Phấn đấu giao toàn bộ mặt bằng năm 2024 để thi công dự án đường Vành đai 3 - Thời sự 11g 23/6/2022

(VOH) - Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua.

Đây là dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn nhất ở phía Nam từ trước đến nay, hơn 75.370 tỷ đồng. Riêng dự án thành phần của Thành phố Hồ Chí Minh lên tới hơn 48.000 tỉ đồng. Đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đi qua trực tiếp 4 địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Khi dự án hoàn thành, kỳ vọng sẽ “kích hoạt” toàn bộ Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là khu vực quan trọng, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thành phố cũng được giao nhiệm vụ là cơ quan đầu mối điều phối dự án trong quá trình triển khai thực hiện sắp tới. Phóng viên Hoàng Lĩnh có cuộc phỏng vấn ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh xung quanh nội dung này. Mời quý vị cùng nghe.

Nội dung băng phỏng vấn - 4 phút 16 giây

PV: Thưa ông, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM. Cá nhân ông và ngành giao thông vận tải đón nhận tin vui này với tâm thế như thế nào?

Ông Phan Công Bằng: Sau khi Quốc hội thông qua thì anh em ngành giao thông vận tải rất là vui, và đây không phải là niềm vui của cán bộ công chức ngành giao thông vận tải nữa mà tôi nghĩ là như anh Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố nói là hai mươi triệu người dân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mong chờ dự án đường Vành đai 3 này hơn mười năm rồi. Đường vành đai 3 này sau khi hoàn thành thì sẽ rút ngắn được cự ly và thời gian hành trình của các phương tiện, đặc biệt là các phương tiện vận tải hàng hóa từ khu vực miền Tây Nam bộ lên miền Đông và ngược lại, giảm cái chi phí logictics và tăng hiệu quả khai thác của các tuyến đường.

PV: Bước sang giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch, Thành phố chọn Vành đai 3 là dự án tập trung nguồn lực thực hiện để tạo đột phá, tác động lan tỏa đến sự phát triển của TPHCM và liên vùng. Ông chia sẻ thêm về khoảng thời thời gian chạy nước rút để chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ dự án để trình các cấp có thẩm quyền?

Ông Phan Công Bằng: Vành đai 3 này được thông qua thì đầu tiên là sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự ủng hộ các bộ ngành. Còn đối với Thành phố Hồ Chí Minh và ba địa phương còn lại là Đồng Nai, Bình Dương và Long An thì đều có sự phối hợp rất là chặt chẽ, có cái cách làm nó khoa học và đặc biệt là như tôi nói là cái sự mong chờ của người dân về cái vành đai ba này, thành ra là tất cả mọi người tham gia đều quyết tâm. Thậm chí trong những giai đoạn mà Covid-19 diễn biến rất phức tạp, anh em bị Covid rồi vẫn cứ họp online gần như làm là không kể là ngày đêm, làm mười một mười hai giờ thậm chí có những buổi làm việc là xuyên đêm luôn để mà tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đảm bảo chặt chẽ và đảm bảo được cái tính khả thi của các bước tiếp theo.

PV: Ngoài thuận lợi nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, các bộ ban ngành và các địa phương, Thành phố chắc chắn cũng gặp áp lực lớn với dự án quy mô này, khi phải hoàn thành trong thời gian ngắn. Theo ông, đâu là điểm đột phá và khó nhất khi thực hiện dự án?

Ông Phan Công Bằng: Khó khăn là áp lực về giải phóng mặt bằng. Công tác giải phóng mặt bằng thì thời gian qua là công tác rất khó khăn. Thứ hai là là đây cũng là dự án lớn quy mô tương đối phức tạp thành ra là cũng cần phải có những cái kế hoạch xử lý chi tiết cũng như là cụ thể mới có thể là đảm bảo cái tiến độ và hiệu quả cũng như chất lượng công trình được.

PV: TPHCM là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Như vậy, ngành giao thông vận tải xây dựng các kế hoạch, giải pháp như thế nào để tham mưu UBND Thành phố, để cùng các bên liên quan triển khai thực hiện dự án một cách hiệu quả nhất, thưa ông?

Ông Phan Công Bằng: Dự án Vành đai 3 thì có cái tổng vốn đầu tư là với Thành phố Hồ Chí Minh là bốn mươi tám ngàn tỷ, là dự án lớn nhất từ trước tới nay đối với ngành giao thông vận tải. Thứ hai là với cái áp lực thời gian cuối năm 2025 là cơ bản hoàn thành, 2026 đưa vào khai thác thì cũng là cái áp lực về tiến độ rất là lớn. Cái này thì cũng không chỉ là mỗi ngành giao thông đâu, kể cả các cơ quan khác đặc biệt là ngành tài nguyên môi trường liên quan đến giải phóng mặt bằng. Công việc chính là về mặt giải phóng bằng phải xong cơ bản vào năm 2023, giao toàn bộ mặt bằng vào quý II năm 2024 để mà tiếp tục triển khai thi công. Hiện nay là chúng tôi đã phối hợp với các sở ngành các địa phương để xây dựng cái bản tiến độ chi tiết, trong đó thì có cụ thể hóa từ tiến độ từng mốc thời gian để mà kiểm soát được cái tiến độ này. Trong trường hợp vướng một cái khâu nào đó thì chúng ta có cái giải pháp để xử lý ngay và và đẩy nhanh tiến độ cái bước chậm trễ đó, để đảm bảo là làm sao mà kiểm soát được tiến độ và chất lượng, có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị liên quan. Thì cái này hiện nay chúng tôi đang xây dựng. Ở tầm vĩ mô thì cũng phải thành lập Ban chỉ đạo mà dự kiến là Thường trực Thành ủy sẽ là trưởng ban chỉ đạo, rồi các thường trực các tỉnh ủy cũng tham gia rồi các vùng nữa, có cái cơ chế mời các chuyên gia để hỗ trợ thêm, góp ý thêm trong quá trình triển khai dự án. Nói chung là với những cái chuẩn bị như vậy thì hy vọng dự án sẽ được triển khai theo kế hoạch tiến độ đã đề ra.

Vâng, xin cảm ơn ông!

VOH

Bình luận

Đọc Báo