Tăng huyết áp ở người trẻ, nguy hiểm chực chờ - Thời sự 17g00 7/8/2022

(VOH) - Hiện nay tình trạng đột quỵ trẻ hóa không còn xa lạ. Nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu đột quỵ khi tuổi đời còn rất trẻ.

Tuy nhiên, hậu quả nặng nề của căn bệnh để lại là họ phải chịu cảnh tàn phế, liệt người. Một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ ở người trẻ mà chúng ta ít biết, đó là tình trạng tăng huyết áp nhưng không được kiểm soát.Về nội dung này, Hải Anh có Vấn đề hôm nay: “Tăng huyết áp ở người trẻ - nguy hiểm chực chờ!”, mời quý vị cùng nghe.

Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố cho biết, ê kíp các bác sĩ đang điều trị phục hồi chức năng cho người bệnh 46 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng. Trước đó, anh  được chẩn đoán tăng huyết áp và điều trị tốt trong hơn 6 tháng. Tuy nhiên khoảng 1 tháng nay, do thấy tình trạng sức khỏe ổn định nên anh bỏ uống thuốc, bỏ tái khám. Áp lực công việc cũng khiến bệnh nhân thường xuyên căng thẳng, chế độ sinh hoạt và tập luyện không điều độ. Sau đó người bệnh rơi vào đột quỵ. Di chứng sau đột quỵ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, công việc và sinh hoạt hàng ngày. Hiện anh đang được điều trị phục hồi chức năng. Chia sẻ với bác sĩ, anh cho biết bản thân rất hối hận vì không tuân thủ điều trị để biến chứng nghiêm trọng này xảy ra.Hay như một trường hợp bệnh nhân nam khác, sinh năm 1976, nhà ngụ Quận Tân Phú, nhập viện Bệnh viện Nhân dân 115 trong tình trạng liệt nửa người phải, mất hoàn toàn vùng ngôn ngữ. Đến cấp cứu bệnh viện nhưng tình trạng huyết áp của bệnh nhân đang vẫn còn cao, chưa ổn định. Đây cũng là một trường hợp trong rất nhiều những trường hợp đột quỵ vì chứng tăng huyết áp không được kiểm soát.

Bệnh tăng huyết áp đa phần không có triệu chứng. Nguy hiểm hơn, có đến 90% người bệnh không có nguyên nhân gây bệnh. Ở người trẻ tuổi, tâm lý chủ quan khiến nhiều người vô tình phát hiện bệnh khi đến khám sức khoẻ tổng quát hoặc nghiêm trọng hơn là khi đã xuất hiện biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Nhiều trường hợp bất ngờ bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não trong khi trước đó sức khoẻ còn rất tốt, nguyên nhân đa số là do biến chứng của bệnh tăng huyết áp gây ra.Ngoài ra tăng huyết áp còn dẫn đến nhiều biến chứng khác như phì đại cơ tim, suy tim, xuất huyết đáy mắt, phù gai thị trong đáy mắt, mất thị lực, suy thận hoặc các bệnh lý động mạch chủ… Đây là các biến chứng nặng nề, nhiều trường hợp có thể tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Hiện nay, tỉ lệ người mắc tăng huyết áp có xu hướng tăng cao và độ tuổi trẻ dần. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nhịp sống nhanh và lối sống sinh hoạt không đúng. Nguy hiểm hơn, bệnh tăng huyết áp thường không có triệu chứng rõ ràng khiến nhiều người chủ quan, không tuân thủ điều trị dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Về vấn đề này, theo Giáo sư. Tiến sĩ. Bác sĩ Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố, thì trước đây người bệnh trên 60 tuổi tăng huyết áp chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người bệnh dưới 60 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh lý này, chiếm 40% trong tổng số người bệnh đi khám và phát hiện tăng huyết áp tại bệnh viện.Phân tích nguyên nhân vì sao tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa, thì các bác sĩ nhận thấy, một trong những nguyên nhân là do lối sống, chế độ sinh hoạt không đúng dẫn đến nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh, như thói quen ăn mặn, ăn nhiều thức ăn nhanh, uống nhiều bia rượu, ít vận động, tình trạng béo phì, thường xuyên căng thẳng, lo âu…

Giáo sư. Tiến sĩ. Bác sĩ Trương Quang Bình khuyến cáo, cách tốt nhất để phát hiện bệnh kịp thời là đi khám sức khỏe định kỳ. Mỗi người cũng có thể chủ động phát hiện tăng huyết áp bằng cách tự đo huyết áp hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất. Chỉ cần một trong 2 trị số cụ thể  huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên thì được xem là tăng huyết áp.Ngay khi phát hiện tăng huyết áp hoặc có những triệu chứng dù chỉ thoáng qua như hồi hộp, đánh trống ngực, nhức đầu mỗi buổi sáng thức dậy... thì tốt nhất nên đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, người có các yếu tố nguy cơ thói quen ăn mặn, môi trường sống ít vận động, uống nhiều rượu bia, căng thẳng thường xuyên, lớn tuổi và tiền căn gia đình có người mắc tăng huyết áp nên khám sức khoẻ định kỳ.Để đạt hiệu quả trong điều trị tăng huyết áp, người bệnh cần có hiểu biết về tăng huyết áp để phối hợp tốt với bác sĩ trong quá trình điều trị, kiểm soát bệnh. Việc điều trị cần tuân thủ cả việc sử dụng thuốc và duy trì chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tập luyện đều đặn. Người bệnh phải tuân thủ đúng thì mới giảm thiểu được nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch nghiêm trọng. Ngoài việc tái khám định kỳ, khi có bất cứ tình trạng nào khác thường về trị số huyết áp, tần số tim thay đổi nhiều, nặng ngực, giảm sự gắng sức, khó thở... thì phải tái khám ngay.

Ý thức được sử nguy hiểm của căn bệnh tăng huyết áp để có sự thay đổi trong lối sống, loại bỏ những thói quen có hại. Quan trọng hơn, mỗi người phải nhận biết các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp và có kế hoạch loại trừ những yếu tố nguy cơ này càng nhanh càng tốt. Hãy có một chế độ ăn uống thích hợp, chế độ tập thể lực đều đặn và khám sức khỏe định kỳ để tránh mắc bệnh tăng huyết áp. Và một điều tuyệt đối nên nhớ bệnh nhân không được bỏ thuốc tăng huyết áp sau thời gian điều trị, bởi đây là một tình trạng rất thường gặp ở nhiều người. Một khi đột quỵ xảy ra, thì hậu quả để lại rất khó lường!

VOH

Bình luận

Đọc Báo