Tham nhũng vặt: Tác hại không hề “vặt” - Thời sự 5g30 19/11/2019

(VOH) - Những món quà biếu nhỏ, những khoản “lót tay” kiểu nhẹ nhàng, tình cảm, đã như một phần tất yếu của cuộc sống hiện nay.

Vấn nạn này đang ngày càng tràn lan, tinh vi, làm tha hóa, biến chất nhiều cán bộ, công chức. Và trở thành vấn đề bức xúc của xã hội. Đặc biệt người dân, doanh nghiệp khi muốn thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn thì cần có chi phí “lót tay”, “bôi trơn”... 

Tham nhũng vặt xảy ra ở nhiều lĩnh vực, thường xuyên nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính; quản lý trật tự giao thông, đô thị; y tế; giáo dục; hải quan; thuế; tuyển dụng, đề bạt, sắp xếp, bố trí, bổ nhiệm cán bộ công chức, mua sắm tài sản công, xây dựng…và nó “biến tướng” dưới nhiều hình thức nên không dễ phát hiện, xử lý.

Luật sư Trương Thị Hòa, đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Khi tham nhũng vặt nở rộ thì có “cung” ắt có “cầu” của đội ngũ “cò mồi” chuyên làm dịch vụ, giải quyết nhanh hồ sơ, giấy tờ tại các bộ phận hành chính, tiếp dân. Và việc để “cò” tồn tại trước tiên cần nhắc tới trách nhiệm của cơ quan công quyền. Bởi có một thực tế là khi thông qua “cò”, chấp nhận chi một khoản phí “bôi trơn” thì đều được việc. Họ được chen ngang, được làm nhanh và ân cần hơn hẳn những người đi làm theo cách xếp số thứ tự.

Ông Đồng Văn Khiêm, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật công nghệ và môi trường của Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố cho biết: Cách đây 5-7 năm uy tín của Đảng xuống thấp, nhưng sau cuộc vận động chống tham nhũng thì Đảng đã lấy lại được niềm tin. Nhiều vụ việc được đưa ra ánh sáng liên quan đến nhiều quan chức các cấp, trong đó có cả đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị làm tăng niềm tin của nhân dân ta với Đảng. Vì vậy bây giờ làm sao để tổ chức, phối hợp mở cuộc vận động này:

Băng: 36s (Phải huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Ví dụ phối hợp giữa ta với chính quyền mở cuộc vận động tẩy chay với phong bì với tham nhũng vặt. Mà phải vận động cả hai phía. Vận động cả người đưa tham nhũng, không làm cái trò đó nữa. Đưa vào cơ quan công quyền muốn cho nhanh đút vài 3 trăm ngàn. Vào bệnh viện muốn chữa cho nhanh cũng vài 3 trăm ngàn. Thế thì bây giờ phải làm sao vận động được người ta đừg đưa và cả người nhận)

Tại buổi làm việc với Thành ủy để kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, dân số đông, phát sinh rất nhiều khối lượng giao dịch về hành chính, kinh tế, xã hội. Khối lượng tài sản, nhà đất công được giao cho các cơ quan đơn vị quản lý. Do đó tình hình tham nhũng vẫn đang có những tiềm ẩn phức tạp, phải làm tốt công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy cho biết về tham nhũng vặt, Thành ủy cũng đã chỉ đạo các cơ quan trực tiếp với dân giải quyết những thủ tục liên quan đến dân cần rà soát lại. Thứ hai cũng có một số giải pháp về cơ chế nhưng tự Thành phố không làm được mà phải xin ý kiến của Chính phủ. Về cải cách thủ tục hành chính thì Thành phố cũng rất nỗ lực làm sao giảm bớt cho cán bộ công chức trực tiếp với dân mà thông qua cải cách hành chính cấp độ 3, cấp độ 4 nhằm hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp và dễ phát sinh nhũng nhiễu. Tăng cường công tác dân vận, chính quyền, thực hiện đánh giá cán bộ công chức và đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cán bộ công chức bằng hệ thống công nghệ thông tin và giao cho mặt trận - đoàn thể, nhân dân giám sát đối với cán bộ công chức thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều lĩnh vực anh em làm rất vất vả, nhưng chế độ chính sách thì quá kém, vì vậy dễ bị cám giỗ nảy sinh tiêu cực. Cho nên Thành phố phải đồng bộ các chính sách vừa có cơ chế quản lý, vừa xử lý nghiêm đồng thời phát huy vai trò mạnh mẽ của nhân dân để nhân dân tham gia giám sát phát hiện và chúng ta phải kiên quyết xử lý thì mới hạn chế được tình trạng này. 

Tham nhũng vặt tuy giá trị không lớn nhưng nó kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho địa phương, đơn vị trong thu hút đầu tư; làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời nó là nguyên nhân dẫn đến vi phạm nghiêm trọng đạo đức của cán bộ, đảng viên và của Đảng. Từ đó làm băng hoại đạo đức xã hội, làm người dân mất niềm tin đối với cơ quan thực thi nhiệm vụ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của cơ quan công quyền, làm thoái hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, đảng viên, đe dọa sự tồn vong của chế độ… đã đến lúc các địa phương phải nhận thức rõ ràng rằng, chống tham nhũng phải là công việc tự thân của mỗi địa phương mà của toàn xã hội.

VOH

Bình luận

Đọc Báo