Tăng mức phạt tối đa một số lĩnh vực trong Luật Xử lý vi phạm hành chính - Thời sự 17g00 22/5/2020

(VOH) - Chiều 22/5, Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trước đó Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thời gian qua, một số Bộ luật, Luật mới được ban hành như: Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Cạnh tranh năm 2018 và tình hình thực tế đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết thêm 1 số nội dung được đề nghị sửa đổi liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính: “Tăng mức phạt tối đa trong một số lĩnh vực tại Điều 24 Luật Luật Xử lý vi phạm hành chính như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản…; bổ sung mức phạt tối đa cho một số lĩnh vực chưa được quy định tại Điều 24 như tín ngưỡng, đối ngoại, bảo hiểm thất nghiệp, in, an toàn thông tin mạng”.

Khi thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhiều ý kiến nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật. Một số ý kiến đề nghị sửa đổi thêm một số nội dung về lập chương trình, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn Bắc Kạn đề nghị cần xử lý nghiêm việc chậm ban hành văn bản ở một số bộ ngành, địa phương: “Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ qua 4 năm thi hành luật tôi thấy có rất ít cán bộ công chức bị xử lý trách nhiệm khi chậm tham mưu ban hành các văn bản. Nếu chúng ta làm tốt thì sẽ phát huy rất tốt giá trị của luật”.

Một số ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về trách nhiệm phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời cần quy định rõ trong thành phần hồ sơ gửi thẩm định, thẩm tra phải có văn bản phản biện xã hội. Theo Đại biểu Tạ Minh Tâm, Đoàn Tiền Giang cần bổ sung thêm các đoàn thể khác: “Việc thể chế hóa trong luật lần này sẽ tăng cường cơ sở pháp lý để Mặt trận Tổ quốc thực hiện nhận xét đánh giá, nêu ý kiến. Cùng với Mặt trận Tổ quốc tôi xin kiến nghị bổ sung thêm các đoàn thể khác vào luật”.

Các Đại biểu cho rằng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã có sự đổi mới căn bản về quy trình lập Chương trình xây dựng pháp luật theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách với quy trình soạn thảo dự án. Những tồn tại, hạn chế trong công tác lập Chương trình thời gian qua một phần là do quy trình lập Chương trình có nhiều điểm còn khá mới, các cơ quan chưa theo kịp, nhưng phần lớn là do khâu tổ chức thực hiện chưa tốt. Việc quy định Quốc hội xem xét, quyết định về từng chính sách trong tất cả các đề nghị xây dựng luật đòi hỏi Quốc hội phải bố trí thời gian dài hơn rất nhiều cho việc xem xét, thông qua Chương trình, như vậy không phù hợp với quỹ thời gian của kỳ họp Quốc hội.

Sáng mai 23/5, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), sau đó Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng.

Ng.Phong

Bình luận

Đọc Báo