Sân Khấu Sáng Đèn–Không Thể Thiếu Sự Hỗ Trợ Của Truyền Thông (Kỳ 2) – Thời Sự 5g30 13/9/2020

(VOH) - Mỗi con chữ, mỗi chi tiết, mỗi tấm ảnh khi được đăng tải trên các trang báo là sự chọn lọc kỹ lưỡng và khắc khe để độc giả có cái nhìn thấu đáo hơn về sự kỳ công dựng vở.

Với kỳ 1:“Bắc cầu cho khán giả và vở diễn” trong phóng sự 3 kỳ mang tên “Sân khấu sáng đèn - Không thể thiếu sự hỗ trợ của truyền thông” là ý kiến chia sẻ của nhiều nhà sản xuất sân khấu, đạo diễn, nghệ sĩ về vai trò kết nối khán giả với tác phẩm mà báo chí đóng vai trò không nhỏ. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những đóng góp của giới truyền thông - họ đã đồng hành và tiếp lửa như thế nào để các sân khấu an tâm bay bổng, vẫy vùng trong không gian nghệ thuật.

Kỳ 2: Đồng hành và tiếp lửa

Để có một tác phẩm thành hình thật hấp dẫn, lộng lẫy, sang trọng trên sàn diễn, ekip sản xuất phải trải qua quá trình thai nghén đầy vất vả. Chắp bút đề tài, tuyển chọn diễn viên, dàn dựng và chỉnh sửa liên tục để cuối cùng là một tác phẩm nghệ thuật đẹp nhất, hấp dẫn nhất trong mắt công chúng. Và mỗi chặng đường ấy đều thấp thoáng bóng dáng của những phóng viên sân khấu. Mỗi con chữ, mỗi chi tiết, mỗi tấm ảnh khi được đăng tải trên các trang báo là sự chọn lọc kỹ lưỡng và khắc khe để độc giả có cái nhìn thấu đáo hơn về sự kỳ công dựng vở: tiền kỳ, hậu kỳ và cuối cùng là thăng hoa trên sàn diễn.

Nhà báo Thúy Bình - phóng viên báo Sài Gòn giải phóng hạnh phúc nói: “Mình theo đuổi nghề, mình viết những bài chia sẻ những thông tin đó đến độc giả, đồng thời cũng như một sự đánh động nho nhỏ của những phóng viên viết mảng văn hóa nghệ thuật đối với những người lãnh đạo của lĩnh vực văn hóa để Nhà nước, thành phố Hồ Chí Minh có thêm những quan tâm và đầu tư chia sẻ và hỗ trợ thêm cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có thể phát triển tốt hơn trong thời gian tới. Ngoài ra khi tuyên truyền, viết về những vở kịch trên báo thì mình luôn có những chính kiến riêng của mình để giới thiệu đến khán giả, độc giả những tác phẩm thật sự chất lượng. Đồng thời khuyến khích những người hoạt động lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đóng góp thêm nghề và sự nhiệt huyết của mình đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật”.

Truyền thông mang công chúng đến với sân khấu, ngược lại chính sân khấu với những thánh đường hoa lệ, những tác phẩm đầy xúc cảm, những vở diễn mang nhiều thông điệp ý nghĩa, những cảnh diễn căng tràn sức sống hay những thử thách sáng tạo mới lạ cũng làm cho người làm báo những trang viết nhiều giá trị. Xem được một vở diễn hay, viết được một bài phê bình đúng nghĩa, đi theo vở diễn nhiều ngày để cuối cùng êkip nhận được sựhâm mộ của công chúng, hay vở diễn cháy vé … bao nhiêu đó  đủ để người viết hạnh phúc, đủ để người làm báo thấy yêu và gắn bó với ngòi bút hơn.

Nhà báo Hoàng Kim đã viết sân khấu hơn 30 năm cho biết: “Khi chọn mảng sân khấu để theo đuổi thì tôi biết chắc sẽ phải đi đêm nhiều vì đó là giờ mình làm việc nên tôi chấp nhận. Nhưng khi mình xem được một vở tuồng hay thì mình vô cùng phấn khởi, niềm phấn khởi đó theo mình về tận nhà, nên mình thấy không vấn đề gì hết, mùa nắng hoặc lúc mình khỏe thì bình thường, nhưng khi trời mưa, đi trong đêm, gió lạnh tạt vào mặt, nước ngập, không thấy đường chạy xe, những lúc như vậy lúc mình thấy sao mình khổ vậy. Nhưng mà rồi không sao, vì cái được làm nghề nó lớn hơn những cái vất vả đó”.

Nhưng để đồng hành tốt cùng sân khấu, người viết phải có những am hiểu nhất định về nghề diễn, chỉ như thế mới có cái nhìn chính xác với những xử lý mảng miếng của diễn viên. Có chuyên môn nhất định về sân khấu sẽ giúp người viết có thêm dữ liệu và kỹ năng phân tích, từ đó có những bài phê bình giá trị hơn. Vì thực tế, hiện tại, có không ít nhà báo thiếu chuyên môn về lĩnh vực này nên trong bài viết lập luận còn lỏng lẻo. Khen chê là cần thiết trong nhữung bài bình luận sân khấu, nhưng nếu ta không hiểu đúng về ẩn ý hoặc sáng tạo mà đạo diễn nêu trong vở thì dễ làm cho bài viết chủ quan 1 phía. Nói về khía cạnh này, nhà báo Cát Vũ - một cây viết phê bình nhiều năm trong nghề thẳng thắn bày tỏ: “Khi chúng ta viết phê bình sân khấu hoàn toàn không giống như viết phê bình các loại hình nghệ thuật khác,vì sân khấu gồm nhiều kịch chủng: kịch nói, cải lương, hát bội, tuồng… và mỗi thứ có một đặc thù riêng và chúng ta phải học, phải biết, phải đi vào từng khâu bếp núc của người làm sân khấu để hiểu người ta, đạo diễn, biên kịch, dàn dựng họ muốn gì trong tác phẩm và họ có làm được điều đó hay không, thì chúng ta biết để chúng ta phê bình. Như thế mới chứng tỏ là chúng ta hiểu vê nghệ sĩ, nó mới sát sườn, nó mới đúng những điều mà người làm sân khấu mong muốn. Như thế mới giúp cho sáng tác phát triển”.

Nếu không có sự đồng hành bền bỉ của truyền thông, công chúng chắc gì hiểu được những góc khuất đầy khó khăn phía sau ánh hào quang. Nếu không có những bài phê bình sâu sắc, chân thực thì khán giả có thể cũng không hiểu người nghệ sĩ đã làm thế nào để vượt qua những áp lức to lớn mà nghề diễn mang lại. Và nếu thiếu những cánh nhà báo viết sân khấu khán giả sẽ không thể tưởng tượng hết độ hoành tráng của: Chiếc áo thiên nga, Kim Vân Kiều, Ngàn năm tình sử, Tiên Nga hay Chicago… Lực lượng anh em hậu đài, kỹ thuật viên, phục trang sân khấu có thể sẽ sống khó khăn hơn nếu như thiếu sự tiếp sức từ những cánh phóng viên. Có thể không phải là tất cả, nhưng mỗi một phóng viên đã góp phần quan trọng để quảng bá hình ảnh và thương hiệu của mỗi sân khấu, định hình trong lòng công chúng những giá trị thẩm mỹ chân thực, sống động mà chỉ có trong khán phòng sân khấu thì nghệ sĩ và công chúng mới cảm nhận được.

Và nhìn nhận từ góc độ chuyên môn, sự tiếp lửa mà truyền thông mang đến cho văn nghệ sĩ, cho từng sân khấu đã là sự thật hiển nhiên, nó được minh chứng qua sự thành công, phát triển ngày càng nhiều của làng kịch thành phố, Đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc - Trưởng ban lý luận phê bình Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nói: “Trong lòng tôi rất vui khi tôi thấy được một đội ngũ phóng viên của các báo, lực lượng truyền thông rất lớn. Sân khấu của chúng ta phát triển hay không phát triển là nhờ vào đội ngũ nhà báo của chúng ta, nhờ vào công tác lý luận phê bình, mặc dù là công tác lý luận phê bình đi sau sáng tác dàn dựng. Tác phâm dựng rồi và biểu diễn rồi thì chúng ta mới phê bình, như là một hoạt động tổng kết. Công việc của chúng ta bao hàm lý luận, bao hàm phê bình và bao hàm luôn lịch sử nên rất quan trọng và rất cần sự tham gia tích cực của đội ngũ phóng viên chúng ta. Làm sao cho sân khấu chúng ta mới hơn, tức là phải thay đổi cách nhìn, cách phản ánh".

Về lực lượng viết sân khấu, thành phố không thiếu, nhưng về lý luận phê bình thì con số những nhà báo viết được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để Đồng hành và tiếp lửa lâu dài cùng sàn diễn thật sự rất cần những cây lý luận phê bình bản lĩnh, dám nghĩ, dám viết, không ngại va chạm. Viết một bài lý luận sân khấu không chỉ đơn giản hai chữ khen chê mà nó thể hiện sự quan tâm đến sàn diễn và bản lĩnh của một nhà báo. Vì sau tất cả, viết báo không chỉ xâu chuỗi thông tin, giới thiệu sự kiện mà lớn hơn là phải dự báo và định hình được xu hướng cho từng sân khấu.

Ngọc Thu

Bình luận

Đọc Báo