên hệ với cơ sở sản xuất bước đầu cân đối giảm giá thành, như thế sẽ phục vụ cho tiểu thương tốt hơn”.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó phòng Văn hóa thông tin Quận Thủ Đức cho biết thêm về quá trình vận động doanh nghiệp chuyển đổi ống hút nhựa sang ống hút bằng bột gạo: “Mới đây chúng tôi đã vận động nhà hàng Cầu Treo sử dụng ống hút bằng bột gạo thay thế cho ống hút bằng nhựa. Thực tế cho thấy, mình cấm hết thì khó, nhưng hạn chế thì được, vì khi chuyển đổi như vậy doanh nghiệp cũng tốn tiền chứ. Vận động người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm bằng nhựa sử dụng một lần là một trong những nội dung chúng tôi tập trung triển khai sâu rộng”.

Hiện thành phố có rất nhiều chương trình, kế hoạch triển khai của đều gắn liền với phong trào "Chống rác thải nhựa" và vận động người dân giảm sử dụng túi nilông. Không ít địa phương tổ chức thu gom các loại rác thải nhựa để đổi các sản phẩm tiêu dùng, tặng giỏ đi chợ, tặng bình nước dùng nhiều lần, giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường để người dân tiếp cận... Những phong trào này đang lan rộng ở các phường, xã trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, để rác thải nhựa thật sự giảm mạnh trên địa bàn thành phố, cần có những cách thức, phương tiện tuyên truyền sâu rộng, trực quan; có các chế tài đủ sức răn đe; cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, khuyến khích tìm ra những ý tưởng mới trong sản xuất sản phẩm thay thế đồ nhựa là rất cấp thiết.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Trưởng ban Dân vận Quận Bình Thạnh chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi nhận thấy rằng, trước hết, công tác tuyên truyền, vận động là thiết thực nhất, thông quan tổ chức hội nghị đối thoại để người dân cùng tham gia. Vì thực tế đã thấy, khi tổ chức các ngày chủ nhật xanh, ngày thứ 7 vì cộng đồng thì chủ yếu lực lượng nòng cốt của mình là chính, người dân tham gia rất ít, nên Quận Bình Thạnh thường kêu gọi người dân cùng bảo vệ môi trường”

Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến tháng 12/2020, 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách… trên địa bàn thành phố sử dụng các bao bì thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy; tiểu thương tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống giảm 50% sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói, đựng sản phẩm cho khách hàng.

Huệ Như

Bình luận

Đọc Báo