Tạo ra hệ thống giám sát camera, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý - Thời sự 11g00 3/4/2021

(VOH) - Cùng với việc xã hội hóa đầu tư “mắt thần” camera, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai đề án xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung.

Hệ thống camera giám sát trọng điểm này có chất lượng cao, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI và nhiều chức năng thông minh khác, được ví là “mắt thần” đúng nghĩa, tạo ra nhiều tiện ích và góp phần nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Phóng viên Hoàng Lĩnh phỏng vấn ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị được giao chủ trì triển khai đề án xây dựng hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung của thành phố.

hệ thống giám sát camera

Ảnh minh họa: TTO

*VOH: Thưa ông, một trong những yêu cầu then chốt thành phố đặt ra khi tập trung triển khai xây dựng đô thị thông minh, là phải trang bị hạ tầng công nghệ hiện đại, đồng bộ..., trong đó có hệ thống camera giám sát trọng điểm để nâng cao được hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Là đơn vị được giao chủ trì triển khai đề án, xin ông cho biết một số kết quả và lộ trình triển khai đã được thực hiện như thế nào?

Ông Lê Quốc Cường: Việc sử dụng camera để giám sát các lĩnh vực của xã hội đã được phát triển rộng khắp. Ở TPHCM thì việc đưa hệ thống camera vào giám sát giao thông đã được thực hiện từ lâu. Ngành công an, chính quyền các cấp đã vận động người dân lắp camera để giám sát. Hiện nay, theo thống kê, camera xã hội hóa chúng ta có khoảng 15.000 hoặc nhiều hơn. Thế thì tại sao chúng ta không tích hợp các camera này lại thành một trung tâm giám sát. Chúng ta đầu tư một hệ thống tích hợp các camera này lại, sẽ có hàng trăm hàng ngàn con mắt con mắt trên một địa bàn quận huyện chẳng hạn. Trên cơ sở đó, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu để làm thí điểm. Trước khi chúng ta triển khai đề án đô thị thông minh, chúng ta đã thí điểm ở quận 5, tích hợp tất cả các camera trên địa bàn về trung tâm đặt ở Công an Quận 5. Đây là mô hình rất hiệu quả. Khi triển khai đô thị thông minh, phải giám sát trực quan mọi hoạt động của thành phố này, trên lĩnh vực giao thông, an ninh trật tự - đây là 2 lĩnh vực ưu tiên. Hệ thống camera cần được đầu tư, những lĩnh vực chuyên sâu, phân tích hình ảnh thì nhà nước phải đầu tư, và hình thành trung tâm giám sát hình ảnh camera.

Thành phố đã ban hành Đề án xây dựng hệ thống giám sát camera tập trung của thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2019-2025. Dựa trên đề án đó, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng hệ thống này, với nguồn vốn hơn 600 tỷ đồng. Dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Hy vọng, năm 2021, trung tâm sẽ hoàn chỉnh và đi vào hoạt động chính thức. Hiện tại thì chúng ta có trung tâm, nhưng là mô hình thử nghiệm để cân đối tính hiệu quả của nó.

*VOH: Những ưu điểm của Hệ thống giám sát hình ảnh camera tập trung mà chúng ta trang bị là như thế nào?

Ông Lê Quốc Cường: Bước đầu, chúng ta đã thiết lập một hệ thống khoảng 1500 camera, gồm toàn bộ camera của hệ thống giao thông, một số camera của các đơn vi. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, để phân tích chuyên sâu hình ảnh cho khoảng 50 camera, trong đó có những chức năng như nhận dạng khuôn mặt, nhận diện hành vi, đo đếm số lượng. Song song với đó phải có cái chuẩn hóa. Sở Thông tin và Truyền thông đã đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc đầu tư camera. Các camera, các hệ thống giám sát phải đáp ứng nhu cầu tích hợp với nhau.

*VOH: Mục tiêu đến năm 2025 mà chúng ta đặt ra là gì?

Ông Lê Quốc Cường: Thứ nhất là dữ liệu thu thập từ hệ thống camera kỹ thuật là nguồn dữ liệu đầu vào cho việc phân tích, ứng dụng xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh. Và là nơi khai thác, tổng hợp các nguồn thông tin, dữ liệu hàng ngày của thành phố, kết nối cơ sở dữ liệu của ngành, các lĩnh vực. Đây là nguồn dữ liệu cực kỳ quan trọng, giúp lãnh đạo thành phố có thông tin đầy đủ về tất cả các lĩnh vực phục vụ quản lý, điều hành. Thứ hai là xây dựng một hệ thống dữ hiệu camera chia sẻ dùng chung, phục vụ công tác giám sát an ninh công cộng ở các khu vực, địa bàn trọng điểm, trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền. Chia sẻ dùng chung, bảo đảm vấn đề an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Phục vụ nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý một số lĩnh vực của cơ quan quản lý Nhà nước. Triển khai mạng lưới kết nối hệ thống camera trên địa bàn thành phố theo từng cấp quản lý, phân quyền tương ứng với chức năng nhiệm vụ của nó. Quy hoạch hệ thống camera để bảo đàm việc đầu tư của thành phố, của từng cấp, từng ngành, quận huyện, cũng như của người dân một cách hợp lý để bảo đảm hiệu quả việc đầu tư, phân bổ, tạo thành mạng lưới camera hoàn chỉnh, không trùng lắp.

Phải tích hợp công nghệ hiện đại để có thể quản lý chặt chẽ từng camera, từng vị trí và cho phép trích xuất hình ảnh theo khu vực, theo địa chỉ cụ thể và theo nhu cầu cụ thể. Và đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho hệ thống này. Đó là những mục tiêu tổng thể và cụ thể mà chúng ta đặt ra.

*VOH: Như ông nói thì hiện nay, các hộ gia đình, doanh nghiệp lắp đặt camera rất nhiều, có thể nói ở khắp nơi. Ông đánh giá việc xã hội hóa camera quan sát như thế này có đóng góp như nào đối với việc quản lý đô thị, đảm bảo an ninh trật tự?

Ông Lê Quốc Cường: Camera thì đi từ nơi người dân, phục vụ giám sát an ninh trật tự, trật tự đô thị trên địa bàn cụ thể đó. Hiệu quả thì qua minh chứng chúng ta thấy, nhiều hiện tượng, hành vi cướp giật, hoặc những vụ án hình sự đã được điều tra rất nhanh, thông qua hệ thống của người dân như thế. Một số nơi với hệ thống camera giám sát như vậy thì việc quản lý trật tự đô thị được tăng cường, việc lấn chiếm lòng lề đường, xả rác bậy cũng được giám sát kịp thời. Hiệu quả như thế, và khi được tích hợp với hệ thống quản lý của các cơ quan Nhà nước, tạo ra một hệ thống giám sát camera hoàn chỉnh, và giúp cho giảm gánh nặng ngân sách thành phố trong việc đầu tư.

*VOH: Bên cạnh những ưu điểm, việc quản lý, vận hành và khai thác các hệ thống giám sát hình ảnh, sử dụng hình ảnh cần có những quy định an toàn chặt chẽ. Việc này được Thành phố tính toán và quy định như thế nào?

Ông Lê Quốc Cường: Chúng ta đã tạo được sự đồng thuận của người dân, các cơ quan tổ chức trong vấn đề lắp đặt camera. Đây là việc rất thành công. Tuy nhiên, thời gian qua, vấn đề trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, cũng như của các cơ quan Nhà nước trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nó là chưa được quy định rõ ràng. Do đó dẫn tới những vấn đề có thể phát sinh như vấn đề ảnh hưởng tới quyền riêng tư, lộ lọt bí mật cá nhân, hoặc là những vấn đề khác, rồi công nghệ lạc hậu, không đảm bảo an toàn thông tin. Trước đây chúng ta nói xã hội hóa thì ai muốn lắp sao lắp, bên cạnh hiệu quả cũng lộ ra những bất cập. Ở đây cần phải có quy định. Chúng ta phát huy xã hội hóa, nhưng tất cả cần phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Những vẫn đề này, chúng tôi đã có tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn về yêu cầu kết nối… khi những quy chế quản lý, vận hành, khai thác hệ thống camera giám sát được Ủy ban nhân dân thành phố ban hành, thì những vấn đề đã nói sẽ được khắc phục.

*VOH: Xin cảm ơn ông!

 

Hoàng Lĩnh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo