Phân loại chất thải rắn tại nguồn "dễ mà không dễ” (Bài 1) – Thời sự 11g 17/04/2019

(VOH) - Theo kế hoạch của UBND TP ban hành thì đến hết quý 2/2019 sẽ triển khai phân loại chất thải rắn tại nguồn trên toàn địa bàn Thành phố.

Trước đó thì từ ngày 14/11/2018, Quyết định 44 của UBND TP về phân loại chất thải rắn tại nguồn cũng đã có hiệu lực. Tuy nhiên sau 4 tháng thì việc triển khai quyết định này hầu hết chỉ được các quận, huyện triển khai thí điểm tại 1 số phường, xã, thị trấn trên địa bàn. Điều đáng nói là kết quả vẫn chưa đạt được như kế hoạch đề ra. Nguyên nhân vì sao, giải pháp như thế nào cho thời gian tới.

Mời quý vị nghe Bài 1 “Thông tin tuyên truyền người biết, người không” của loạt bài “Phân loại rác tại nguồn-Dễ mà không dễ” do Phóng viên Ngọc Phong và Phương Dung thực hiện:

Trong những tuần gần đây khi thực địa tại 1 số phường, xã, thị trấn là những địa phương được các quận, huyện chọn thí điểm triển khai phân loại rác tại nguồn, chúng tôi tiếp cận được nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trong đó, khoảng 50-60% người dân được hỏi tiếp cận được thông tin và hiểu được ý nghĩa của việc phân loại chất thải rắn tại nguồn (hay còn gọi là phân loại rác tại nguồn). Trong số đó có người biết được do tổ dân phố phổ biến, nhưng cũng có người biết được qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Tại 1 số hẻm ở phường Bến Nghé như hẻm 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm hay hẻm số 5 Nguyễn Trung Ngạn, đây chính là những nơi đầu tiên của phường, thậm chí là của quận 1 triển khai thí điểm việc phân loại rác tại nguồn. Thậm chí điển hình như hẻm số 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm đã triển khai từ năm 2015. Trải qua 4 năm với sự kiên trì tuyên truyền tổ dân phố, khu phố, thì giờ đây đa phần người dân đã quen và thực hiện khá tốt. Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, người dân hẻm 25, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết: “Riêng khu phố 1 thì ai cũng làm. Đầu tiên cũng lăn tăn, về sau rất thoải mái không có ý kiến gì về phân loại rác”

Tương tự Bà Nguyễn Thị Loan, người dân hẻm số 5, đường Nguyễn Trung Ngạn cũng thực hiện việc này từ khá lâu và đến nay đã thuần thục: “Không làm dấu mình cũng biết rác nào phân hủy rác nào không? Cần phải duy trì vì rác không phân hủy rất độc hại. Tại vì có 2 xe mình thảy lên cũng dễ”

Qua tiếp xúc 1 số người dân phường Bến Nghé thì đa phần đều biết thông tin và triển khai khá tốt vì đây là phường ở khu vực trung tâm và có trình độ dân trí khá cao. Tuy nhiên nói như vậy không phải là toàn bộ người dân trên địa bàn đều triển khai, thậm chí quá trình triển khai còn nhiều việc chưa đồng bộ, mỗi người làm theo thói quen riêng và có nhiều gia đình, nhất là các hộ thuê trọ, khách vãn lai trên địa bàn chưa thực hiện. Trong khi đó với một quận vùng ven như quận 8 thì quá trình triển khai thí điểm tại 3 phường 4, 5, 6 thời gian qua cũng còn những hạn chế nhất định.

Cũng giống như quận 1, chủ trương thì người dân đồng tình, thông tin thì nhiều người dân cũng đã biết, nhưng để thực hiện đúng theo yêu cầu thì không dễ. Ngay cả trong 1 gia đình thì việc phân loại rác của các thành viên cũng chưa đồng nhất vì cách tiếp cận thông tin không giống nhau. Bà Nguyễn Thị Dư, người dân phường 5, quận 8, cho biết: “Đầu tiên cũng khó khăn, về sau thì thấy có lợi ích. Lúc đầu cũng không biết phân loại về sau con hướng dẫn phân loại”

Một khó khăn nữa được người dân cho biết là việc túi đựng rác hiện nay do các hộ gia đình tự trang bị nên dẫn đến chưa đồng bộ từ màu sắc, kích cỡ, chất liệu….ai có túi gì đựng bằng túi ấy. Đặc điểm để nhận diện giữa túi rác hữu cơ dễ phân hủy và rác còn lại hiện nay chủ yếu dựa vào những tấm nhãn dán do phường cấp có kích thước khá nhỏ. Trên thực tế nếu chỉ nhìn vào những nhãn dán ấy đôi khi nhiều người cũng khó nhận biết đâu là rác gì và với người vãn lai thì càng không biết. Ông Nguyễn Văn Tuyên, phường 12, quận 6, đề nghị: “Để bảo vệ môi trường cho sạch sẽ phải tuyên truyền để mọi người cùng thực hiện. Chai lọ thì để riêng, rác sinh hoạt để riêng. Phân loại dễ lắm.”

Trên thực tế phần lớn thông tin tuyên truyền được triển khai khá tốt đến các chi, tổ, hội ở địa phương và cũng chính những người trong các tổ chức ấy là những người thực hiện khá tốt. Đơn giản vì họ nhận thức được tác hại của việc không phân loại rác, cũng như lợi ích của việc phân loại. Bà Nguyễn Thị Biển, cán bộ hội phụ nữ Khu phố 5, Phường 5, quận 8 cho biết về cách làm của gia đình mình: “Biết việc thì dễ, không biết khó. Phân loại tốt hơn cho người ta dễ lấy. Ngày nào xe cũng đi lấy rác”.

Điều đáng nói hơn là ngay cả nhiều người dân ở tại các địa phương được chọn thí điểm triển khai phân loại rác tại nguồn, nhưng xem ra việc tiếp cận thông tin của họ còn khá mơ hồ thậm chí nhiều người không biết. Và một khi không biết thì đương nhiên là chưa thực hiện. Bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, phường 15, quận 11 bộc bạch: “Bỏ chung thùng cho nó gọn, sợ chuột quậy. Cái gì cũng bỏ chung vô rồi xe rác lại hốt lên”

Một nguyên nhân cũng được nhiều người dân nêu ra đó là quy trình thu gom hiện cũng còn những bất cập, nhất là ở các đường dây thu gom rác dân lập cũng khiến người dân chưa mặn mà trong việc phân loại rác. Vì theo họ không biết việc phân loại có thực sự được các đơn vị xử lý đúng quy trình hay không và kết quả như thế nào và kể cả việc không thu gom đúng giờ.

Ý kiến phản ánh từ ông Phan Công Thông, phường 11, quận 11: “Thu gom đúng giờ là rất tốt, nhưng có những xe rác không chấp hành. Ý thức người dân thì thay đổi nhiều, nhưng đường dây rác không chấp hành”.

Thời gian từ đây đến cuối quý 2/2019 không còn nhiều, trong khi hầu hết các quận, huyện hiện chỉ dừng lại việc thí điểm phân loại chất rác tại nguồn ở 1 số phường, xã nhất định. Đơn cử có những quận chỉ mới triển khai tại các trường học, cơ quan, đơn vị. Đáng nói hơn ngay cả những nơi được chọn thí điểm thì việc phân loại chất thải rắn cũng chỉ dừng lại ở tỉ lệ trung bình chưa đạt được tỉ lệ như mong muốn. Làm thế nào để việc triển khai phân loại rác tại nguồn đồng bộ trên toàn địa bàn Thành phố vào cuối quý 2/2019 được triển khai tốt là 1 vấn đề khó đang được các địa phương hết sức nỗ lực trong khoảng thời gian không dài sắp tới.

VOH

Bình luận

Đọc Báo